Việc đổi tên có lẽ là mong mỏi của khá nhiều người. Tuy nhiên, thủ tục đổi tên thì không hề đơn giản. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về thủ tục này.
Điều kiện được đổi tên trên giấy khai sinh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015:
1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Như vậy, để được đổi tên thì bạn phải thuộc một trong các trường hợp nêu trên. Trường hợp của bạn, nếu như tên của bạn trùng với tên của ông họ và việc trùng tên này gây ảnh hưởng tới tình cảm gia đình của bạn thì có cơ sở để yêu cầu đổi tên.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng, việc này gây ảnh hưởng tới tình cảm gia đình hay không là nhận định tương đối chủ quan của cán bộ tư pháp – hộ tịch.
Đồng thời, cũng cần xác định những khó khăn việc đổi tên gây ra: Bạn phải đi thay đổi toàn bộ giấy tờ theo tên mới…
Pháp luật không quy định cụ thể đổi tên cần giấy tờ gì (Ảnh minh họa)
Không có giấy khai sinh của người trùng tên, xin đổi tên được không?
Theo khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch năm 2014, thẩm quyền đổi tên cho bạn thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân.
Còn theo Điều 28 Luật Hộ tịch 2014:
1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Như vậy, khi đăng ký thay đổi tên, người yêu cầu cần nộp các “giấy tờ liên quan” cho cơ quan đăng ký hộ tịch. “Giấy tờ liên quan” có thể được hiểu là các loại giấy tờ chứng minh các căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự về việc đổi tên. Và tuỳ thuộc vào từng trường hợp “ảnh hưởng tình cảm” hoặc “ảnh hưởng đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp” mà người yêu cầu có thể cung cấp các loại giấy tờ chứng minh khác nhau phù hợp với từng hoàn cảnh.
Chẳng hạn, giấy tờ chứng minh việc trùng tên gây ảnh hưởng tới tình cảm gia đình như giấy khai sinh hoặc bằng cấp hoặc sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ khác của 02 người bị trùng tên để chứng minh cho việc trùng tên.
Trường hợp của bạn không thể cung cấp giấy khai sinh thì bạn có thể xin xác nhận của một số người biết rõ vấn đề này như trưởng thôn, trưởng họ… mà không nhất định phải là giấy khai sinh.
Sở dĩ pháp luật quy định một cách chung chung là để tạo điều kiện cho người yêu cầu đổi tên có thể tùy ý chứng minh việc ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, danh dự… miễn thuyết phục được cán bộ tư pháp – hộ tịch đổi tên cho mình.
Trên đây là thông tin về việc đổi tên cần giấy tờ gì? Nếu bạn chưa biết cần chuẩn bị giấy tờ gì cho trường hợp của mình, vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.
>> Đổi tên có phải làm lại toàn bộ giấy tờ không?
>> Nhập khẩu cho con khi không có tên cha trong giấy khai sinh được không?