hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 08/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Gửi thư nặc danh tố cáo người khác có được tiếp nhận và xử lý không?

Việc gửi thư nặc danh để tố cáo người khác hiện nay không phải là hiếm gặp. Nguyên nhân việc tố cáo nặc danh có thể do người nộp đơn không muốn để lộ thông tin vì sợ sẽ gây nhiều bất lợi trong cuộc sống. Vậy, gửi đơn tố cáo tội phạm nặc danh có được chấp nhận không?

Mục lục bài viết
  • Tố cáo nặc danh là gì?
  • Vậy, đơn tố cáo nặc danh có được chấp nhận không?
  • Lưu ý gì khi gửi đơn tố cáo nặc danh?
Câu hỏi: Qua thời gian theo dõi, tìm hiểu tôi đã thu thập được một vài chứng cứ cho thấy các bác sĩ, y tá trong bệnh viện tỉnh Đ có hành vi cấu kết, tham ô, sử dụng vật tư y tế do bệnh viện cung cấp chữa trị cho bệnh nhân để bán ra bên ngoài kiếm lời.
Tuy nhiên, trong đơn tố cáo tôi không muốn tiết lộ danh tính vì sợ ảnh hưởng đến gia đình, cuộc sống của tôi sau này. Tôi muốn hỏi đơn tố cáo như vậy có được giải quyết hay không? Tôi xin cảm ơn! - T.V (NĐ).

Tố cáo nặc danh là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 thì tố cáo được hiểu là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo đó, tố cáo các hành vi vi phạm gồm:

- Hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

- Hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Khi tố cáo bằng đơn, cần lưu ý nguyên tắc sau (theo khoản 1 Điều 23 Luật Tố cáo 2018):

Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.

Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.

Về tố cáo nặc danh hiện nay không có quy định nào giải thích rõ về vấn đề nay, tuy nhiên từ quy định trên về tố cáo có thể hiểu tố cáo nặc danh là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Người tố cáo nặc danh sẽ không để lại các thông tin cá nhân như: Tên (hoặc có tên nhưng sử dụng tên giả).

Nói một cách dễ hiểu thì tố cáo nặc danh là việc không xác định được thông tin của người tố cáo.

don to giac toi pham nac danh
Đơn tố giác tội phạm nặc danh có được tiếp nhận, xử lý không?


Vậy, đơn tố cáo nặc danh có được chấp nhận không?

Như đã trình bày ở trên, đơn tố cáo yêu cầu phải có chữ ký và điểm chỉ của người tố cáo, do vậy nhiều người thắc mắc không biết liệu gửi đơn tố cáo nặc danh thì có được chấp nhận hay không.

Về vấn đề này, theo Điều 25 Luật Tố cáo 2018 thì việc tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo không rõ thông tin của người tố cáo như sau:

1. Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật này thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của Luật này.

Tuy nhiên, trường hợp thông tin tố cáo có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Như vậy, theo quy định này thì với những đơn tố cáo nặc danh có nội dung sau đây thì vẫn được tiếp nhận và xử lý:

- Có thông tin rõ ràng của người có hành vi vi phạm;

- Có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật;

- Có cơ sở để thẩm tra, xác minh,...

Lưu ý gì khi gửi đơn tố cáo nặc danh?

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý đơn nặc danh đó là nội dung, chứng cứ và tài liệu trong đơn.

Theo đó, khi viết đơn nặc danh bạn cần ghi rõ thông tin của người có hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt trong đơn phải có đầy đủ chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của người bị tố cáo thì mới có cơ sở để tiếp nhận và xử lý đơn.

Nếu không đáp ứng được những yêu cầu trên thì rất có thể đơn nặc danh bạn gửi đi sẽ không được tiếp nhận.

Trên đây là giải đáp về đơn tố giác tội phạm nặc danh. Nếu còn vướng mắc, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Gặp lừa đảo qua mạng: Tố cáo qua điện thoại được không?

Có thể bạn quan tâm

X