Căn cước có thay được thẻ bảo hiểm y tế không? Khám bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân thế nào tiện nhất? là điều được nhiều người dân quan tâm khi cần khám, chữa bệnh.
Căn cước công dân có thay thế thẻ bảo hiểm y tế không?
Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 06/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, đề án này sẽ từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm: thẻ bảo hiểm y tế, bằng lái xe…
Không lâu sau đó, ngày 28/02/2022 Bộ Y tế đã có Công văn 931/BYT-BH yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thông báo và triển khai tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip thông qua ứng dụng VNeID.
Như vậy, người dân có căn cước công dân có thể dùng để đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ bảo hiểm y tế.
*Lưu ý: Chỉ áp dụng cho người đã có thẻ căn cước gắn chip.
Giờ đây, người dân có thể khám bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân
Khám bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân thế nào tiện nhất?
Trên thực tế, việc quên mã thẻ bảo hiểm y tế, mất thẻ bảo hiểm y tế…diễn ra rất phổ biến; do vậy với Quyết định 06/QĐ-TTg ban hành ngày 06/01/2022 thì người dân có căn cước gắn chip vẫn có thể được bảo vệ quyền lợi trong phạm vi mức hưởng khi đi khám, chữa bệnh, đi cấp cứu….
Để thuận tiện nhất trong quá trình khám bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân (ngay cả khi quên, mất thẻ bảo hiểm...) thì người dân cần chuẩn bị và tiến hành theo quy trình sau:
Bước 1. Cấp, cấp đổi căn cước gắn chip
(Bước này chỉ áp dụng cho công dân chưa có căn cước gắn chip)
Theo Điều 21, Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 và Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP thì những người phải làm CCCD gắn chip là công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi hoặc đủ 60 tuổi đang dùng chứng minh nhân dân hoặc căn cước không gắn chip.
Điều 10 Thông tư 59/2021/TT-BCA đã chỉ rõ, công dân nào đáp ứng các điều kiện nêu trên mà chưa có căn cước gắn chip thì có thể trực tiếp đến cơ quan Công an nơi thường trú, tạm trú để tiến hành cấp, cấp đổi.
Ngoài ra, công dân còn có thể làm CCCD gắn chip online bằng cách kê khai thông tin tại Cổng Dịch vụ công – Bộ Công An, hẹn lịch đến chụp ảnh và lấy vân tay.
Bước 2. Tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước gắn chip
Người dân có thể tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước gắn chip bằng cách cung cấp thông tin cần thiết, cập nhật trên một trong hai ứng dụng là VssID và VNeID trước khi đến khám, chữa bệnh (Quy trình chi tiết sẽ trình bày ở phía dưới).
*Lưu ý: Công dân cần có tài khoản và mật khẩu hợp lệ của ứng dụng VssID hoặc VNeID do cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện bước này.
Bước 3. Xuất trình căn cước khi đi khám, chữa bệnh
Khi mang căn cước đi khám, chữa bệnh, cán bộ y tế sẽ thông qua mã QR (góc phải trên cùng của thẻ căn cước) để quét thông tin tham gia bảo hiểm y tế của mỗi công dân và làm thủ tục.
Cách tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân online?
Hiện nay, người dân có thể tích hợp bảo hiểm y tế vào căn cước gắn chip của mình thông qua VssID hoặc VNeID. Cụ thể như sau:
Tích hợp qua VssID
*Trường hợp chưa có tài khoản VssID
Bước 1. Tải ứng dụng VssID về điện thoại và đăng nhập
(Nếu chưa có tài khoản VssID thì phải đăng ký và lấy mật khẩu tại cơ quan bảo hiểm xã hội gần nhất)
Bước 2. Kê khai thông tin
- Kê khai thông tin cá nhân, lưu ý điền số CCCD, số điện thoại và địa chỉ email để nhận mã OTP xác thực. Gửi tờ khai đăng ký trên ứng dụng.
- Trường hợp đã có tài khoản VssID nhưng đang dùng chứng minh nhân dân, CCCD cũ: cập nhật thông tin trên CCCD gắn chip
Bước 3. In và nộp Tờ khai đăng ký, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội gần nhất.
Sau khi cán bộ bảo hiểm xã hội phê duyệt thành công thì thẻ bảo hiểm y tế sẽ tự động tích hợp vào căn cước gắn chip. Người dân có thể đến bệnh viện xuất trình và thăm khám như bình thường.
Sau khi tích hợp người dân có thể sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm trên VssID để khám bệnh (Ảnh minh họa)
*Trường hợp đã có tài khoản VssID và chưa cập nhật thông tin theo căn cước mới
Trường hợp đã có tài khoản đăng nhập VssID nhưng vẫn đang dùng giấy tờ tùy thân cũ thì cần cập nhật lại theo quy trình sau:
Bước 1. Truy cập Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội theo địa chỉ: http://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn.
Bước 2. Đăng nhập
Bước 3. Bổ sung, cập nhật thông tin căn cước gắn chip mới;
Bước 4. In Tờ khai, ký tên rồi mang đến cơ quan bảo hiểm để được phê duyệt điều chỉnh
Sau khi hồ sơ được phê duyệt, dữ liệu về bảo hiểm y tế của công dân sẽ được tự động tích hợp vào căn cước gắn chip.
Tích hợp qua VNeID
Bước 1. Tải VNeID về điện thoại và đăng nhập
(Nếu chưa có tài khoản, phải đăng ký và đề nghị cấp mật khẩu tại cơ quan có thẩm quyền để có tài khoản định danh điện tử mức 2)
Bước 2. Đăng nhập VNeID;
Bước 3. Ấn chọn “Ví giấy tờ”;
Bước 4. Chọn mục “Tích hợp thông tin” và “Tạo mới yêu cầu”;
Bước 5. Chọn mục “Thẻ bảo hiểm y tế” và nhập 10 ký tự trên mã thẻ bảo hiểm y tế rồi ấn Gửi yêu cầu;
Bước 6. Kiểm tra lại thông tin đã tích hợp.
Quay lại phần Tích hợp thông tin sẽ thấy yêu cầu tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vừa gửi ở trạng thái "Đang kiểm tra".
Khi trạng thái yêu cầu chuyển thành Đã phê duyệt (sau khoảng 24 giờ), việc tích hợp đã thành công và có thể trích xuất thông tin khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Như vậy, nếu thực hiện theo hướng dẫn trên thì người có thẻ bảo hiểm y tế có thể khám, chữa bệnh và hưởng quyền lợi y tế ngay cả khi quên, mất thẻ bảo hiểm.
Hieuluat vừa thông tin về việc khám bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ với tổng đài 19006192 của chúng tôi để được hỗ trợ.