hieuluat
Chia sẻ email

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bao nhiêu? [Cập nhật 2023]

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2023 cũng giống với năm 2022, tuy nhiên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa của năm nay lại có sự thay đổi từ 01/7/2023 do tăng lương cơ sở.

Mục lục bài viết
  • Ai được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?
  • Nghỉ không lương có đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được không?
  • Tự đóng bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc được không?
  • Lao động tự do đóng BHXH tự nguyện được không?
  • Làm giúp việc gia đình có được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không?

Ai được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Dựa vào khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được định nghĩa là:

- Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên;

- Không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm:

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động (bao gồm: không xác định thời hạn; xác định thời hạn; hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc từ đủ 03 tháng - dưới 12 tháng; hợp đồng từ đủ 01 – dưới 03 tháng);

  • Cán bộ, công chức-viên chức;

  • Công nhân công tác trong tổ chức cơ yếu, quốc phòng, công nhân;

  • Sĩ quan, quân nhân thuộc lực lượng quân đội nhân dân hoặc công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân;

  • Hạ sĩ quan, bộ đội, công an phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an hoặc cơ yếu được hưởng sinh hoạt phí;

  • Người đi xuất khẩu lao động, làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng;

  • Người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã có nhận tiền lương hằng tháng;

  • Người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã.

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho các công dân không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm bắt buộc, giúp họ đảm bảo thu nhập, giảm bớt khó khăn khi về già và ổn định cuộc sống.

Nghỉ không lương có đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được không?

Thời gian người lao động nghỉ không lương sẽ không được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo nội dung Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, việc nghỉ không lương là sự thống nhất giữa người lao động và bên sử dụng lao động, cho phép người lao động được nghỉ phép với số ngày vượt quá quy định để giải quyết việc riêng và không nhận lương trong khoảng thời gian đó.

Về bản chất, giữa các bên vẫn còn tồn tại quan hệ lao động, sau khi hết thời gian nghỉ không lương thì người lao động sẽ quay trở lại làm việc. Đối chiếu với khoản 1, khoản 4 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động không được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho thời gian nghỉ không lương.

Tự đóng bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc được không?

Người lao động hoàn toàn có thể đóng bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc.

Căn cứ nội dung khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội ban hành năm 2014, người lao động ký hợp đồng từ 01 tháng trở lên sẽ là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Khi người lao động nghỉ việc, quan hệ lao động giữa người đó và đơn vị cũ đã hoàn toàn chấm dứt, do vậy trong thời gian không/chưa tìm được việc làm.

Lao động tự do đóng BHXH tự nguyện được không?

Dù chưa có quy định cụ thể, nhưng có thể hiểu lao động tự do (freelancer) là những người làm (nhiều) công việc trong thời gian ngắn, không ổn định và thường không bị ràng buộc bởi bất kỳ hợp đồng nào.

Từ đây, đối chiếu với khoản 4 và khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội ban hành năm 2014 có thể thấy: người lao động tự do (freelancer) không phải đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Họ hoàn toàn có thể tự đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho mình khi đủ từ 15 tuổi trở lên để hưởng các chế độ hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi.

Làm giúp việc gia đình có được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không?

Theo Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, người lao động giúp việc gia đình là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đồng thời theo khoản 4 Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định: Đến kỳ trả lương, người sử dụng lao động trả lương cùng một khoản tiền bằng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Như vậy, người giúp việc được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Số tiền đóng bảo hiểm là do người chủ thuê giúp việc sẽ chi trả kèm tiền lương để người đó tự đi tham gia các khoản bảo hiểm này.

Người trên 60 tuổi có đóng BHXH tự nguyện được không?

Người trên 60 tuổi có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu thuộc trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP và điểm g khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH.

Cụ thể, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu hằng tháng thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trường hợp người đó còn thiếu trên 10 năm đóng bảo hiểm xã hội, có thể tự đóng bảo hiểm tự nguyện.

Cho đến khi thời gian còn thiếu không quá 10 năm, người đó được đóng 01 lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bao nhiêu?

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Luật Bảo hiểm xã hội

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: bằng 22% mức thu nhập do người tham gia tự lựa chọn (khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Cụ thể hơn, theo hướng dẫn tại Điều 10 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của mỗi cá nhân được tính như sau:

Mdt = 22% x Mtnt

Trong đó:

- Mdt: Mức đóng bảo hiểm tự nguyện hằng tháng;

- Mtnt: là mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm tự nguyện lựa chọn (Mtnt = Mức chuẩn hộ nghèo = m x 50.000 đồng/tháng).

Ví dụ: Cô A đăng ký tham gia bảo hiểm tự nguyện với mức thu nhập tháng lựa chọn là 4,5 triệu đồng/tháng. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tháng 4/2023 của cô A sẽ là 990.000 đồng (22% x 4,5 triệu đồng).

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay được quy định ra sao?

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay được quy định ra sao?

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất là bao nhiêu?

Theo khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội ban hành 2014, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính bằng 22% mức thu nhập mà người tham gia loại bảo hiểm này lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng được dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu phải bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn.

Hiện nay, mức thu nhập tại khu vực nông thôn tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 là 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất là: 22% x 1,5 triệu đồng = 330.000 đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cụ thể:

- Thuộc hộ nghèo: tiền hỗ trợ là 99.000 đồng/tháng;

- Hộ cận nghèo: tiền hỗ trợ là 82.500 đồng/tháng;

- Đối tượng khác: tiền hỗ trợ là 33.000 đồng/tháng;

(Căn cứ: khoản 1 Điều 14 tại Nghị định 134/2015/NĐ-CP)

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu năm 2023

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu năm 2023

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa

Căn cứ nội dung khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, mức đóng bảo hiểm tự nguyện cao nhất sẽ được tính bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Theo Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP thì đây là mức tiền dùng làm căn cứ tính lương cán bộ, công chức-viên chức hoặc dùng để tính sinh hoạt phí, hoạt động phí…theo quy định pháp luật.

Trước ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. Nhưng từ mốc thời gian này trở đi, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh thành 1,8 triệu đồng/tháng.

Cho nên:

- Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa trước 01/7/2023 = 1, 49 triệu đồng x 20= 29,8 triệu đồng/tháng;

- Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa sau 01/7/2023 = 1,8 triệu đồng x 20= 36 triệu đồng/tháng.

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ gì?

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ có được hưởng những chế độ sau:

- Hằng tháng, được nhận lương hưu khi về già. Mức lương hưu sẽ được điều chỉnh theo chỉ số CPI – chỉ số giá tiêu dùng;

- Trong suốt thời gian hưởng lương hưu sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí;

- Người tham gia bảo hiểm tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí;

- Người tham gia được linh hoạt lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập thực tế;

- Khi không tiếp tục tham gia, nếu có yêu cầu, sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội;

- Khi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện qua đời thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng (bằng 10 lần mức lương cơ sở) và chế độ tuất.

Có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo phương thức nào?

Người tham gia được chọn linh hoạt 01 trong 06 phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (theo Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP)

- Đóng hằng tháng;

- Đóng 03 tháng một lần;

- Đóng 06 tháng một lần;

- Đóng 12 tháng một lần;

- Đóng 01 lần cho nhiều năm (thời gian đóng tối đa/lần: 5 năm/lần);

- Đóng 01 lần cho những năm còn thiếu khi người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi để lĩnh lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì lương hưu được nhận bao nhiêu?

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức hưởng lương hưu hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện, được tính như sau:

Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu (1) x Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (2)

Trong đó:

(1) - Tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam và nữ được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 134/2015 như sau:

Với lao động nữ

- 15 năm đóng bảo hiểm xã hội: tỷ lệ hưởng lương hưu là 45%;

- Sau đó, cứ mỗi năm đóng BHXH sẽ tính thêm 2% vào tỷ lệ hưởng lương hưu;

- Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của lao động nữ: 75%.

Với lao động nam

- 20 năm đóng bảo hiểm xã hội: tỷ lệ hưởng lương hưu là 45%;

- Sau đó, cứ mỗi năm đóng BHXH sẽ tính thêm 2% vào tỷ lệ hưởng lương hưu;

- Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của lao động nam: 75%.

(2) – Theo Điều 4 Nghị định 134/2015, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội trên toàn bộ thời gian đóng.

Trong đó, thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội được dùng làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội sẽ điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm do Tổng cục Thống kê công bố.

*Lưu ý: Trước khi tính khoản lương hưu được nhận, cá nhân đang trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cần đáp ứng được những điều kiện nêu tại Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ Luật lao động 2019, cụ thể như sau:

- Cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đủ tuổi hưu nêu tại khoản 2 Điều 169 Bộ Luật lao động 2019;

- Tích lũy đủ từ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

(Nếu người lao động đã đủ điều kiện về tuổi hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa tròn 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để nhận lương hưu).

Dưới đây là bảng tính tuổi nghỉ hưu năm 2023:

Lao động nam

Lao động nữ

Tháng/năm sinh

Tuổi

nghỉ hưu

Thời điểm hưởng lương hưu

Tháng/năm sinh

Tuổi nghỉ hưu

Thời điểm hưởng lương hưu

7/1962

60 tuổi

9 tháng

5/2023

5/1967

56 tuổi

6/2023

8/1962

6/2023

6/1967

7/2023

9/1962

7/2023

7/1967

8/2023

10/1962

8/2023

8/1967

9/2023

11/1962

9/2023

9/1967

10/2023

12/1962

10/2023

10/1967

11/2023

01/1963

11/2023

11/1967

12/2023

02/1963

12/2023

12/1967

01/2024

Ví dụ: Tính đến tháng 06/2023, bà X đủ tuổi về hưu theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 (đủ 56 tuổi). Bà tham gia bảo hiểm tự nguyện với mức đóng bình quân là 3,5 triệu đồng/tháng, tính đến thời điểm đủ tuổi về hưu là 25 năm.

- 19 năm đầu tham gia sẽ được hưởng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

- Từ năm thứ 20 đến năm thứ 25 là 06 năm, do đó tỷ lệ hưởng lương hưu trong khoảng thời gian này là: 6 x 2% = 12%

Suy ra, tổng tỷ lệ hưởng lương hưu của bà X là 57%.

Với mức đóng bảo hiểm tự nguyện là 3,5 triệu đồng/tháng thì mức hưởng lương hưu của bà X là:

Như vậy, mức hưởng lương hưu của bà X là: 57% x 3,5 triệu đồng = 1,995 triệu đồng/tháng.

Trên đây là các thông tin về vấn đề mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định hiện hành. Nếu còn băn khoăn thắc mắc, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006192 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X