Mặc dù không thường gặp nhưng thực tế cũng có trường hợp bị kết án và đi tù oan. Việc ngồi tù oan để lại nhiều hệ lụy, gây đau khổ mất mát cho gia đình, người thân và chính người bị oan. Vậy đi tù oan bồi thường thế nào?
Chào bạn, việc phải ngồi tù oan có thể nói không có gì đền bù được. Mặc dù vậy pháp luật vẫn quy định việc bồi thường oan sai để có thể bù đắp phần nào những thiệt hại về tinh thần, vật chất mà người chịu oan sau và cả gia đình họ phải trải qua. Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được thông tin như sau để bạn hiểu rõ hơn.
Đi tù oan bồi thường những khoản nào?
Theo quy định tại Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra sẽ được Nhà nước bồi thường thiệt hại nếu:
- Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường;
- Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; các thiệt hại xảy ra đó thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 22 Luật này quy định rằng, thiệt hại được Nhà nước bồi thường là thiệt hại thực tế đã phát sinh và các khoản lãi (nếu có) được tính từ ngày phát sinh thiệt hại thực tế cho đến khi chấm dứt thiệt hại đó, gồm:
- Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
- Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút
- Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết
- Thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm
- Thiệt hại về tinh thần
Ngoài ra, còn được bồi thường các chi phí khác như: chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại; chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù trong tố tụng hình sự.
Ngoài ra, người bị thiệt hại còn được khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp khác (khoản 8 Điều 15) và được trả lại tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu trái pháp luật (Điều 30) và được phục hồi danh dự (Điều 31).
Bồi thường thiệt hại cho người bị oan đã mất thế nào?
Trong câu hỏi của bạn có đề cập đến việc bồi thường thiệt hạ cho người bị oan khi họ đã mất. Về vấn đề này, Điều 25 Luật Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định các chi phí bồi thường như sau:
- Chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh cho người bị thiệt hại trước khi chết.
- Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại trước khi chết được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám, chữa bệnh cho 01 ngày khám bệnh, chữa bệnh theo số ngày trong hồ sơ bệnh án.
- Chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh trước khi chết được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01 ngày chăm sóc người bị thiệt hại.
- Chi phí cho việc mai táng người bị thiệt hại chết được xác định theo mức trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc đã được xác định theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo khoản 4 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường thì thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là 360 tháng lương cơ sở.
Trường hợp nào không được bồi thường thiệt hại?
Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường cũng quy định rõ các trường hợp không được Nhà nước bồi thường các thiệt hại, gồm:
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại;
- Thiệt hại xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép;
- Thiệt hại xảy ra trong hoàn cảnh người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn…
Trong hoạt động tố tụng hình sự, Nhà nước cũng sẽ không bồi thường các thiệt hại sau đây:
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp người bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự;
- Thiệt hại xảy ra do người bị thiệt hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm;
- Thiệt hại xảy ra do người có hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu rõ ang cấu thành tội phạm, bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố;
- Thiệt hại xảy ra do người bị khởi tố, truy tố, xét xử đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử.
Trên đây là thông tin liên quan đến việc đi tù oan bồi thường thế nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Đi tù về có mất quyền công dân không?