hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 25/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đưa vàng cưới cho bố mẹ chồng mua đất, ly hôn có được chia?

Đưa vàng cưới cho bố mẹ chồng mua đất, khi ly hôn vợ có được quyền yêu cầu chia không? Nếu đất có sổ đỏ mang tên bố mẹ chồng thì có đòi lại được không?

Câu hỏi: Kính chào Luật sư, anh rể, chị gái tôi kết hôn được khoảng hơn 10 năm.

Trong thời gian hôn nhân, anh rể tôi thường xuyên có hành vi xúc phạm chị gái tôi, không quan tâm, tôn trọng vợ con, gia đình nhà vợ.

Chị gái tôi không thể chịu đựng được thêm nên quyết định ly hôn.

Vấn đề là số vàng cưới mà lúc kết hôn anh chị tôi có được đều đã đưa bố mẹ chồng để mua đất.

Tại thời điểm đó, để tránh điều tiếng, cũng là vì tin tưởng nên anh chị tôi đã quyết định nhờ bố mẹ chồng mua đất hộ.

Xin hỏi, nếu ly hôn, chị gái tôi có quyền yêu cầu chia tài sản là mảnh đất đó không?

Nếu đất đã đứng tên của bố mẹ chồng của chị gái tôi thì liệu rằng có đòi lại được không?

Chào bạn với những vướng mắc xoay quanh vấn đề đưa vàng cưới cho bố mẹ chồng mua đất, ly hôn có được yêu cầu chia không, chia như thế nào, được chúng tôi giải đáp như dưới đây:

Đưa vàng cưới cho bố mẹ chồng mua đất, ly hôn có được chia không?

Trước hết, theo thông tin bạn cung cấp, nguồn gốc của vàng mà bố mẹ chồng mua đất/nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là được nhận tặng cho vào thời điểm kết hôn.

Số vàng này được tặng cho chung đối với cả hai vợ chồng.

Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung là tài sản chung của vợ chồng, hay, vàng cưới của anh chị bạn là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Tại đây, phát sinh 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Anh chị bạn nhờ bố mẹ chồng dùng vàng của mình để mua đất

  • Lúc này, tài sản là vàng không được chuyển giao quyền sở hữu từ anh chị bạn sang bố mẹ chồng, mà bố mẹ chồng chỉ đang đại diện anh chị bạn thực hiện giao dịch mua bán đất, do vậy, đất đai phải thuộc quyền sử dụng của anh chị bạn;

  • Điều này có nghĩa rằng, chị gái bạn có quyền yêu cầu chia tài sản là đất mà do bố mẹ chồng mua hộ từ vàng cưới của anh rể, chị gái bạn;

  • Theo Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình, chị gái bạn được nhận ½ phần tài sản chung là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất (nếu có) do bố mẹ chồng mua hộ này;

Trường hợp 2: Anh chị bạn tặng cho/bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác có giá trị tương đương cho bố mẹ chồng số vàng mình có để ông bà mua đất

  • Nếu thuộc trường hợp này, số vàng cưới của anh chị bạn đã được chuyển giao quyền sở hữu sang cho bố mẹ chồng;

  • Quyền sở hữu đối với số vàng của anh chị bạn cũng chấm dứt kể từ thời điểm tặng cho theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015;

  • Nói cách khác, đất đai được bố mẹ chồng của chị gái bạn mua sau khi nhận tặng cho số vàng cưới nêu trên là tài sản của bố mẹ chồng của chị gái bạn;

  • Đồng nghĩa rằng, khi ly hôn, chị gái bạn không được quyền yêu cầu chia tài sản đất đai bố mẹ chồng mua từ số vàng cưới của anh chị bạn;

Đưa vàng cưới cho bố mẹ chồng mua đất, ly hôn được chia tài sản này không?Đưa vàng cưới cho bố mẹ chồng mua đất, ly hôn được chia tài sản này không?

Như vậy, đưa vàng cưới cho bố mẹ chồng mua đất, khi ly hôn vẫn được chia tài sản nếu không tặng cho/bán,.. cho bố mẹ chồng vàng cưới.

Ngược lại, nếu anh chị bạn tặng cho, bán… cho bố mẹ chồng và họ sử dụng số vàng này mua đất thì đây không là tài sản của chị gái bạn, do vậy, không được chia khi ly hôn.

Sổ đỏ đứng tên bố mẹ chồng, có đòi lại được không?

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, nếu số vàng cưới được tặng cho/bán… cho bố mẹ chồng của chị gái bạn thì chị gái bạn không thể đòi lại được.

Trường hợp anh chị bạn đưa vàng cưới nhờ bố mẹ chồng mua đất, nhưng ra sổ lại đứng tên bố mẹ chồng của chị gái bạn thì có căn cứ để đòi lại (trường hợp 1 như chúng tôi nêu trên).

Để đòi lại đất thì vấn đề được đặt ra đối với chị gái bạn là:

  • Có chứng minh được việc đưa vàng cưới cho bố mẹ chồng mua đất là sự nhờ vả/ủy quyền hay không, và chứng minh được đến mức độ nào;

  • Trình tự, thủ tục thực hiện việc kiện đòi, thương lượng để đòi... có đúng, phù hợp hay không;

Cụ thể, về bản chất, số tiền dùng để mua đất là tài sản chung của anh chị bạn, bố mẹ chồng là người được nhận ủy quyền/đại diện cho anh chị bạn tham gia giao dịch ký kết mua bán, sang tên sổ đỏ.

Anh chị bạn cùng quyết định sử dụng số vàng này để mua đất, do vậy, căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình, Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015, đây là tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân và phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp chung của anh chị bạn.

Nói cách khác, giấy chứng nhận/sổ hồng phải được ghi nhận tên của hai vợ chồng anh chị bạn.

Nếu sổ hồng/giấy chứng nhận ghi tên của bố mẹ chồng thì chị gái bạn có thể thực hiện:

Cách 1: Thương lượng, đàm phán để thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định

  • Cách này có thể tiết kiệm công sức nhưng đảm bảo chặt chẽ về tính pháp lý;

Cách 2: Yêu cầu tòa án giải quyết

  • Nếu không thể thương lượng, chị gái bạn có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân đang thụ lý, giải quyết ly hôn xử lý yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng mua bán đất, từ đó xác nhận sổ đỏ không có hiệu lực;

  • Để thực hiện, chị gái bạn cần phải chứng minh đã có sự kiện gửi số vàng cưới của vợ chồng để nhờ bố mẹ chồng mua đất;

Cách đòi lại nhà đất đứng tên bố mẹ chồngCách đòi lại nhà đất đứng tên bố mẹ chồng

Cách 3: Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi giấy chứng nhận đã do cấp không đúng đối tượng

  • Căn cứ Điều 106 Luật Đất đai 2013, nếu người sử dụng đất phát hiện ra sổ đỏ cấp không đúng đối tượng thì có quyền đề nghị, yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (đơn vị cấp sổ) thu hồi lại giấy chứng nhận đã cấp;

  • Căn cứ được sử dụng để đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi sổ đỏ là tài liệu, chứng cứ… chứng minh số tiền mua đất là của anh chị bạn, việc mua đất mà bố mẹ chồng của chị gái bạn thực hiện là do được ủy quyền từ họ;

Như vậy, đưa vàng cưới cho bố mẹ chồng mua đất mà sổ đỏ đứng tên bố mẹ chồng chỉ có căn cứ để đòi lại khi việc đứng tên trên sổ không phải là nguyện vọng của vợ chồng anh chị bạn.

Nói cách khác, việc có đòi lại được đất hay không phụ thuộc vào tài liệu, chứng cứ chứng minh việc mua bán đất, thực hiện sang tên sổ đỏ là tên của bố mẹ chồng là do nhận ủy quyền từ anh chị bạn có đầy đủ hay không.

Các cách cụ thể được chúng tôi trình bày ở trên.

Trên đây là giải đáp của chúng tôi về đưa vàng cưới cho bố mẹ chồng mua đất, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X