hieuluat
Chia sẻ email

Bị lừa đảo qua Facebook, tôi muốn nộp đơn tố giác có được không?

Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, nhất là facebook và tâm lý muốn có thu nhập những ngày dịch của người khác mà thực hiện nhiều hành vi lừa đảo. Vậy, những nạn nhân bị lừa qua facebook phải làm thế nào? Có thể làm đơn tố giác tội phạm lừa đảo qua mạng được không?

Mục lục bài viết
  • Bị lừa đảo qua mạng, làm đơn tố giác khi nào? 
  • Tới đâu để tố giác tội phạm lừa đảo qua mạng?
  • Cần chuẩn bị những giấy tờ gì khi đi tố giác tội phạm?
  • Giải quyết đơn tố giác tội phạm trong bao lâu?
Câu hỏi: Chào anh chị, em có vấn đề sau mong được anh chị tư vấn, giải đáp. Em có tham gia vào hội nhóm tìm việc làm thêm tại nhà và thấy có 1 người đăng tin tuyển người thêu tranh thuê dưới hình thức đó là người nhận tranh sẽ đặt cọc tiền trước và bên kia sẽ chuyển tranh.
Do đây là hình thức khá phổ biến hiện nay nên em cũng không nghĩ gì mà chuyển tiền cọc cho bên kia. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền thì bên kia đã chặn số điện thoại liên lạc với em. Em còn ảnh chụp thông tin gửi tiền và tin nhắn với bên kia, em muốn nhờ cơ quan công an điều tra vụ việc.
in hỏi em phải gửi đơn cho ai, và thủ tục như thế nào ạ? - Thu Thủy (Hà Nam).

Bị lừa đảo qua mạng, có làm đơn tố giác tội phạm được không?

Theo thông tin bạn cung cấp, có thể bên kia đã dùng một số thủ đoạn gian dối để thực hiện hành vi lừa đảo. Hành vi này có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

…”

Khi trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo qua mạng, bạn có thể gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an có thẩm quyền.

Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.

Theo đó, việc tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố có thể được thực hiện bằng các cách sau (Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015):

- Trực tiếp đến trình báo tại cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin tố giác;

- Gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới cơ quan có thẩm quyền;

- Tố giác qua điện thoại;

- Tố giác qua các phương tiện thông tin khác.

Đơn tố giác tội phạm lừa đảo qua mạng nộp tới đâu? (Ảnh minh họa)


Tới đâu để tố giác tội phạm lừa đảo qua mạng?

Trước khi tố giác, báo tin về tội phạm, bạn cần xác định rõ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin tố giác và giải quyết đơn tố giác nhằm tránh gây mất thời gian, khó khăn cho công tác tiếp nhận và giải quyết thông tin.

Theo Điều 9 và Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan Công an tương ứng với thẩm quyền xét xử của Tòa án.

Theo đó, chỉ có cơ quan sau đây có chức năng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, gồm:

- Cảnh sát điều tra Công an cấp quận, huyện, thị xã;

- Cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Lưu ý: Công an xã, phường, thị trấn; đồn Công an, trạm Công an không có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết kiến nghị khởi tố.

Theo quy định trên, bạn có thể tới Công an xã, phường, thị trấn; đồn Công an,... để tố giác tội phạm hoặc gửi thông tin tố giác tội phạm qua bưu điện đến địa chỉ của cơ quan Công an nơi tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm; gọi điện tới Công an xã, phường để tố giác tội phạm,...

Bạn có thể tuy cập vào đường link dưới đây để tra cứu thông tin cơ quan công an tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm: http://bocongan.gov.vn/togiactoipham/Pages/huong-dan-to-giac-toi-pham.aspx

Cần chuẩn bị những giấy tờ gì khi đi tố giác tội phạm?

Cần lưu ý rằng, việc tố giác tội phạm lừa đảo phải có bằng chứng rõ ràng, cụ thể , do vậy việc đâu tiên bạn cần làm đó là thu thập tất cả tài liệu, bằng chứng liên quan đến giao dịch chuyển tiên cũng như trao đổi, cam kết của các bên, bằng chứng càng cụ thể, rõ ràng sẽ tạo thuận lợi cho quá trình điều tra.

Các giấy tờ, tài liệu này bao gồm: Biên lai chuyển tiền; tin nhắc trao đổi; các thông tin cá nhân của phía bên kia như: Địa chỉ, số điện thoại, tên facebook,...

Theo đó, khi đi tố giác tội phạm bạn cần chuẩn bị một số giấy tờ:

- Đơn tố giác tội phạm;

+ Chứng minh nhân dân/căn cước công dân mã vạch/căn cước công dân (bản sao có công chứng);

+ Sổ hộ khẩu (bản sao công chứng).

+ Chứng cứ kèm theo để chứng minh (video, hình ảnh, ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội,…).

Giải quyết đơn tố giác tội phạm trong bao lâu?

Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá 02 tháng.

Lưu ý:

- Khi hết thời hạn 03 ngày kể từ ngày tố giác thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

- Khi hết thời gian giải quyết mà chưa nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Như vậy, trường hợp số tiền bị lừa có giá trị từ 02 triệu trở lên thì bạn có thể thực hiện tố giác tội phạm theo hướng dẫn nêu trên.

Trên đây là giải đáp về Đơn tố giác tội phạm lừa đảo qua mạng. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Đơn tố giác tội phạm có hình thức thế nào? Nộp tới đâu?

Có thể bạn quan tâm

X