hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 17/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đi tù về có mất quyền công dân không? Khi nào bị tước quyền công dân?

Quyền công dân là quyền mà Nhà nước trao cho người dân. Vậy trường hợp nào sẽ bị tước quyền công dân? Thời hạn tước là bao lâu? Người đi tù về có mất quyền công dân không?

Đi tù về có mất quyền công dân không?

Câu hỏi: Mong Hieuluat tư vấn giúp tôi, con trai tôi mới đi tù về, cháu đi tù vì tội cố ý gây thương tích. Cho tôi hỏi cháu đi tù về có mất quyền công dân hay hạn chế quyền công dân không? Có được đi bầu cử, tham gia hội họp, ý kiến ở xã, phường hay không?

Chào bác, căn cứ Điều 14 Hiến pháp 2013 thì:

Quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Theo quy định của Bộ luật hình sự, người bị áp dụng hình phạt tù, tùy vào tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội mà có thể bị xem xét áp dụng các hình phạt bổ sung, trong đó bao gồm cả việc hạn chế một số quyền công dân như bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định…

Bên cạnh đó, khi đang chấp hành hình phạt tù, công dân Việt Nam sẽ bị tước một số quyền công dân. Cụ thể theo Điều 44 Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm:

- Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:

- Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;

- Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Như vậy, chỉ khi người phạm tội bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm mà Bộ luật Hình sự quy định mới bị tước một hoặc một số quyền công dân trong thời gian từ 01 - 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Trường hợp của con trai của bác đi tù vì tội cố ý gây thương tích không bị pháp luật hạn chế hay tước quyền công dân sau khi đã chấp hành xong án phạt tù, có thể tham gia bầu cử cũng như các hoạt động tại địa phương.

di tu ve co mat quyen cong dan khong

Đi tù bị tước quyền công dân nào?

Câu hỏi: Tôi được biết trong nhiều trường hợp, người phạm tội sẽ bị tước một số quyền công dân trong thời gian nhất định khi chấp hành xong án phạt tù. Cụ thể những quyền này như thế nào, xin thông tin giúp tôi!

Chào bạn, theo như thông tin ở trên có thể thấy, người bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác… sẽ bị tước một hoặc một số quyền công dân từ 01 - 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Quy định cụ thể về tước các quyền này được nêu tại Luật thi hành án Hình sự 2019. Cụ thể:

1. Tước quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước

Theo Điều 126 thì trong thời gian bị tước quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước, người chấp hành án không được tham gia ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước.

2. Tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước

Quy định tại Điều 127, trong thời gian bị tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước, người chấp hành án không được dự tuyển hoặc tiếp tục làm việc trong cơ quan nhà nước.

Nếu người chấp hành án đang là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước mà bị tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước thì cơ quan nơi người đó làm việc phải ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định buộc thôi việc hoặc đình chỉ công tác trong thời hạn bị tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước đối với người đó.

3. Tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân

Căn cứ Điều 128, trong thời gian bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân, người chấp hành án không được đăng ký nghĩa vụ quân sự, dự tuyển hoặc tiếp tục làm công chức, viên chức, công nhân quốc phòng trong Quân đội nhân dân, dự tuyển hoặc tiếp tục phục vụ trong Công an nhân dân.

Nếu người chấp hành án đang là quân nhân, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng trong Quân đội nhân dân hoặc đang phục vụ trong cơ quan, đơn vị Công an nhân dân mà bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân thì cơ quan, đơn vị nơi người đó làm việc phải ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định buộc người đó ra khỏi lực lượng vũ trang nhân dân.

Trên đây là giải đáp về vấn đề đi tù về có mất quyền công dân? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Người đi tù bị hạn chế quyền gì? Có đăng ký kết hôn được không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X