hieuluat
Chia sẻ email

Doanh nghiệp có bắt buộc phải có tên viết tắt không?

Doanh nghiệp có bắt buộc phải có tên viết tắt không? Câu hỏi này đặc biệt quan trọng đối với những doanh nghiệp chuẩn bị được thành lập. Việc tìm hiểu trước các quy định của pháp luật trong việc đặt tên doanh nghiệp cũng là cách giảm thiểu rủi ro hoặc tránh trường hợp bị trả lại hồ sơ khi đề nghị đăng ký thành lập tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

 

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi chuẩn bị thực hiện thành lập doanh nghiệp. Tôi tìm hiểu thì thấy có doanh nghiệp thì có tên viết tắt, có doanh nghiệp thì lại không có tên viết tắt. Vậy, Luật sư cho tôi được biết, doanh nghiệp có bắt buộc phải có tên viết tắt không?

Đồng thời, trước khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tôi có được ký kết, thực hiện các hợp đồng nhân danh công ty chuẩn bị thành lập do tôi làm chủ sở hữu không, thưa Luật sư?

Chào bạn, liên quan đến vấn đề doanh nghiệp có bắt buộc phải có tên viết tắt không mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp như sau:

Doanh nghiệp có bắt buộc phải có tên viết tắt không?

Trước hết, tên của doanh nghiệp là dấu hiệu đầu tiên để nhận biết, phân biệt doanh nghiệp, cũng là một bộ phận góp thành thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thông qua tên doanh nghiệp, khách hàng có thể phần nào dự đoán được sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp hoặc cũng có thể tên doanh nghiệp chính là yếu tố nhận dạng, thể hiện mức độ phủ sóng của doanh nghiệp trên thị trường.

Hiện nay, tên gọi của các doanh nghiệp được quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:

Điều 37. Tên doanh nghiệp

1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

a) Loại hình doanh nghiệp;

b) Tên riêng.

2. Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

3. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

=> Theo quy định của pháp luật nêu trên, tên doanh nghiệp là tên tiếng Việt và phải bao gồm các thành phần sau đây:

Tên doanh nghiệp = Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng của doanh nghiệp

Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân thương mại sản xuất Hoa Hồng, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thái Bình, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ánh Dương...

Ngoài ra, Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định:

+ Tên tiếng nước ngoài của doanh nghiệp là tên không bắt buộc phải có. Nếu doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài thì đây là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh;

+ Tên viết tắt của doanh nghiệp là tên được viết tắt từ tên bằng tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đó. Tên viết tắt cũng không phải là thành phần bắt buộc trong cấu tạo tên doanh nghiệp.

Kết luận: Tên viết tắt của doanh nghiệp không phải là tên bắt buộc phải có của doanh nghiệp. Vậy nên, doanh nghiệp buộc phải có tên tiếng Việt và có thể có tên viết tắt hoặc không.

doanh nghiep co bat buoc phai co ten viet tat khong

Có được giao kết hợp đồng trước khi thành lập công ty không?

Ký kết hợp đồng nhân danh doanh nghiệp chuẩn bị được thành lập là một trong những nhu cầu ngày càng phổ biến hiện nay. Khoản 1 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc ký kết hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp như sau:

Điều 18. Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp

1. Người thành lập doanh nghiệp được ký hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.

=> Từ quy định trên, có hai loại hợp đồng pháp luật cho phép người thành lập doanh nghiệp được ký kết trước khi thành lập doanh nghiệp là hợp đồng phục vụ cho việc thành lập doanh nghiệp (ví dụ hợp đồng dịch vụ chuẩn bị hồ sơ và thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp…) và hợp đồng phục vụ cho việc hoạt động của doanh nghiệp (ví dụ hợp đồng nhập khẩu hàng hóa…).

Như vậy, người thành lập doanh nghiệp hay chính là người sở hữu doanh nghiệp (đối với trường hợp của bạn) có quyền ký kết, thực hiện hợp đồng trước khi nhận được giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp.

Trách nhiệm, nghĩa vụ, của doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp đã thực hiện ký kết hợp đồng nhân danh doanh nghiệp trước khi doanh nghiệp được thành lập được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

- Sau khi doanh nghiệp được thành lập thì các bên có nghĩa vụ thực hiện chuyển giao quyền, nghĩa vụ từ người thành lập doanh nghiệp sang cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện hợp đồng đã được người thành lập lập, ký kết trước đó. Lúc này, các bên có thể lập biên bản thỏa thuận về việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ hoặc ký phụ lục hợp đồng.

- Nếu doanh nghiệp không được thành lập thì người thành lập đã ký kết hợp đồng trước khi doanh nghiệp được thành lập phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với các điều khoản đã thỏa thuận.

Kết luận: Các bên được quyền ký kết các hợp đồng trước khi doanh nghiệp được thành lập. Tuy nhiên, các bên cũng cần chú ý, nếu doanh nghiệp không được thành lập như đã thỏa thuận/như kỳ vọng của các bên thì người thành lập sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với hợp đồng đã ký kết. Ngược lại, nếu doanh nghiệp được thành lập thì các bên phải thực hiện chuyển giao quyền, nghĩa vụ, rủi ro từ người thành lập sang cho doanh nghiệp mới thành lập.

Trên đây là giải đáp về doanh nghiệp có bắt buộc phải có tên viết tắt không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Doanh nghiệp là gì? Các đặc điểm của doanh nghiệp hiện nay

>> Thương nhân là gì? Khác doanh nghiệp thế nào?

Có thể bạn quan tâm

X