hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 01/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thành lập doanh nghiệp xã hội có gì khác với doanh nghiệp thường?

Để giải quyết các vấn đề liên quan đến xã hội, môi trường, lợi ích công cộng, Nhà nước đã ban hành các chế định liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp xã hội. Bài viết sau sẽ đi sâu vào phân tích các quy định của pháp luật liên quan đến loại hình doanh nghiệp này.

Mục lục bài viết
  • Doanh nghiệp xã hội là gì?
  • Thủ tục doanh nghiệp xã hội tiếp nhận tài trợ thế nào?
  • Thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội có gì khác so với thông thường?
  • Doanh nghiệp xã hội chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội ra sao?

Doanh nghiệp xã hội là gì?

Câu hỏi: Doanh nghiệp xã hội là loại hình doanh nghiệp gì? Loại hình doanh nghiệp này có điểm gì khác so với các doanh nghiệp thông thường?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 47/2021/NĐ-CP và khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí sau:

- Doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định Luật Doanh nghiệp;

- Doanh nghiệp có mục tiêu hoạt động là giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích công cộng;

- Doanh nghiệp sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm để tái đầu tư thực hiện mục tiêu đã đăng ký.

Có thể thấy, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định Luật Doanh nghiệp và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm để tái đầu tư thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích công cộng.

Do doanh nghiệp xã hội có đặc thù riêng là giải quyết các vấn đề xã hội cho nên doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi theo quy định tại khoản 2, Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020 như:

- Chủ sở hữu hoặc người quản lý doanh nghiệp xã hội được nhà nước xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ về các vấn đề liên quan đến Cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan;

- Doanh nghiệp xã hội được phép huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của nước ngoài, Việt Nam.

Tuy nhiên, đi đôi với các ưu đãi trên, doanh nghiệp xã hội phải có trách nhiệm theo quy định tại Điều 3 Nghị định 47/2021/NĐ-CP như:

- Doanh nghiệp xã hội phải thực hiện đúng Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong suốt quá trình hoạt động: duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và các nội dung khác trong bản Cam kết;

- Doanh nghiệp xã hội sẽ phải hoàn trả lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp xã hội đã nhận để thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ theo Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư, trừ trường hợp doanh nghiệp xã hội chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời hạn đã cam kết.


Doanh nghiệp xã hội là gì? Thủ tục thành lập ra sao? (Ảnh minh họa)


Thủ tục doanh nghiệp xã hội tiếp nhận tài trợ thế nào?

Câu hỏi: Công ty tôi là doanh nghiệp xã hội chuyên thực hiện các hoạt động liên quan đến thúc đẩy giá trị đa dạng và hòa nhập, bình đẳng giới, các giá trị nhân quyền khác. Công ty A muốn tài trợ cho công ty tôi thực hiện hoạt động trên. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa rõ thủ tục tiếp nhận tài trợ này?

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 47/2021/NĐ-CP, thủ tục Doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ, tài trợ được thực hiện như sau:

- Đối với việc tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường thì thực hiện theo quy định Nghị định 80/2020/NĐ-CP về Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.

- Đối với việc tiếp nhận tài trợ  của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam bằng tài chính, tài sản hoặc hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường thì thực hiện như sau:

+ Doanh nghiệp xã hội phải tiến hành lập Văn bản tiếp nhận tài trợ.

Văn bản tiếp nhận tài trợ phải bao gồm các nội dung sau: Thông tin về cá nhân, tổ chức tài trợ, giá trị tài sản hoặc tiền viện trợ, loại tài sản, thời điểm thực hiện tài trợ; yêu cầu đối với doanh nghiệp tiếp nhận tài trợ và họ, tên và chữ ký của người đại diện của bên tài trợ nếu có.

+ Doanh nghiệp xã hội phải gửi bản sao Văn bản tiếp nhận viện trợ và thông báo cho cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính về việc tiếp nhận tài trợ trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận tài trợ.
 

Thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội có gì khác so với thông thường?

Câu hỏi: Tôi là cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên, tôi không rõ thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội có gì khác so với bình thường không?

Nhìn chung, thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội không có gì khác so với việc thành lập các doanh nghiệp khác. Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội được thực hiện theo quy định tại nghị định này tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần,…).

Điểm khác biệt duy nhất khi thành lập doanh nghiệp xã hội là kèm theo hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội thì phải có Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường.

Văn bản cam kết này phải có chữ ký của các chủ thể sau:

- Nếu thành lập Doanh nghiệp tư nhân: phải có chữ ký của chủ doanh nghiệp tư nhân;

- Nếu thành lập Công ty hợp danh: phải có chữ ký của các thành viên hợp danh;

- Nếu thành lập Công ty TNHH: phải có chữ ký của các thành viên là cá nhân; người đại diện theo pháp luật hoặc ủy quyền đối với thành viên là tổ chức.

- Nếu thành lập Công ty cổ phần: phải có chữ ký của cổ đông sáng lập là tổ chức; người đại diện theo pháp luật hoặc ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức.( Nếu cổ đông khác đồng ý nội dung cam kết và mong muốn ký vào bản cam kết thì có thể ký vào bản cam kết cùng với cổ đông sáng lập)

Sau khi nộp hồ sơ kèm theo văn bản cam kết trên, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ đăng tải Cam kết trên ở Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi


Doanh nghiệp xã hội chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội ra sao?

Câu hỏi: Ngày 01/01//2020, tôi có thành lập doanh nghiệp xã hội và có ký Cam kết về việc công ty sẽ hoạt động, sử dụng lợi nhuận vào việc hỗ trợ và bảo vệ trẻ em. Ngày 31/10/2021, Công ty tôi muốn chấm dứt Cam kết trên thì thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thủ tục chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường được thực hiện như sau:

- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định chấm dứt, Doanh nghiệp xã hội phải gửi thông báo và kèm theo giấy tờ sau:

+ Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chấm dứt Cam kết;

+ Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc chấm dứt Cam kết;

+ Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có) về việc chấm dứt Cam kết, trong đó có nêu rõ lý do chấm dứt Cam kết.

- Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện cập nhật thông tin của doanh nghiệp xã hội trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh và đăng tải các giấy tờ mà doanh nghiệp xã hội đã nộp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trên đây là giải đáp về doanh nghiệp xã hội là gì? Nếu bạn còn có thêm vướng mắc, có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X