Đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn phức tạp khi xuất hiện biến chủng mới. Covid-19 có thể lây nhiễm ở mọi độ tuổi, không phân biệt giới tính. Vậy đối tượng nào dễ nhiễm Covid nhất?
Đối tượng dễ nhiễm Covid nhất là ai?
Mới đây vào ngày 07/12, ông Hans Kluge, Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu, cho biết hiện số ca mắc COVID-19 đã tăng ở tất cả các nhóm độ tuổi với tỷ lệ cao nhất nằm trong nhóm các em từ 4 - 15 tuổi. Trong bối cảnh này, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi tăng cường bảo vệ trẻ em trước đại dịch này.
Ông này cũng cho rằng, tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ em tăng 2-3 lần so với tỷ lệ lây nhiễm trung bình trong dân số không còn là diễn biến bất thường trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp.
Tuy nhiên, các rủi ro y tế không dừng lại ở nhóm trẻ em vì trẻ cũng có thể lây nhiễm Covid-19 sang cho người thân trong gia đình.
Tại Việt Nam, thông tin trên VnExpress ngày 08/12 và theo số liệu từ Sở Y tế TP HCM thì hiện các bệnh viện đang điều trị khoảng 500 F0 trẻ em, chưa có số liệu báo cáo trẻ điều trị tại nhà.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết viện này đang điều trị khoảng 110 trẻ bị Covid-19, tăng hơn gấp đôi so với tháng 10. Nguyên nhân F0 nhập viện tăng do dịch lây lan rộng trong cộng đồng, trong nhà có người nhiễm, trẻ cũng sẽ có nguy cơ dương tính.
Bác sĩ Việt cũng cho rằng, đa phần người lớn hiện đã được tiêm vắc xin Covid-19, khi nhiễm bệnh thường không triệu chứng, và việc không xét nghiệm để biết nhiễm bệnh lại vô tình lây cho con, cháu trong gia đình. Trẻ bị nhiễm, không có triệu chứng lại chơi cùng các bạn khác làm tăng nguy cơ lây lan.
Thực tế, nguy cơ lây nhiễm Covid ở trẻ em không thấp hơn ở người lớn, thậm chí có những đặc điểm cho thấy trẻ em dễ nhiễm hơn, như: tiếp xúc gần và nhiều với người lớn; tiếp xúc gần với các bề mặt ở nhà, ở trường lớp, nơi sinh hoạt chung; trẻ nhỏ không dễ mang phương tiện phòng hộ, như khẩu trang, tấm chắn giọt bắn…
Trẻ em là đối tượng dễ lây nhiễm Covid-19. Ảnh minh họa.
Có nên tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ?
Theo ông Hans Kluge, Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu, để hạn chế lây nhiễm Covid-19 cho trẻ thì việc cải thiện lưu thông không khí, sử dụng khẩu trang nên trở thành tiêu chuẩn tại tất cả các trường tiểu học để đảm bảo môi trường học tập an toàn, tránh nguy cơ đóng cửa các trường học hay phải tổ chức học trực tuyến.
Còn theo Bác sĩ Đỗ Châu Việt, phụ huynh cần giúp trẻ trẻ hình thành thói quen nhằm tránh nguy cơ nhiễm bệnh trong giai đoạn thích ứng như:
- Chú trọng nguyên tắc 5K, dạy trẻ đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn
- Không tập trung đông người, vứt khẩu trang đúng nơi quy định, khai báo y tế theo yêu cầu
- Khi thấy trẻ có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ bệnh không nên cho đi học.
- Chuẩn bị khẩu trang dự phòng trong cặp cho trẻ, mỗi trẻ có bình uống nước riêng, không nên dùng chung các vật dụng cá nhân tránh nguy cơ lây nhiễm.
Hiện nay trước biến chủng Covid-19 mới, nhiều nước trên thế giới đã triển khai quyết liệt trở lại các biện pháp phòng dịch; nhiều nước triển khai, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin mũi 3.
Mặc dù nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em nhiễm Covid-19 thường diễn biến nhẹ, biểu hiện giống như các nhiễm trùng hô hấp thông thường. Thế nhưng, nếu trẻ em mắc COVID-19 lại dễ làm phát tán tác nhân virus ra bên ngoài, tức là có thể lây virus sang cho người khác.
Theo thống kê, đã có hơn 20 nước, trong đó gồm nhiều nước phát triển đã tiêm cho trẻ em từ 3-11 tuổi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo rằng việc tiêm cho trẻ em từ 3-11 tuổi có lợi ích cao hơn rủi ro, tuy nhiên, nên ưu tiên cho người già, người có bệnh nền, khi đã đủ vắc-xin thì tiêm cho trẻ em.
Ông Hans Kluge khẳng định việc bắt buộc tiêm vắc xin phòng Covid-19 nên là lựa chọn cuối cùng và chỉ nên áp dụng khi tất cả các phương án khác nhằm tăng tỷ lệ tiêm phòng không còn tác dụng. Mặc dù quy định bắt buộc tiêm phòng giúp tăng tỷ lệ tiêm vắc xin trong một số trường hợp tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào bối cảnh ở các nước. Đặc biệt, cần xem xét tác động của chính sách bắt buộc tiêm vắc xin Covid -19 đối với lòng tin của người dân.
Ông Hans Kluge cũng nhấn mạnh rằng, vấn đề tiêm phòng cho trẻ em nên được xem xét, thảo luận ở cấp quốc gia.
Tại Thông báo 327/TB-VPCP kết luận về vắc xin, thuốc điều trị Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Ban cán sự Đảng Bộ Y tế:
Xây dựng kế hoạch để sớm báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về phương án tiêm (mũi 1 và 2) cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, trong đó thể hiện rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, giải pháp trên cơ sở khoa học, diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước (trước ngày 10 tháng 12 năm 2021); đồng thời chỉ đạo quyết liệt để rà soát kỹ lưỡng đề xuất cấp có thẩm quyền kế hoạch mua vắc xin năm 2022 và đặc biệt là vắc xin cho trẻ em cần phải ký được hợp đồng trong tháng 12 năm 2021.
Căn cứ hướng dẫn tại Quyết định 5002/QĐ-BYT của Bộ Y tế (đang áp dụng khi tiêm cho trẻ từ 15-17 tuổi) trẻ sẽ bị trì hoãn tiêm chủng khi thuộc các trường hợp sau: - Có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng. - Đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển. Vắc xin ngừa Covid-19 còn chống chỉ định với các đối tượng: - Có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 cùng loại (lần trước). - Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất. Đặc biệt, trẻ khi tiêm chủng cần được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ. |
Như vậy, trẻ em chính là đối tượng dễ nhiễm Covid nhất và việc tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ phù thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong nước, thực tiễn các nước và cần có chủ trương, phương án phù hợp. Nếu còn vướng mắc, độc giả có thể liên hệ hotline 19006192 để được hỗ trợ.