hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 15/02/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Điều lệ trường mầm non mới nhất theo Thông tư 52 thế nào?

Điều lệ trường mầm non là những thông tin mà các cá nhân, tổ chức, giáo viên, những người thành lập trường, hoạt động giảng dạy trong nhà trường phải nắm rõ. Vậy cụ thể như thế nào, cùng tìm hiểu qua những thông tin HieuLuat đưa sau đây.

Mục lục bài viết
  • Hiểu thế nào về Điều lệ trường mầm non?
  • Tổ chức và quản lý trường mầm non
  • Điều kiện thành lập trường mầm non
  • Loại hình tổ chức của trường mầm non
  • Cơ cấu tổ chức trường mầm non
Câu hỏi: Tôi đang có ý định thành lập một trường mầm non tư thục gần nhà, có tìm hiểu một số thông tin liên quan nhưng chưa cụ thể. Cho tôi hỏi Điều lệ trường mầm non mới nhất hiện nay được quy định như thế nào? Xin cảm ơn HieuLuat.

Chào bạn, hiện nay Điều lệ trường mầm non được ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT. Quy định cụ thể, mời bạn theo dõi tiếp các nội dung dưới đây.

Hiểu thế nào về Điều lệ trường mầm non?

quy định về điều lệ trường mầm non

Theo quy định tại Điều 1 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm Thông tư 52 năm 2020 của Bộ Giáo dục Đào tạo thì Điều lệ trường mầm non quy định:

Thứ nhất là về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức trường mầm non;

Thứ hai là về tổ chức và quản lý nhà trường

Thứ ba, về tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục;

Thứ tư về tài chính, tài sản;

Thứ năm về giáo viên và nhân viên;

Thứ sáu về trẻ em;

Và thứ bảy là về quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Điều lệ trường mầm non được áp dụng đối với:

- Trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ (gọi chung là trường mầm non);

- Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục mầm non.

Nội dung cơ bản của Điều lệ trường mầm non hiện hành được quy định cụ thể tại Thông tư 52/2022 của Bộ GDĐT như sau:

Tổ chức và quản lý trường mầm non

Điều kiện thành lập trường mầm non

Điều kiện thành lập trường mầm non thực hiện theo Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BGDĐT năm 2018. Theo đó, trường mầm non được thành lập khi có đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ:

- Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển.

Loại hình tổ chức của trường mầm non

Các loại hình trường mầm non được quy định tại Điều 4 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT:

1. Trường mầm non công lập

Do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu.

2. Trường mầm non dân lập

Do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động.

3. Trường mầm non tư thục

Do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Như vậy, trường mầm non bao gồm 03 loại hình: trường mầm non công lập, trường mầm non dân lập và trường mầm non tư thục.

Cơ cấu tổ chức trường mầm non

Về cơ cấu tổ chức trường mầm non cũng được quy định tại Điều 8 Văn bản này, gồm:

  • Hội đồng trường, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng;
  • Hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật;
  • Hội đồng tư vấn;
  • Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức Công đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
  • Các tổ chuyên môn, tổ văn phòng; các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.

 Phân loại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo

Điều 15, Thông tư 52/2020 quy định về nhóm trẻ, lớp mẫu giáo

- Đối với nhóm trẻ: trẻ em từ 03 - 36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ.

Số lượng trẻ em trong một nhóm trẻ tối đa như sau:

  • Nhóm trẻ từ 03 - 12 tháng tuổi tối đa 15 trẻ
  • Nhóm trẻ từ 13 - 24 tháng tuổi: tối đa 20 trẻ
  • Nhóm trẻ từ 25 - 36 tháng tuổi: tối đa 25 trẻ.

Đối với lớp mẫu giáo trẻ em từ 03 tuổi - 06 tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo.

Số lượng trẻ em trong một lớp mẫu giáo tối đa sau:

  • Lớp mẫu giáo 3-4 tuổi: tối đa 25 trẻ
  • Lớp mẫu giáo 4-5 tuổi: tối đa 30 trẻ
  • Lớp mẫu giáo 5-6 tuổi: tối đa 35 trẻ.

Nếu số lượng trẻ em trong mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo không đủ 50% so với số trẻ tối đa theo quy định trên thì được tổ chức thành nhóm trẻ ghép có không quá 20 trẻ em hoặc lớp mẫu giáo ghép có không quá 30 trẻ.

Bên cạnh đó, mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có không quá 02 trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

điều lệ trường mầm non các nhóm trẻ được phân lớp theo độ tuổi quy định
Ở các trường mầm non các lớp, các nhóm trẻ được phân lớp theo độ tuổi quy định.

Tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định tại Điều 18, 19 và 20 của Điều lệ.

Hoạt động nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe

Thực hiện theo quy định của Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và quy định về công tác y tế trường học.

Hoạt động nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe trẻ em khuyết tật học hòa nhập được thực hiện theo quy định về giáo dục hoà nhập trẻ em khuyết tật.

Hoạt động giáo dục

- Thực hiện theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

-Tổ chức các hoạt động giáo dục bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non, yêu cầu về nội dung giáo dục mầm non, yêu cầu về phương pháp giáo dục mầm non và được tổ chức phù hợp với sự phát triển của cá nhân trẻ em và của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.

- Hoạt động giáo dục trẻ em khuyết tật học hoà nhập trong trường mầm non theo quy định về giáo dục hoà nhập trẻ em khuyết tật.

Đánh giá kết quả nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe, giáo dục

Theo đó, sẽ kiểm tra sức khỏe trẻ em tối thiểu 01 lần trong một năm học.

Bên cạnh đó, còn đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trên các biểu đồ tăng trưởng theo quy định mỗi tháng 01 lần đối với trẻ em dưới 24 tháng, 03 tháng 01 lần đối với trẻ em từ 24 tháng tuổi trở lên.

Đồng thời đánh giá sự phát triển của trẻ em theo quy định.

Tài sản của trường mầm non

Phần này quy định về các loại tài sản và điều kiện đối với cơ sở vật chất của trường mầm non để đảm bảo cho hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ em của trường mầm non.

Tài sản của trường mầm non gồm cơ sở vật chất của trường, các thiết bị giáo dục và phải đảm bảo những quy định tại Điều 23, 24 của Điều lệ.

Theo đó, hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường ít nhất phải bảo đảm mức tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo.

Nhà trường xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; định kỳ có kế hoạch cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất theo quy định; không đưa vào sử dụng những cơ sở vật chất đã hết niên hạn sử dụng khi chưa cải tạo sửa chữa.

Ngoài ra, trường học cần trang bị đủ thiết bị giáo dục; tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả…

Nhiệm vụ, quyền của giáo viên, nhân viên trường mầm non

Điều 26, 27, 28, 29 và 30 quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền của giáo viên, nhân viên trường mầm non.

- Giáo viên thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

- Nhân viên thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Giáo viên có các nhiêm vụ như:

  • Bảo vệ an toàn về thể chất, tinh thần và tính mạng của trẻ em trong thời gian trẻ ở trường.
  • Thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chương trình giáo dục mầm non.
  • Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; thực hiện quy tắc ứng xử của giáo viên, các quy định về đạo đức nhà giáo…

Nhân viên viên trường mầm non có các nhiệm vụ như:

  • Nhiệm vụ được giao theo kế hoạch và sự phân công của Hiệu trưởng.
  • Tùy theo vị trí việc làm thực hiện nhiệm vụ theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của vị trí việc làm đang đảm nhiệm và
  • Bảo đảm an toàn cho trẻ em trong ăn uống và sinh hoạt tại nhà trường. Tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến ăn uống cho trẻ, bảo đảm không để xảy ra ngộ độc đối với trẻ em…

* Về quyền của giáo viên, nhân viên

  • Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể, được hưởng các quyền lợi về vật chất, tinh thần theo quy định.
  • Được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường; được bảo đảm các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
  • Được hưởng tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
  • Được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được hưởng nguyên lương, phụ cấp theo lương…

giáo viên và nhân viên trường mầm non được quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn

* Tiêu chuẩn trình độ nghề nghiệp của giáo viên, nhân viên

Đối với giáo viên: có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non.

Giáo viên tự đánh giá và được nhà trường đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non hằng năm làm căn cứ xây dựng kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp.

Đối với nhân viên: được quy định tại các văn bản tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp với từng vị trí việc làm của nhân viên theo quy định.

Bên cạnh đó, hành vi, ứng xử của giáo viên, nhân viên trường mầm non thực hiện theo quy định của ngành giáo dục và của pháp luật.

Giáo viên, nhân viên không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp; không được đối xử không công bằng đối với trẻ em; không được xuyên tạc nội dung giáo dục; khỏ giờ, bỏ buổi dạy;…

Ngoài ra, giáo viên, nhân viên phải mặc trang phục phù hợp, yêu cầu trang phục công sở đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em…

Quy định về trẻ em ở trường mầm non

Điều 32 Điều lệ trường mầm non quy định về tuổi và sức khoẻ của trẻ em mầm non

Theo đó, trẻ em từ 03 tháng tuổi - 06 tuổi được nhận vào trường mầm non.

Đối với trẻ em khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 03 tuổi.

Trẻ em khi học ở trường mầm non được hưởng các quyền sau:

- Được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp

- Được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp

- Trẻ em khuyết tật được giáo dục hòa nhập và được hưởng chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật.

- Được bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần; được chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng; được bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng; được bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn tại trường mầm non…

Bên cạnh đó trẻ cũng có các nhiệm vụ như: Lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo và người lớn; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè, em nhỏ; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; trang phục gọn gàng, phù hợp lứa tuổi; giữ gìn vệ sinh cá nhân; tham gia giữ gìn vệ sinh trường, lớp, góp phần bảo vệ môi trường…

Quan hệ giữa trường mầm non với gia đình và xã hội

Mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội nhằm bảo đảm sự đồng thuận trong nhận thức, trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

Cụ thể, nhà trường cần:

  • Chủ động tham mưu, đề xuất với chính quyền phát triển quy mô, xây dựng cơ sở vật chất; tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
  • Công khai kế hoạch và kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của nhà trường và các hoạt động phối hợp với cha mẹ trẻ em;
  • Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học nuôi dạy trẻ em cho cha mẹ trẻ em và cộng đồng
  • Thực hiện phòng bệnh, kiểm tra sức khoẻ cho trẻ em trong nhà trường.

Gia đình có trách nhiệm:

  • Chủ động phối hợp với nhà trường về việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhà.
  • Tự nguyện đóng góp trí tuệ, công sức, vật chất đến tăng cường cơ sở vật chất
  • Tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường, thực hiện quyền giám sát để sử dụng các nguồn lực hiệu quả.

Trên đây là thông tin của HieuLuat về Điều lệ trường mầm non mới nhất theo Thông tư 52.  Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X