Xuất khẩu lao động không còn xa lạ với nhiều người, thế nhưng, điều kiện để đi xuất khẩu lao động là gì, cần chuẩn bị những gì... thì không phải ai cũng nắm được. Cùng tìm hiểu những thông tin này qua bài viết sau.
Xuất khẩu lao động là gì?
Hiện nay, cụm từ xuất khẩu lao động vẫn chưa được định nghĩa cụ thể trong văn bản pháp luật. Tuy nhiên, có thể hiểu một cách đơn giản xuất khẩu lao động là việc người lao động đi làm việc ở một quốc gia nào đó, khác với quê hương của mình thông qua các hình thức lao động mà pháp luật cho phép.
Xuất khẩu lao động không còn xa lạ với nhiều người
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 có giải thích về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên cư trú tại Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này.
....
Theo đó, xuất khẩu lao động có thể được hiểu là việc công dân Việt Nam từ đủ 18 trở lên cư trú tại Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đi xuất khẩu lao động bằng hình thức nào?
Hiện nay, tại Điều 5 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 quy định có 03 hình thức đi xuất khẩu lao động sau đây:
Thứ nhất, thông qua hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hợp đồng này được ký với các đơn vị sự nghiệp nhằm thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Thứ hai, thông qua hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:
- Doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng;
- Doanh nghiệp Việt Nam được trúng thầu hay nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;
- Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam để nhằm mục đích đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;
- Các tổ chức, cá nhân Việt Nam có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Thứ ba, thông qua hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Điều kiện xuất khẩu lao động mới nhất hiện nay
Ngày nay, nhu cầu đi xuất khẩu lao động của người dân ngày càng tăng cao. Thế nhưng, không phải ai cũng nắm rõ các quy định của pháp luật về điều kiện đi xuất khẩu lao động.
Hiện nay, điều kiện đi xuất khẩu lao động được quy định rất rõ tại Điều 44 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020.
“Điều 44. Điều kiện của người lao động do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đưa đi làm việc ở nước ngoài
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
2. Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài.
3. Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
4. Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
5. Có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng.
6. Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.”
Thứ nhất, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ: Đây là điều kiện cơ bản, tiên quyết cho bất kỳ một cá nhân nào muốn tham gia vào thị trường lao động nước ngoài.
Thứ hai, tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài: Việc đi xuất khẩu lao động phải xuất phát từ ý chí tự nguyện của người lao động. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng, bởi lẽ, một quan hệ lao động được hình thành trên sự cưỡng ép, đe dọa sẽ bị vi phạm pháp luật.
Thứ ba, điều kiện về sức khỏe: Người lao động muốn đi xuất khẩu lao động phải vừa đáp ứng đầy đủ về sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam vừa đáp ứng yêu cầu của bên quốc gia tiếp nhận lao động.
Thứ tư, điều kiện về chuyên môn: Tùy vào lĩnh vực, ngành nghề mà người lao động cần phải đáp ứng trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên người sử dụng lao động nước ngoài.
Thứ năm, người lao động phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 thì người lao động sẽ được học khóa giáo dục định hướng dành cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sau khi hoàn thành khóa học, người lao động sẽ được cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.
Cuối cùng, để được đi xuất khẩu lao động thì người lao động phải không bị cấm xuất cảnh, hoặc bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cập nhật điều kiện xuất khẩu lao động mới nhất hiện nay
Hồ sơ đi xuất khẩu lao động cần chuẩn bị
Hồ sơ đi xuất khẩu lao động cũng là vấn đề mà người lao động cần lưu tâm. Cụ thể, Điều 45 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 có liệt kê các loại hồ sơ mà người lao động cần chuẩn bị như sau:
1. Đơn đi làm việc ở nước ngoài.
2. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người lao động thường trú hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người lao động.
3. Giấy chứng nhận đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
4. Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng.
5. Văn bằng, chứng chỉ về ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và giấy tờ khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.”
Trên đây là thông tin về điều kiện đi xuất khẩu lao động mới nhất. Hi vọng bạn đọc sẽ nắm rõ hơn về vấn đề này. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.