hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 17/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đi tù thì có phải bồi thường thiệt hại hay không?

Đi tù là một trong số các hình phạt áp dụng đối với người phạm tội. Nhiều người quan tâm đến vấn đề người đi tù thì có phải bồi thường thiệt hại không?

Đi tù có phải bồi thường không?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi xin được giải đáp như sau: Tôi có người bạn phải phạm tội cố ý gây thương tích và phải đi tù. Người bạn này của tôi có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại nữa hay không? Xin cảm ơn

Chào bạn, chúng tôi đã nhận được thông tin vụ việc của bạn. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Bồi thường thiệt hại là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Vần đề dân sự này có thể được giải quyết cùng với quá trình giải quyết vụ án hình sự hoặc cũng có thể được tách ra thành một vụ án riêng. Bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm cũng ghi nhận việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại của Tòa án (theo Điều 260, Điều 357 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).

Từ căn cứ trên có thể thấy, đi tù và bồi thường thiệt hại là hai trách nhiệm riêng biệt của người phạm tội trong vụ án hình sự. Vì vậy, dù có đi tù thì họ vẫn phải chịu bồi thường thiệt hại.

Bị hại, nguyên đơn dân sự là những đối tượng bị thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo. Để được nhận bồi thường thì bị hại, nguyên đơn dân sự cần đề nghị cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án hình sự tiếp nhận, xử lý yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình.

Yêu cầu này có thể thông qua đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại (áp dụng đối với nguyên đơn dân sự) hoặc đề nghị trực tiếp (có thể áp dụng đối với bị hại) theo quy định tại Điều 62, Điều 63 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Và vì đây là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nên về cơ bản, nguyên tắc để yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ tuân thủ quy định tại Điều 585 của Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cụ thể gồm:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời: bị hại, nguyên đơn dân sự có quyền đề nghị được thỏa thuận cách thức, hình thức, mức bồi thường thiệt hại;

- Người bị đi tù có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường;

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình;

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về điều kiện miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu người bị đi tù thuộc một trong hai trường hợp:

- Sự kiện bất khả kháng (có thể được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép);

- Hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại;

Căn cứ các quy định trên, người chịu hình phạt đi tù vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra. Việc bồi thường thiệt hại dựa theo các căn cứ pháp luật và phải được ghi nhận trong bản án. Tuy vậy, họ vẫn có thể được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu thuộc trường hợp luật định.

di tu co phai boi thuong khong

Đi tù có được miễn trả tiền bồi thường không? (Ảnh minh họa)

Phải làm gì khi bị cáo không có tiền bồi thường?

Câu hỏi: Chào các anh chị, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Bạn của tôi đang là bị cáo trong một vụ án hình sự. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân yêu cầu bạn tôi phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng bạn tôi không còn tiền để bồi thường. Vậy khi không có tiền thì bạn tôi có phải bồi thường nữa không? Xin cảm ơn.

Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận toàn bộ nội dung câu hỏi của bạn. Căn cứ thông tin bạn cung cấp và quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Trước hết, bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử (Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015). Bị cáo có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây nên.

Trong nhiều trường hợp, bị cáo không còn tiền để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, tức không còn khả năng tự nguyện thi hành bản án của Tòa. Thời điểm này, cơ quan thi hành án sẽ thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án (quy định tại khoản 17 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014). Nội dung xác minh chủ yếu là xem xét bị cáo có tài sản nào khác hay không, có nguồn công việc nào để tạo ra thu nhập hay không.

Sau khi xác minh, nếu cơ quan thi hành án nhận thấy bị cáo còn tài sản khác và bị cáo không tự nguyện thực hiện bồi thường thì lúc này, căn cứ Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008, cơ quan thi hành án có thể áp dụng một trong số các biện pháp cưỡng chế sau đây đối với bị cáo:

- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án (tức bị cáo), kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ;

- Khai thác tài sản của người phải thi hành án (tức bị cáo);

Cũng có trường hợp, bị cáo không còn tài sản nào khác, cũng không thể khai thác được tài sản của bị cáo thì căn cứ khoản 17 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014, chấp hành viên sẽ thực hiện:

- Xác minh điều kiện thi hành án ít nhất 06 tháng một lần;

- Thông báo lại cho người được bồi thường nếu sau hai lần xác minh mà bị cáo vẫn chưa có điều kiện thi hành án;

- Việc xác minh tiếp tục được thực hiện sau khi có các thông tin mới của bị cáo.

Tuy nhiên, bị cáo được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu thuộc trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Sự kiện bất khả kháng (có thể được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép);

- Hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại;

Như vậy, quy định chung của pháp luật là bị cáo phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của mình. Bị cáo chỉ được miễn trách nhiệm bồi thường nếu do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

Khi bị cáo không còn tiền, người bị thiệt hại có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý các tài sản khác (như bất động sản, động sản...) của họ.

Trường hợp không có tài sản khác thì chấp hành viên sẽ thực hiện xác minh khi có các thông tin mới về tài sản của bị cáo. Sau đó tiếp tục xử lý tài sản để bồi thường cho người bị thiệt hại. Để được nhận tiền đền bù bồi thường sớm, người bị thiệt hại cũng cần phối hợp với chấp hành viên trong việc xác định tài sản phát sinh mới của bị cáo.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về đi tù có phải bồi thường không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ

>> Đi tù có phải trả nợ không?

>> Đi tù có bị cắt hộ khẩu không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X