hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 31/01/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Doanh nghiệp có phải tổ chức khám sức khoẻ cho NLĐ không?

Người lao động (NLĐ) cần phải đảm bảo sức khỏe mới có thể thực hiện công việc của mình và việc khám sức khỏe là nhu cầu không của riêng ai. Vậy NLĐ khi đi làm có được doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe không?

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi, nếu đi làm ở công ty thì có được khám sức khỏe hằng năm không? Doanh nghiệp có phải bắt buộc phải tổ chức khám sức khoẻ cho NLĐ không? Nếu không tổ chức khám thì liệu có bị phạt hay không? Xin cảm ơn!

Doanh nghiệp có bắt buộc tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ?

Quy định về việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động theo khoản Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:

“1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

Lao động nữ khi khám sức khỏe phải được khám chuyên khoa phụ sản, những người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Ngoài ra, trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc người sử dụng lao động cần tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật và đưa ngườ lao động đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp theo quy định.

Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả.

Như vậy, nhằm đảm bảo điều kiện lao động thì việc tổ chức khám sức khỏe ít nhất 1 lần trong 1 năm là nghĩa vụ bắt buộc đối với người sử dụng lao động chứ không phải là một chính sách ưu đãi hay chế độ dành cho người lao động.

Theo Bộ luật Lao động 2012 trước đây (hiện đã hết hiệu lực), tại khoản 2 Điều 152 quy định:

2. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.”

Khác với Bộ luật Lao động 2012 thì Bộ luật Lao động 2019 áp dụng hiện hành không có điều luật quy định trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho người lao động vì nội dung này đã được quy định chi tiết trong Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.

doanh nghiep co phai to chuc kham suc khoe cho nld khong

Không tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt

Vì là nghĩa vụ bắt buộc nên nếu doanh nghiệp không thực hiện việc tổ chức khám sức khỏe cho người lao động cũng sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động từ năm 2022 được thực hiện theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, với hành vi không tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng giám định y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Như vậy, với mỗi người lao động không được tổ chức khám sức khỏe định kỳ, người sử dụng lao động bị phạt tối đa 3 triệu đồng và mức phạt cao nhất với hành vi này là 75 triệu đồng; với mỗi người lao động không được tổ chức khám sức khỏe trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại..sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng, tối đa cũng không quá 75 triệu đồng.

Hieuluat vừa thông tin đến bạn về việc doanh nghiệp có phải tổ chức khám sức khoẻ cho NLĐ không? Nếu còn băn khoăn, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006199 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X