hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 26/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tôi có thể đóng bảo hiểm y tế online bằng những cách nào?

Ngoài đến trực tiếp cơ quan hoặc đại lý bảo hiểm thì người dân có thể đóng bảo hiểm y tế online. Vậy ai có thể đăng ký bảo hiểm y tế trực tuyến? Thực hiện bằng những cách nào?  

Mục lục bài viết
  • Ai có thể đóng bảo hiểm y tế online?
  • Có thể đóng bảo hiểm y tế online bằng cách nào?
  • Đóng bảo hiểm y tế online qua Cổng Dịch vụ công quốc gia
  • Đóng bảo hiểm y tế online qua ngân hàng
  • Giải đáp một số thắc mắc khi đóng bảo hiểm y tế online

Ai có thể đóng bảo hiểm y tế online?

Theo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014, mọi công dân được khuyến khích tham gia bảo hiểm y tế. Việc đóng bảo hiểm y tế có thể là trực tiếp hoặc online.

Theo Điều 2 Quy trình đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế trên Cổng Dịch vụ công ban hành kèm theo Quyết định 3510/QĐ-BHXH 2022 và Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 50/QĐ-BHXH năm 2023, những đối tượng dưới đây sẽ được đăng ký đóng bảo hiểm y tế online:

- Người thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng:

  • Người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nghèo đa chiều;
  • Người thuộc hộ gia đình làm nông-lâm-ngư-diêm nghiệp có mức sống trung bình.

- Công dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định 146/2018, cụ thể:

Điều 4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng

[…]

2. Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định này.

3. Học sinh, sinh viên.

Điều 5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

1. Người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này.

2. Những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này và đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Các đối tượng sau đây được tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình:

a) Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;

b) Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.

Việc thực hiện đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng trên bao gồm:

- Đăng ký bảo hiểm y tế lần đầu;

- Gia hạn bảo hiểm y tế;

- Thay đổi đối tượng tham gia sang nhóm được hỗ trợ mức đóng từ ngân sách nhà nước hoặc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Ai được đóng bảo hiểm y tế online?
Ai được đóng bảo hiểm y tế online?

Có thể đóng bảo hiểm y tế online bằng cách nào?

Hiện nay, ngoài việc mua bảo hiểm y tế trực tiếp tại các đại lý thu bảo hiểm xã hội hoặc tại cơ quan bảo hiểm xã hội cấp xã (xã, phường hoặc thị trấn) thì các cá nhân có thể thực hiện đóng bảo hiểm y tế tự nguyện bằng hình thức trực tuyến.

Dưới đây là một số cách thức đóng bảo hiểm y tế online được áp dụng phổ biến hiện nay:

Đóng bảo hiểm y tế online qua Cổng Dịch vụ công quốc gia

Chuẩn bị hồ sơ

Theo Điều 24 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì cá nhân đóng bảo hiểm y tế online cần chuẩn bị 01 bản Tờ khai TK1-TS về việc tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm y tế.

Kể từ ngày 01/4/2023, mẫu tờ khai TK1-TS được áp dụng theo Quyết định 490/QĐ-BHXH. Ngoài việc điền vào tờ khai thì người thực hiện thủ tục cần điền Phụ lục thành viên hộ gia đình nếu là người tham gia tra cứu không thấy mã số BHXH; người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình để giảm trừ mức đóng.

Quy trình đăng ký bảo hiểm y tế online

Theo Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 50/QĐ-BHXH 2023, việc đóng bảo hiểm y tế online qua Cổng Dịch vụ công được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1. Đăng nhập Cổng Dịch vụ công quốc gia (địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn);

Bước 2. Đăng ký tài khoản (trường hợp đã có tài khoản thì có thể bỏ qua bước này);

Bước 3. Kê khai thông tin, lựa chọn phương thức nhận thẻ bảo hiểm y tế và scan nộp tờ khai tham gia bảo hiểm y tế đã điền đầy đủ thông tin lên Cổng dịch vụ công.

Bước 4. Hệ thống tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin đã kê khai

Bước 5. Thanh toán tiền bảo hiểm online, nhận giấy tờ sau:

- Biên lai thu tiền online;

- Thông báo thời hạn trả thẻ bảo hiểm y tế hoặc Thông báo gia hạn thẻ bảo hiểm y tế (sau khi giao dịch chuyển tiền thành công).

Bước 6. Nhận thẻ bảo hiểm y tế online hoặc bản giấy (phụ thuộc vào phương thức đã đăng ký).

*Lưu ý: Khi tiếp nhận thông tin của người thực hiện thủ tục, phần mềm sẽ tiến hành đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác định đối tượng đăng ký. Do vậy người thực hiện thủ tục phải kê khai đúng thông tin để tránh mất thời gian.

Người lao động đăng ký bảo hiểm y tế online qua Cổng dịch vụ công quốc gia
Người lao động đăng ký bảo hiểm y tế online qua Cổng dịch vụ công quốc gia

Đóng bảo hiểm y tế online qua ngân hàng

Một số ngân hàng tại Việt Nam hiện nay có liên kết với cơ quan bảo hiểm xã hội triển khai dịch vụ đóng bảo hiểm y tế online (gia hạn), cụ thể như sau:

Đóng bảo hiểm y tế online qua ngân hàng VCB

Bước 1. Tải ứng dụng VCB Digibank

Bước 2. Đăng ký tài khoản

(Nếu đã có sẵn ứng dụng và tài khoản thì có thể bỏ qua 02 bước trên)

Bước 3. Đăng nhập VCB Digibank;

Bước 4. Click chọn “Ngân sách nhà nước” rồi chọn phần “Bảo hiểm xã hội”;

Bước 5. Đóng tiền bảo hiểm y tế tương ứng với thời gian có sẵn trên VCB Digibank

- Người đóng chọn “Thông tin địa phương” rồi ấn chọn “Nộp cho khách hàng cá nhân”.

- Ấn vào nội dung “Gia hạn thẻ BHYT” và nhập thông tin;

- Lựa chọn thời gian gia hạn mong muốn.

Bước 6. Xác nhận thông tin

Lúc này, một cửa sổ ghi nhận toàn bộ thông tin của người đóng hiện ra. Trước khi chuyển sang bước kế tiếp, người thực hiện cần kiểm tra kĩ và tiến hành sửa nếu có sai sót.

Bước 7. Nhập mã OTP và hoàn tất giao dịch.

Sau khi xong, màn hình ứng dụng của ngân hàng VCB sẽ hiện ra phần thông báo giao dịch thành công. Bạn có thể chụp, lưu lại hình ảnh thông báo đó và kiểm tra hiệu lực của thẻ bảo hiểm y tế.

Đóng bảo hiểm y tế qua ứng dụng ngân hàng MB (MB Bank)

Bước 1. Download ứng dụng MB Bank về điện thoại di động;

Bước 2. Đăng ký tài khoản MB Bank (nếu sử dụng lần đầu) hoặc tìm lại mật khẩu (trong trường hợp đã có tài khoản nhưng quên mật khẩu);

Bước 3. Đăng nhập ứng dụng;

Bước 4. Tìm kiếm chức năng Thanh toán, chọn Bảo hiểm xã hội;

Bước 5. Chọn Tab Gia hạn thẻ BHYT ở bên phải màn hình.

- Tiến hành nhập số thẻ bảo hiểm y tế;

- Lựa chọn số tháng gia hạn phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân: 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.

- Ấn Tiếp tục.

Bước 6. Kiểm tra thông tin

Toàn bộ thông tin có liên quan đến việc đóng bảo hiểm y tế sẽ hiện ra ở bước này (mã đơn vị, số sổ bảo hiểm xã hội, thời gian gia hạn, số tiền phải đóng…).

Nếu mọi thông tin đã chuẩn, bấm nút Tiếp theo và Xác nhận để sang Bước 7.

Bước 7. Nhập mã PIN

Nhập mã PIN để lấy mã OTP do ngân hàng gửi đến để kết thúc giao dịch.

Đóng bảo hiểm y tế BIDV SmartBanking

Cách đóng tiền bảo hiểm y tế qua app BIDV cũng tương tự như những ứng dụng ngân hàng khác, người thực hiện tiến hành theo quy trình sau:

Bước 1. Tải ứng dụng BIDV SmartBanking về smartphone

Bước 2. Đăng ký tài khoản (cho lần đầu sử dụng app)

(Người thực hiện bỏ qua 02 bước này nếu đã có sẵn app và tài khoản truy cập).

Bước 3. Đăng nhập BIDV Smart Banking trên điện thoại

Bước 4. Thực hiện quá trình thanh toán

- Chọn mục Thanh toán;

- Tìm và ấn chọn phần “Bảo hiểm xã hội cho cá nhân”;

- Chọn bên cung cấp: Cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam);

- Tiến hành lựa chọn thời gian gia hạn theo mong muốn: 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng.

- Nhập mã thẻ bảo hiểm y tế;

- Kiểm tra lại thông tin rồi ấn vào nút “Tiếp tục”.

Bước 5. Nhập mã PIN Smart OTP

Khi cửa sổ thông tin nộp bảo hiểm y tế hiện ra (hiển thị một số thông tin như: số thẻ bảo hiểm, số tiền, thời gian gia hạn…) thì nhập mã Smart OTP, sau đó ấn Tiếp tục.

Bước 6. Xác nhận gia hạn thành công

Sau khi gia hạn thành công, cửa sổ thông báo của ứng dụng sẽ hiện ra. Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng sẽ gửi tin nhắn qua điện thoại xác nhận thời gian gia hạn khi làm thủ tục đóng bảo hiểm y tế tự nguyện online qua app BIDV Smartbanking.

Thực hiện mua bảo hiểm y tế online qua app ngân hàng BIDV
Thực hiện mua bảo hiểm y tế online qua app ngân hàng BIDV

Giải đáp một số thắc mắc khi đóng bảo hiểm y tế online

Có thể đóng bảo hiểm y tế online cho học sinh, sinh viên không?

Theo Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 50/QĐ-BHXH năm 2023 và Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có thể đóng bảo hiểm online tại Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đóng bảo hiểm y tế online theo hộ gia đình thế nào cho chuẩn?

Đối với hộ gia đình, có thể đóng bảo hiểm y tế online qua Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn).

Sau khi đăng ký tài khoản thành công, người thực hiện thủ tục (ví dụ: chủ hộ) kê khai thông tin và scan nộp mẫu TK1-TS tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm y tế (ghi đầy đủ thông tin và có chữ ký) lên hệ thống.

Có thể đăng ký bảo hiểm y tế online cho con ở đâu? Bằng cách nào?

Hiện nay, các vị phụ huynh có thể đăng ký bảo hiểm y tế cho con mình theo hình thức hộ gia đình qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Sau khi đăng ký bảo hiểm y tế online thành công, bố mẹ có thể tham khảo cách đăng ký VssID cho con để tạo tài khoản tra cứu thông tin bảo hiểm y tế, hạn chế tối đa tình trạng con làm mất thẻ bảo hiểm y tế giấy…

Mức đóng bảo hiểm y tế online 2023 là bao nhiêu?

Theo Điều 2, 3 và 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, có 03 nhóm đối tượng được tham gia bảo hiểm y tế miễn phí là: Nhóm được cơ quan bảo hiểm xã hội đóng; Nhóm tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước chi trả và nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.

Theo Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH và Quyết định 505/QĐ-BHXH, những người không thuộc nhóm đối tượng này thì phải đóng bảo hiểm y tế online theo các mức như sau:

(1) - Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng:

+ Người làm việc theo hợp đồng lao động; người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có tiền lương hằng tháng; cán bộ, công chức – viên chức:

  • Người lao động: mức đóng bằng 1,5% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;
  • Người sử dụng lao động: mức đóng bằng 3% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;

+ Đối tượng do người lao động hoặc công an tại đơn vị, địa phương đóng bảo hiểm y tế (công dân được tạm tuyển vào ngành công an; công nhân Công an; người làm việc theo hợp đồng từ đủ 3 tháng trở lên):

  • Người lao động: 1,5% tiền lương tháng theo ngạch, bậc kèm các khoản phụ cấp;
  • Công an tại đơn vị, địa phương: 3% tiền lương tháng theo ngạch, bậc kèm các khoản phụ cấp;

+ Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã:

  • Người lao động: 1,5% mức lương cơ sở;
  • UBND cấp xã: 3% mức lương cơ sở.

(2) - Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng:

+ Người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nghèo mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ:

Mức đóng bảo hiểm y tế tối đa = 30% x 4,5% x Mức lương cơ sở

+ Học sinh, sinh viên các trường công lập, kể cả sinh viên hệ dân sự đang học tại các trường Công an nhân dân và những người thuộc hộ gia đình nông – lâm – ngư – diêm nghiệp có mức sống trung bình:

Mức đóng bảo hiểm y tế tối đa = 70% x 4,5% x Mức lương cơ sở

(3) - Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình:

- Người thứ nhất: Mức đóng bảo hiểm y tế = 4,5% x mức lương cơ sở;

- Người thứ hai: bằng 70% mức đóng của người thứ nhất;

- Người thứ ba: bằng 60% mức đóng của người thứ nhất;

- Người thứ tư: bằng 50% mức đóng của người thứ nhất;

- Người thứ năm trở đi: bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Trong đó, mức lương cơ sở áp dụng trước thời điểm 1/7/2023 là 1,49 triệu đồng/tháng và từ 1/7/2023 trở đi thì mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng.

Không đóng bảo hiểm y tế có sao không?

Bảo hiểm y tế gồm 02 loại là bảo hiểm y tế tự nguyện và bảo hiểm y tế bắt buộc. Nếu những người thuộc nhóm đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế mà không trích đóng theo quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 80 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Đối với cá nhân

Khi cá nhân không đóng bảo hiểm y tế, cơ quan có thẩm quyền sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng (Căn cứ: Khoản 1 Điều 80 nói trên).

Đối với tổ chức, doanh nghiệp (bên sử dụng lao động) vi phạm

- Không đóng bảo hiểm y tế cho người lao động, mức phạt sẽ được áp dụng theo khoản 2 Điều 80 nói trên, cụ thể:

  • Vi phạm dưới 10 người: phạt từ 1 – 3 triệu đồng;
  • Vi phạm từ 10 - 49 người: phạt từ 3 – 5 triệu đồng;
  • Vi phạm từ 50 - 99 người: phạt từ 5 – 10 triệu đồng;
  • Vi phạm từ 100 - 499 người: phạt từ 10 – 20 triệu đồng;
  • Vi phạm từ 500 - 999 người: phạt từ 20 – 30 triệu đồng;
  • Vi phạm từ 1000 người trở lên: phạt từ 30 – 40 triệu đồng.

- Ngoài ra, khi đóng bảo hiểm y tế không đủ số người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, chậm hoặc trốn đóng thì doanh nghiệp, tổ chức buộc hoàn trả tiền hoặc nộp vào ngân sách nhà nước nếu không hoàn trả được. Bên cạnh đó, tổ chức, doanh nghiệp (bên sử dụng lao động) còn phải nộp số lợi bất hợp pháp cho quỹ bảo hiểm y tế.

Trên đây là một số nội dung liên quan đến việc đóng bảo hiểm y tế online. Nếu còn câu hỏi cần hỗ trợ, xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được tư vấn tiếp.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Văn bản liên quan

Có thể bạn quan tâm

X