hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 29/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Dịch vụ thám tử tư có hợp pháp không? Xử lý thế nào?

Dịch vụ thám tử tư là gì? Dịch vụ thám tử tư có hợp pháp không? Thuê thám tử tư theo dõi người khác có bị phạt không? Cùng tìm hiểu nội dung này trong bài viết sau.

Mục lục bài viết
  • Dịch vụ thám tử tư có hợp pháp không?
  • Kinh doanh dịch vụ thám tử tư là ngành nghề kinh doanh có điều kiện?
  • Thuê thám tử tư theo dõi người khác có bị phạt không?
Câu hỏi: Chào luật sư, tôi đã lấy chồng cách đây 05 năm, gần đây tôi phát hiện chồng mình thường xuyên đi công tác nhưng không về nhà. Tôi nghi ngờ chồng tôi ngoại tình nên muốn thuê thám tử tư theo dõi, lấy chứng cứ để ly hôn. Cho tôi hỏi Dịch vụ thám tử tư có hợp pháp không? Thuê thám tử tư theo dõi người khác có bị phạt không? Xin cảm ơn luật sư.

Dịch vụ thám tử tư có hợp pháp không?

Hiện nay, dịch vụ thám tử tư được coi là hợp pháp. Cụ thể, theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, dịch vụ thám tử tư được ghi nhận như một ngành nghề kinh doanh, và thuộc nhóm “Dịch vụ điều tra và thám tử”, gồm hoạt động của tất cả các thám tử tư nhân với mục đích điều tra và loại khách hàng phù hợp với quy định.

Dịch vụ thám tử tư có hợp pháp không?

Dịch vụ thám tử tư có hợp pháp không?

Ngoài ra, dịch vụ thám tử tư cũng không thuộc danh mục ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định của Điều 6 Luật Đầu tư 2020. Về nguyên tắc, cá nhân, tổ chức được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề pháp luật không cấm.

Do đó, dịch vụ thám tử tư không thuộc trường hợp cấm kinh doanh nên vẫn được coi là hợp pháp. 

Tuy nhiên, căn cứ Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, quyền riêng tư của cá nhân, bí mật gia đình, đời sống cá nhân là bất khả xâm phạm và được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật. 

Theo đó, việc thu thập, cung cấp và sử dụng thông tin cá nhân, riêng tư của một người phải được người đó đồng ý nếu không, thì sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.

Như vậy, vì dịch vụ thám tử tư là một ngành nghề trong hệ thống ngành nghề kinh tế và không thuộc trường hợp bị cấm đầu tư, kinh doanh theo pháp luật của nước ta, cho nên dịch vụ thám tử tư được coi là hợp pháp. 

Đồng thời, người kinh doanh dịch vụ thám tử tư cần tránh xâm phạm đến các quyền riêng tư của người khác, tránh vi phạm pháp luật.

Kinh doanh dịch vụ thám tử tư là ngành nghề kinh doanh có điều kiện?

Theo Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020, dịch vụ thám tử tư không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì ngành nghề này không được quy định trong Danh mục các ngành nghề có điều kiện khi đầu tư, kinh doanh.

Tuy pháp luật không ràng buộc điều kiện, nhưng người kinh doanh dịch vụ thám tử tư cần lưu ý, tránh các hành vi phạm pháp luật, chẳng hạn như xâm phạm đến lợi ích của quốc gia, nhà nước, quyền riêng tư, đời sống riêng tư, bí mật gia đình của cá nhân, tổ chức khác.

Việc thu thập, và sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

Thuê thám tử tư theo dõi người khác có bị phạt không?

Việc thuê thám tử tư theo dõi làm ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, xâm phạm quyền riêng tư của người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi thu thập, sử dụng thông tin cá nhân trái phép.

Thuê thám tử tư theo dõi người khác có bị phạt không?

Thuê thám tử tư theo dõi người khác có bị phạt không?

Cụ thể, theo Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, quy định như sau:

Mức phạt

Hành vi

10 triệu - 20 triệu đồng

- Thu thập thông tin cá nhân của người khác mà không được đồng ý của người đó;

- Cung cấp thông tin cá nhân của một người cho bên thứ ba khi người đó đã yêu cầu ngừng cung cấp.

40 triệu - 60 triệu đồng

- Sử dụng thông tin cá nhân thu thập được không đúng mục đích đã thoả thuận/ chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;

- Cung cấp/ phát tán/chia sẻ thông tin cá nhân đã thu thập, kiểm soát cho người khác mà không được người đó đồng ý.

- Thu thập/sử dụng/kinh doanh thông tin cá nhân của người khác trái pháp luật.

Lưu ý: Theo Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, trên đây là mức phạt đối với tổ chức vi phạm, mức phạt này được chia đôi đối với cá nhân có hành vi vi phạm.

Ngoài ra, đối với hành vi tiết lộ/phát tán tư liệu, bí mật của cá nhân nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một người còn có thể bị phạt từ 10 triệu - 20 triệu đồng (theo điểm a Khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Trong một số trường hợp, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể bao gồm:

- Tội xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại/hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác: Theo Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015, hình phạt cao nhất là 03 năm tù giam.

- Theo dõi, xâm phạm nơi của người khác: theo Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015, hình phạt cao nhất là 05 năm tù.

Trên đây là thông tin gửi đến bạn đọc về dịch vụ thám tử tư có hợp pháp không? Xử lý thế nào? Nếu cần thêm các giải đáp về vấn đề pháp lý liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài theo hotline  19006192 để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng nhất.
Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X