hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 06/01/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Được đơn phương hủy hợp đồng đặt cọc mua bán đất khi nào?

Thực tế có không ít trường hợp sau khi các bên đã ký hợp đồng đặt cọc mua bán đất nhưng bên đặt cọc đổi ý và không muốn mua đất nữa. Trường hợp này, bên nhận đặt có có thể đơn phương hủy hợp đồng đặt cọc hay không? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề này.

Mục lục bài viết
  • Đơn phương hủy hợp đồng đặt cọc mua bán đất khi nào?
  • Hệ quả pháp lý khi hủy hợp đồng đặt cọc thế nào?
  • Yêu cầu giải quyết hủy bỏ hợp đồng đặt cọc thế nào?
Câu hỏi: Mình hỏi thêm về việc bên đặt cọc mua đất không mua nữa, nhưng không chịu ký hủy hợp đồng đặt cọc thì bên nhận đặt cọc phải làm gì để mua bán mảnh đất này cho người khác mà không bị rào cản của hợp đồng đặt cọc cũ. Xin cảm ơn!

Theo như trình bày của bạn, các bên đã tiến hành làm hợp đồng đặt cọc mua bán đất, tuy nhiên bên mua đất không muốn mua nữa mà không chịu ký vào hợp đồng hủy đặt cọc, khi đó bạn có quyền đơn phương hủy hợp đồng đặt cọc.

Đơn phương hủy hợp đồng đặt cọc mua bán đất khi nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015, một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng đặt cọc và không phải bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

- Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;

- Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;

- Trường hợp khác do luật quy định.

Theo đó, nếu trong hợp đồng các bên thỏa thuận việc một trong 02 bên không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng (bên mua không mua nữa) thì bên còn lại có quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng đặt cọc mà không cần phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Được đơn phương hủy hợp đồng đặt cọc mua bán đất khi nào? (Ảnh minh họa)


Hệ quả pháp lý khi hủy hợp đồng đặt cọc thế nào?

Khi hợp đồng đặt cọc bị hủy bỏ sẽ không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận.

Đồng thời, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định tại Điều 427 Bộ luật Dân sự 2015:

- Các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp;

- Hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản;

- Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường.

Như vậy, khi yêu cầu hủy bỏ hợp đồng đặt cọc, các bên sẽ trả lại cho nhau những gì đã nhận, bên nhận đặt cọc sẽ trả lại số tiền đã nhận cọc trước đó. Hợp đồng đặt cọc cũng sẽ chấm dứt hiệu lực tại thời điểm hủy hợp đồng đặt cọc.

Lúc này, bạn có toàn quyền thực hiện các quyền sử dụng đất như mua bán, chuyển nhượng, tặng cho,…

Yêu cầu giải quyết hủy bỏ hợp đồng đặt cọc thế nào?

Theo các quy định nêu trên, trường hợp này bạn có quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng đặt cọc mua bán đất. Tuy nhiên, trước khi nhờ tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền can thiệp, các bên có thể cùng thương lượng, thỏa thuận.

Trường hợp không để thương lượng mà dẫn tới tranh chấp có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Theo đó, bạn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên mua cư trú yêu cầu Tòa án tuyên bố hủy hợp đồng đặt cọc.

- Hồ sơ yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc gồm:

+ Đơn khởi kiện;

+ Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (hợp đồng đặt cọc, các văn bản thỏa thuận gia hạn đặt cọc);

+ Chứng minh thư nhân dân, Căn cước công dân.

+ Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao).

- Trình tự thủ tục khởi kiện hủy hợp đồng đặt cọc:

Bước 1: Tiếp nhận và thụ lý đơn khởi kiện

Nộp đơn khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền. Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.

Tòa án phân công thẩm phán để xem xét và giải quyết đơn khởi kiện.

Nếu đơn hợp lệ, Thẩm phán ra thông báo đóng tiền tạm ứng án phí theo quy định.

Người khởi kiện thực hiện đóng tiền tạm ứng và nộp biên lai cho Tòa án.

Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án theo quy định pháp luật.

Bước 2: Chuẩn bị xét xử

Sau khi vụ án được thụ lý, Tòa án phải tiến hành quá trình chuẩn bị xét xử trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày thụ lý.

Nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn không quá 02 tháng.

Bước 3: Xét xử sơ thẩm và phúc thẩm (nếu có)

Thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu chứng cứ mà các bên đương sự cung cấp hoặc do tự mình thu thập, Thẩm phán sẽ mở phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục luật định.

Trường hợp không đồng ý với bản án, quyết định của Tòa án, đương sự có thể kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.

Trên đây là giải đáp về vấn đề đơn phương hủy hợp đồng đặt cọc mua bán đất. Nếu còn thắc mắc, hãy để lại câu hỏi để chúng tôi hỗ trợ bạn hoặc gọi đến hotline  19006199 để được tư vấn.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X