hieuluat
Chia sẻ email

Điều kiện để xin tách thửa đất là gì? Thủ tục tách thửa đất thực hiện ra sao?

Nhu cầu xin tách thửa hiện nay khá phổ biến khi người dân có nhu cầu chuyển nhượng hoặc tặng cho một phần thửa đất. Vậy thủ tục xin tách thửa thế nào?

Mục lục bài viết
  • Xin tách thửa đất cần đáp ứng điều kiện gì?
  • Hồ sơ xin tách thửa đất gồm những gì?
  • Thủ tục tách thửa đất thực hiện ra sao?
Câu hỏi: Cho tôi hỏi điều kiện xin tách thửa đất nói chung hiện nay thế nào? Thủ tục thực hiện ra sao? Tôi muốn xin tách thửa đất thì cần chuẩn bị hồ sơ gồm những gì? Mong HieuLuat tư vấn giúp! Xin cảm ơn!

Xin tách thửa đất cần đáp ứng điều kiện gì?

Chào bạn, thông thường việc tách thửa là nhằm mục đích chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất... nên đất tách thửa cần đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, cụ thể:

- Đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước chiều cạnh tối thiểu

- Có Giấy chứng nhận

- Đất không có tranh chấp

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án

- Trong thời hạn sử dụng đất

- Không thuộc các trường hợp không cho phép tách thửa như: thửa đất thuộc các dự án quy hoạch, thửa đất thuộc khu vực thông báo thu hồi; đất không có Sổ đỏ, sổ hồng; đất đang có tranh chấp…

Bên cạnh đó, cần lưu ý nếu tách thửa mà tạo thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu nhưng xin hợp thửa với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu thì được phép tách thửa.

Ngoài ra, cần lưu ý một số trường hợp không áp dụng về diện tích đất tối thiểu được tách thửa như:

- Tách thửa đất để chuyển nhượng, tặng cho hộ gia đình, cá nhân để xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết (Tỉnh Tây Ninh, theo Quyết định 28/2020/QĐ-UBND)

- Hiến tặng cho Nhà nước một phần diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa (Tỉnh Thái Bình, theo Quyết định 07/2014/QĐ-UBND, được sửa đổi bởi Quyết định 08/2018/QĐ-UBND)...

xin tach thua dat

Hồ sơ xin tách thửa đất gồm những gì?

Căn cứ khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 11 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT gia đình bạn cần nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa như sau:

- Đơn đề nghị tách thửa theo Mẫu 11/ĐK.

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

Thời gian tiếp nhận và trả kết quả: Trong giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định).

Thủ tục tách thửa đất thực hiện ra sao?

Các bước xin tách thửa đất được thực hiện như sau:

Bước 1 - Nộp hồ sơ

Nếu địa phương bạn đã có bộ phận một cửa thì nộp ở Bộ phận 1 cửa, nếu chưa thì bạn có thể nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã/văn phòng đăng ký đất đai/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất

Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì trong tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo, hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Bước 2 - Tiếp nhận hồ sơ

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng TN&MT có trách nhiệm:

- Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất

- Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa

- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

- Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất và chuyển Bản trích đo thửa đất mới tách cho người sử dụng đất để thực hiện ký kết hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng một phần thửa đất mới tách (Điều 2, Nghị định 01/2017)

- Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:

- Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;

- Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp và trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

 Thời hạn giải quyết

Thời gian thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định tại khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP

- Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ

- Không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn

Thời gian trên không tính:

- Các ngày nghỉ, ngày lễ

- Thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã

- Thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất

- Thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Lưu ý: Quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.

Mẫu đơn xin tách thửa đất

Bạn có thể tham khảo mẫu đơn sau để xin tách thửa đất 

Mẫu số 11/ĐK

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ TÁCH THỬA ĐẤT, HỢP THỬA ĐẤT

Kính gửi:

………………………………………………

PHẦN GHI CỦA NGƯỜI NHẬN HỒ SƠ

Đã kiểm tra nội dung đơn đầy đủ, rõ ràng, thống nhất với giấy tờ xuất trình.

Vào sổ tiếp nhận hồ sơ số: ….. Quyển …..

Ngày …../…../……..
Người nhận hồ sơ
(Ký và ghi rõ họ, tên)

I- KÊ KHAI CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT

(Xem kỹ hướng dẫn ở cuối đơn này trước khi viết đơn; không tẩy xóa, sửa chữa nội dung đã viết)

1. Người sử dụng đất:

1.1. Tên người sử dụng đất (Viết chữ in hoa): …………………………………..

1.2. Địa chỉ ………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………

2. Đề nghị tách, hợp thửa đất như sau:

2.1. Đề nghị tách thành …………. thửa đất đối với thửa đất dưới đây:

a) Thửa đất số: ………………………..; b) Tờ bản đồ số: …………………….;

c) Địa chỉ thửa đất: ………………………………………………………………

d) Số phát hành Giấy chứng nhận: ……………………………………………..

Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận: ……………………..; ngày cấp …/…/…….

đ) Diện tích sau khi tách thửa: Thửa thứ nhất: … m2; Thửa thứ hai: … m2;

2.2. Đề nghị hợp các thửa đất dưới đây thành một thửa đất:

Thửa đất số

Tờ bản đồ số

Địa chỉ thửa đất

Số phát hành Giấy chứng nhận

Số vào sổ cấp giấy chứng nhận

3. Lý do tách, hợp thửa đất: …………………………………………………...

4. Giấy tờ nộp kèm theo đơn này gồm có:

- Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất của thửa đất trên;

- Sơ đồ dự kiến phân chia các thửa đất trong trường hợp tách thửa (nếu có):

……………………………………………………………………………………

Tôi cam đoan nội dung kê khai trên đơn là đúng.

…………., ngày .... tháng ... năm ……
Người viết đơn

(Ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu nếu có)

II- Ý KIẾN CỦA CƠ QUAN ĐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI

……………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………

Ngày …… tháng …… năm ……
Người kiểm tra
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Ngày …… tháng …… năm ……
Giám đốc
(Ký tên, đóng dấu)

Hướng dẫn viết đơn: 

- Đơn được dùng trong trường hợp người sử dụng đất đề nghị tách một thửa đất thành nhiều thửa đất mới hoặc đề nghị hợp nhiều thửa đất thành một thửa đất;

- Đề gửi đơn: Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì đề gửi Ủy ban nhân dân cấp  huyện nơi có đất; tổ chức, cơ sở tôn giáo, tổ chức và cá nhân nước ngoài, người Việt  Nam định cư ở nước ngoài thì đề gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất;

- Điểm 1 ghi tên và địa chỉ của người sử dụng đất như trên giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất gồm các thông tin:

+ Đối với cá nhân ghi rõ họ, tên, năm sinh, số giấy Chứng minh nhân dân (CMND), ngày và nơi cấp giấy CMND

+ Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cá nhân nước ngoài ghi họ, tên, năm sinh, số hộ chiếu, ngày và nơi cấp hộ chiếu, quốc tịch;

+ Đối với hộ gia đình ghi chữ “Hộ ông/bà” và ghi họ, tên, năm sinh, số giấy CMND, ngày và nơi cấp giấy CMND của cả vợ và chồng người đại diện cùng sử dụng đất

Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của cả vợ và chồng thì ghi họ, tên, năm sinh, số giấy CMND, ngày và nơi cấp giấy CMND của vợ và của chồng; đối với tổ chức thì ghi tên tổ chức, ngày tháng năm thành lập, số và ngày, cơ quan ký quyết định thành lập hoặc số giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

- Điểm 2 ghi các thông tin về thửa đất như trên giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất; - Người viết đơn ký và ghi rõ họ tên ở cuối “Phần khai của người sử dụng đất trường hợp ủy quyền viết đơn thì người được ủy quyền ký, ghi rõ họ tên và ghi (được ủy quyền); đối với tổ chức sử dụng đất phải ghi họ tên, chức vụ người viết đơn và đóng  dấu của tổ chức.

Vừa rồi là những thông tin liên quan đến việc xin tách thửa đất. Nếu còn băn khoăn hay vướng mắc gì, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Tách thửa đất hết bao nhiêu ngày?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X