hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 10/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Địa chính xã hưởng lương thế nào? Tiêu chuẩn và nhiệm vụ ra sao?

Địa chính xã thường được biết đến là một vị trí công việc tại UBND cấp xã. Vậy địa chính xã là gì? Tiêu chuẩn và nhiệm vụ của địa chính xã hiện nay được quy định như thế nào? 

 
Mục lục bài viết
  • Địa chính xã là gì?
  • Địa chính xã là công chức hay viên chức?
  • Tiêu chuẩn để trở thành công chức địa chính xã
  • Nhiệm vụ của công chức địa chính xã được quy định thế nào?
  • Mức lương của công chức địa chính xã hiện nay 

Địa chính xã là gì?

Địa chính xã là gì?

Địa chính xã là gì?

Địa chính là một bộ phận thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhiệm vụ trong lĩnh vực đất đai. Tại Điều 25 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

Xã, phường, thị trấn có công chức làm công tác địa chính theo quy định của Luật cán bộ, công chức. Công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý đất đai tại địa phương.

Theo quy định trên có thể hiểu “địa chính xã” là người làm việc tại UBND cấp xã và làm công tác địa chính (công tác về quản lý đất đai) tại địa bàn của xã, phường, thị trấn đó.

Địa chính xã là công chức hay viên chức?

Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì địa chính xã là một trong những chức danh công chức thuộc cấp xã. Cụ thể, tại các địa phương được công nhận là phường hoặc thị trấn thì công chức địa chính thuộc nhóm chức danh công chức địa chính- xây dựng- đô thị và môi trường.

Còn đối với các địa phương là xã thì công chức địa chính được xếp vào nhóm chức danh địa chính- nông nghiệp- xây dựng và môi trường.

Theo đó, công chức địa chính xã là người trong biên chế, làm chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực đất đai tại UBND cấp xã và được hưởng lương trực tiếp từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Tiêu chuẩn để trở thành công chức địa chính xã

Tiêu chuẩn trở thành công chức địa chính xãCông chức địa chính xã là một chức danh trong hệ thống cơ quan Nhà nước Việt Nam. Theo đó, để trở thành công chức địa chính xã thì công dân phải đảm bảo các tiêu chuẩn được Chính phủ cũng như Bộ Nội vụ quy định. Cụ thể tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn để trở thành công chính địa chính xã bao gồm:

Thứ nhất, tiêu chuẩn chung để trở thành công chức cấp xã (theo Điều 7 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP): “thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về cán bộ, công chức, điều lệ tổ chức và quy định của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.”

Thứ hai, tiêu chuẩn cụ thể đối với chức danh công chức địa chính xã (theo khoản 2 Điều 10 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP):

  • Từ đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày dự tuyển công chức;

  • Đã tốt nghiệp THPT;

  • Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành phù hợp với vị trí công chức địa chính xã đang tuyển dụng.

Như vậy, nếu có nguyện vọng trở thành công chức địa chính xã thì người dự tuyển cần phải đáp ứng được đầy đủ tất cả các tiêu chuẩn chung của công chức và tiêu chuẩn riêng đối với công chức địa chính xã nêu trên.

Nhiệm vụ của công chức địa chính xã được quy định thế nào?

Người được tuyển dụng vào làm việc ở chức danh công chức địa chính xã cần thực hiện tốt các nhiệm vụ được quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP. Các nhiệm vụ đó bao gồm:

“ a) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong các lĩnh vực về quản lý đất đai, địa giới đơn vị hành chính, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn cấp xã theo quy định của pháp luật;

b) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng, triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc của cấp trên đã phê duyệt triển khai trên địa bàn cấp xã;

c) Thu thập thông tin, tổng hợp số liệu, bảo quản hồ sơ và xây dựng các báo cáo liên quan đến thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã về đất đai, địa giới đơn vị hành chính, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn cấp xã;

d) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; lập sổ địa chính đối với chủ sử dụng đất hợp pháp; hướng dẫn thủ tục thẩm tra để xác nhận tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng ký đất đai, thực hiện các quyền công dân liên quan tới đất đai trên địa bàn cấp xã; phối hợp với công chức khác thực hiện các thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận hồ sơ và thẩm tra để xác minh nguồn gốc, hiện trạng đăng ký và sử dụng đất đai, tình trạng tranh chấp đất đai và biến động về đất đai trên địa bàn;

đ) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng các hồ sơ về việc cấp phép cải tạo, xây dựng các công trình, nhà ở trên địa bàn để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định hoặc trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định; công tác xây dựng, giám sát về kỹ thuật trong việc xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương;

e) Phụ trách các công việc thuộc lĩnh vực đất đai, địa giới đơn vị hành chính, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp, nông thôn tại trung tâm giao dịch hành chính một cửa, một cửa liên thông theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

g) Thực hiện những nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và quy định của pháp luật có liên quan.”

Theo đó, công chức địa chính xã sẽ thực hiện các nhiệm vụ xoay quanh việc quản lý và tham mưu cho UBND cấp xã về các vấn đề liên quan đến đất đai tại địa phương cấp xã. Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ được quy định cụ thể trên thì công chức địa chính xã còn thực hiện thêm các nhiệm vụ khác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ mà Chủ tịch UBND cấp xã giao phó.

Mức lương của công chức địa chính xã hiện nay 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì công chức địa chính xã được hưởng lương trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. Theo đó, lương của công chức địa chính xã hiện nay được áp dụng theo công thức tính lương chung đối với cán bộ, công chức trên nguyên tắc xác định theo hệ số lương và mức lương cơ sở. Cụ thể:

Lương công chức địa chính xã = Hệ số lương x Mức lương cơ sở

Trong đó:

  • Hệ số lương: Hệ số lương được thực hiện theo quy định tại Bảng 2 được ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ ban hành.

  • Mức lương cơ sở: Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 24/2023/NĐ-CP, kể từ ngày 01/7/2023 thì mức lương cơ sở được áp dụng để tính lương công chức là 1,8 triệu đồng/ tháng.

Theo đó, lương của công chức địa chính xã được xác định trong các trường hợp cụ thể như sau:

Mức lương công chức địa chính xã tốt nghiệp đại học

Bậc lương

Hệ số lương

Mức lương(VNĐ)

Bậc 1

2.34

4.212.000

Bậc 2

2.67

4.806.000

Bậc 3

3.0

5.400.000

Bậc 4

3.33

5.994.000

Bậc 5

3.66

6.588.000

Bậc 6

3.99

7.182.000

Bậc 7

4.32

7.776.000

Bậc 8

4.65

8.370.000

Bậc 9

4.98

8.964.000

Mức lương công chức địa chính xã tốt nghiệp cao đẳng

Bậc lương

Hệ số lương

Mức lương(VNĐ)

Bậc 1

2.1

3.780.000

Bậc 2

2.41

4.338.000

Bậc 3

2.72

4.896.000

Bậc 4

3.03

5.454.000

Bậc 5

3.34

6.012.000

Bậc 6

3.65

6.570.000

Bậc 7

3.96

7.128.000

Bậc 8

4.27

7.686.000

Bậc 9

4.58

8.244.000

Bậc 10

4.89

8.802.000

Mức lương công chức địa chính xã tốt nghiệp trung cấp

Bậc lương

Hệ số lương

Mức lương(VNĐ)

Bậc 1

1.86

3.348.000

Bậc 2

2.06

3.708.000

Bậc 3

2.26

4.068.000

Bậc 4

2.46

4.428.000

Bậc 5

2.66

4.788.000

Bậc 6

2.86

5.184.000

Bậc 7

3.06

5.508.000

Bậc 8

3.26

5.868.000

Bậc 9

3.46

6.228.000

Bậc 10

3.66

6.588.000

Trên đây những quy định về công chức địa chính xã hiện nay mà chúng tôi cập nhật đến quý ban đọc. Nếu có thắc mắc về quy định trên, vui lòng liên hệ ngay tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời và nhanh chóng.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X