hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 25/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Điều kiện và cách thức nâng bằng B2 lên C và D hiện nay

Nhiều người được đã được cấp GPLX ô tô hạng B2 nhưng có nhu cầu nâng lên bằng C và D để phục vụ cho công việc của bản thân. Vậy điều kiện và cách thức nâng bằng B2 lên C và D hiện nay được quy định như thế nào?

 
Mục lục bài viết
  • Bằng lái xe hạng B2 có thể nâng lên những hạng nào?
  • Điều kiện và quy trình nâng bằng B2 
  • Điều kiện và quy trình nâng bằng B2 lên lên bằng C
  • Điều kiện và quy trình nâng bằng B2 lên lên bằng D
  • Giải đáp một số thắc mắc khác về nâng bằng B2 lên bằng C, D

Bằng lái xe hạng B2 có thể nâng lên những hạng nào?

Bằng B2 nâng lên được những hạng nào?

Bằng B2 nâng lên được những hạng nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT thì người đã được cấp GPLX hạng B2 có thể nâng hạng bằng trực tiếp lên các hạng bằng C, bằng FC và bằng D. Tuy nhiên, để được nâng hạng bằng thì người có nhu cầu nâng hạng sẽ phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định như: điều kiện về thời gian hành nghề lái xe, số kilomet lái xe an toàn…

Điều kiện và quy trình nâng bằng B2 

Như đã trình bày trên thì để có thể nâng hạng bằng lái xe từ hạng B2 lên những hạng cao hơn thì người đã được cấp bằng B2 phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định. Các điều kiện được quy định cụ thể tại Điều 7 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, cụ thể như sau:

Điều kiện và quy trình nâng bằng B2 lên lên bằng C

Điều kiện và quy trình nâng hạng bằng lái từ B2 lên C

Để được nâng hạng GPLX từ hạng B2 lên hạng C thì người học và thi nâng hạng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

  • Người học nâng hạng bằng phải là công dân Việt Nam hoặc là công dân nước ngoài nhưng thuộc diện được phép cư trú hoặc học tập và làm việc tại Việt Nam;

  • Độ tuổi: từ đủ 21 tuổi trở lên (trong trường hợp này người học có thể đăng ký học nâng hạng bằng trước nhưng phải đến khi đủ tuổi theo quy định thì mới được dự thi sát hạch lái xe);

  • Đảm bảo về sức khoẻ và trình độ văn hoá;

  • Về thời gian hành nghề: 03 năm trở lên;

  • Số km lái xe an toàn: 50.000km trở lên.

Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên thì người đã được cấp GPLX hạng B2 có thể học và thi sát hạch lái xe để nâng hạng bằng. Quy trình nâng hạng GPLX B2 lên C được thực hiện theo trình tự các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ dự sát hạch nâng hạng GPLX lên hạng C:

Hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp GPLX theo mẫu tại Phụ lục 7 được ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT;

  • Bản sao CCCD/CMND hoặc hộ chiếu (đối với công dân nước ngoài) còn giá trị sử dụng;

  • Giấy khám sức khoẻ do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp;

  • Bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn theo mẫu của Bộ Giao thông vận tải;

  • Bản sao GPLX hạng B2 đã được cấp và cần xuất trình bản gốc khi dự thi sát hạch lái xe.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thì người đăng ký sẽ nộp hồ sơ tại cơ sở đào tạo được cấp phép đào tạo và hoạt động hợp pháp. Cơ sở đào tạo sẽ căn cứ vào hồ sơ đăng ký nâng hạng GPLX để lập 01 bộ hồ sơ gửi trực tiếp đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.

Bước 2: Học lý thuyết và thực hành lái xe:

Theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT thì người học nâng hạng GPLX từ hạng B2 lên D phải học với thời gian là 192 giờ học, trong đó học lý thuyết là 48 giờ và học thực hành là 144 giờ theo quy định của

Bước 3: Ôn thi

Bước 4: Thi sát hạch (bao gồm thi lý thuyết, thi mô phỏng, thực hành gồm sa hình và đường trường)

Nếu thi sát hạch đạt kết quả theo quy định thì GPLX hạng C sẽ được trả về cho người tham gia sát hạch lái xe trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ thi sát hạch.

Điều kiện và quy trình nâng bằng B2 lên lên bằng D

Điều kiện và quy trình nâng hạng bằng lái từ B2 lên D

Cũng như việc nâng hạng GPLX từ hạng B2 lên hạng C thì người nâng hạng GPLX lên hạng D cũng phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định. Hầu hết, các điều kiện để được học và thi sát hạch nâng hạng GPLX từ B2 lên hạng D cũng giống các điều kiện nâng lên hạng C nhưng khác ở một số điều kiện sau:

  • Độ tuổi: từ đủ 24 tuổi trở lên (trong trường hợp này người học có thể đăng ký học nâng hạng bằng trước nhưng phải đến khi đủ tuổi theo quy định thì mới được dự thi sát hạch lái xe);

  • Thời gian hành nghề: từ 05 năm trở lên;

  • Số kilomet lái xe an toàn: 100.000km trở lên.

Khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện trên thì người đã được cấp bằng B2 có thể đăng ký học và dự thi sát hạch nâng hạng GPLX lên hạng D. Về cơ bản, quy trình nâng hạng bằng B2 lên bằng D cũng được thực hiện như quy trình nâng hạng bằng B2 lên bằng C. Tuy nhiên, đối với người thi nâng hạng GPLX lên hạng D thì ngoài các giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ nêu trên đối với nâng hạng lên bằng C thì cần chuẩn bị thêm “Bản sao bằng tốt nghiệp THCS hoặc bằng cấp tương ứng” và phải xuất trình bản gốc khi dự thi sát hạch để làm căn cứ đối chiếu.

Ngoài ra, học nâng hạng GPLX từ B2 lên hạng D thì người học phải học đủ 336 giờ học, trong đó có 56 giờ học lý thuyết và 280 giờ học thực hành.

Giải đáp một số thắc mắc khác về nâng bằng B2 lên bằng C, D

Nâng bằng B2 lên C phải thi lý thuyết trong kỳ thi sát hạch lái xe. Bởi vì theo quy định tại Điều 14 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT thì khi học nâng hạng GPLX từ hạng B2 lên hạng C, học viên phải đảm bảo học đủ 48 giờ lý thuyết thì mới có thể được tham dự kỳ thi sát hạch. Bên cạnh đó, tại Điều 21 Thông tư này cũng quy định phần thi lý thuyết gồm 40 câu hỏi và thời gian làm bài là 24 phút. Nếu thí sinh trả lời đúng từ 36/40 câu lý thuyết thì sẽ đạt phần thi lý thuyết.

Theo quy định tại Thông tư số 188/2016/TT-BTC thì người đăng ký dự thi nâng hạng GPLX phải nộp phí sát hạch lái xe và lệ phí cấp bằng theo bảng sau:

Chi phí thi bằng C

Mức phí

Lệ phí sát hạch lý thuyết

90.000 đồng/lần

Lệ phí sát hạch thực hành trong hình

300.000 đồng/lần

Lệ phí sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng

60.000 đồng/lần

Lệ phí cấp bằng C

135.000 đồng/lần

Tổng

585.000 đồng

Ngoài những chi phí trên thì người thi nâng hạng bằng còn thực hiện nộp một số lệ phí theo kế hoạch thu của cơ sở đào tạo như: tiền thuê xe tập lái, chi phí đi lại,...Tuy nhiên, những chi phí này được công khai với học viên ngay từ đầu và được nêu rõ trong Hợp đồng đào tạo giữa học viên với cơ sở đào tạo.

Trên đây là những quy định về điều kiện và cách thức nâng bằng B2 lên C và D mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định trên,  vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X