hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 17/02/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Điều kiện kinh doanh thuốc trên trang thương mại điện tử

Hiện nay, việc mua bán, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng trở nên phổ biến. Theo đó, nhiều nhà thuốc muốn mở rộng kinh doanh theo hình thức này. Tuy nhiên, cần nắm rõ điều kiện kinh doanh thuốc trên trang thương mại điện tử.

Mục lục bài viết
  • 1. Sàn giao dịch thương mại điện tử là gì?
  • 2. Có được kinh doanh thuốc trên các sàn thương mại điện tử không?
  • 3. Điều kiện kinh doanh thuốc trên trang thương mại điện tử


1. Sàn giao dịch thương mại điện tử là gì?

Theo Điều 9 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, sàn giao dịch TMĐT là website TMĐT cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Trong đó, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT là thương nhân, tổ chức thiết lập website TMĐT để các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Các hình thức giao dịch trên sàn TMĐT gồm:

- Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

- Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

- Website có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;

- Các loại website khác.

Tại Việt Nam, một số website về sàn giao dịch thương mại điện tử lớn là: Tiki, Shopee, Lazada, Sendo...

có được mua bán thuốc trên Shopee, Tiki... không?

Có được mua bán thuốc trên Shopee, Tiki... không? (Ảnh minh hoạ)

2. Có được kinh doanh thuốc trên các sàn thương mại điện tử không?

Trước khi giải đáp về điều kiện kinh doanh thuốc trên trang thương mại điện tử trước hết cần phải biết liệu có được kinh doanh thuốc trên các sàn thương mại điện tử không?.

Hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhà thuốc kinh doanh thuốc dưới hình thức online trên các sàn giao dịch TMĐT.

Tại điểm đ khoản 2 Điều 32 Luật Dược 2016 quy định cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm: Nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 33 Luật Dược 2016, một trong các điều kiện kinh doanh dược là phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, tức cơ sở kinh doanh dược đó phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự theo quy định.

Nhiều quan điểm cho rằng, căn cứ theo các quy định nêu trên thì kinh doanh thuốc không thể thực hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử bởi nếu kinh doanh dưới hình thức online sẽ không kiểm soát được cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự của các cơ sở kinh doanh.

Tuy nhiên, theo quan điểm tác giả bài viết, kinh doanh thuốc trên các sàn thương mại điện tử chỉ là một hình thức kinh doanh, các cơ sở kinh doanh có thể bán trực tiếp tại các quầy thuốc, nhà thuốc hoặc bán đồng thời cả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Ngoài ra, Luật Dược hiện hành và các văn bản pháp luật khác có liên quan không có quy định cấm kinh doanh thuốc trên các sàn thương mại điện tử. Do vậy, các cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và đáp ứng điều kiện kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử vẫn có thể kinh doanh theo hình thức này.

đáp ứng điều kiện nào để bán thuốc trên trang thương mại điện tử

Phải đáp ứng điều kiện nào để bán thuốc trên trang thương mại điện tử (Ảnh minh hoạ)

3. Điều kiện kinh doanh thuốc trên trang thương mại điện tử

Để kinh doanh thuốc trên các sàn thương mại điện tử, ngoài các điều kiện kinh doanh dược, các cơ sở còn cần đáp ứng điều kiện kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử:

- Đối tượng kinh doanh thương mại điện tử:

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:

  • Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam;
  • Cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam;
  • Thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.

Trường hợp không cư trú ở Việt Nam, muốn tạo website TMĐT tại Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài trước hết cần đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật nước sở tại. Nếu không có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam thì phải sử dụng tên miền Việt Nam.

- Đáp ứng các điều kiện để thiết lập trang thương mại điện tử:

  • Là thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân;
  • Có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet.
  • Đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định.

(Căn cứ Điều 52 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 10 Nghị định 08/2018/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, theo Điều 53 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP), thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng thông báo với Bộ Công Thương thông qua công cụ thông báo trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn.

Theo đó, việc thông báo thiết lập website thương mại điện tử bán hàng được thực hiện như sau:

Bước 1: Đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống

Ở bước này cần điền đầy đủ, chính xác các thông tin:

- Tên thương nhân, tổ chức;

- Số đăng ký kinh doanh của thương nhân hoặc số quyết định thành lập của tổ chức;

- Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động;

- Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức;

- Các thông tin liên hệ.

Bước 2: Nhận kết quả từ Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về tài khoản đăng nhập hệ thống trong thời hạn 3 ngày làm việc

Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, doanh nghiệp tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Thông báo website thương mại điện tử bán hàng và tiến hành khai báo thông tin theo mẫu.

Bước 4: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, doanh nghiệp nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về xác nhận thông tin khai báo đầy đủ, hợp lệ hay chưa.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ doanh nghiệp phải tiến hành bổ sung hồ sơ trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo.

Doanh nghiệp sẽ nhận được một đoạn mã để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng, thể hiện thành biểu tượng đã thông báo trong phản hồi xác nhận thông tin khai hợp lệ của Bộ Công Thương.

Trên đây là thông tin liên quan đến điều kiện kinh doanh thuốc trên trang thương mại điện tử. Nếu bạn đọc có nhu cầu, độc giả vui lòng liên hệ  19006199 để được giải đáp, hướng dẫn chi tiết.

Có thể bạn quan tâm

X