hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 14/06/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Dừng đèn đỏ sử dụng điện thoại có bị phạt không?

Pháp luật về an toàn giao thông đường bộ nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Vậy trường hợp dừng đèn đỏ sử dụng điện thoại có bị phạt không? Đây là thắc mắc của rất nhiều người.

Câu hỏi: Chào Luật sư! Trong thời gian dừng xe chờ đèn đỏ, tôi thường sử dụng điện thoại di động, tôi không biết việc làm này có vi phạm pháp luật hay không? Nhờ Luật sư cho biết nếu dừng đèn đỏ sử dụng điện thoại thì có bị phạt không?

Dừng đèn đỏ sử dụng điện thoại có bị phạt không?

Theo Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.

Như vậy, dừng đèn đỏ không phải là trạng thái dừng xe theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, việc dừng xe đèn đỏ vẫn được coi là đang tham gia giao thông vì người điều khiển đang ở trong trạng thái tuân thủ đèn tín hiệu khi tham gia giao thông để tiếp tục sẵn sàng lưu thông khi đèn xanh bật.

Tại Khoản 3 Điều 30 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển phương tiện giao thông không được sử dụng điện thoại di động. Do đó, việc sử dụng điện thoại khi dừng đèn đỏ (đang tham gia giao thông) là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt.

Theo quy định tại điểm h Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm g Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì hành vi sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe máy  hoặc các loại xe tương tự xe máy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Đối với xe ô tô, hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo điểm a Khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm d Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Dừng đèn đỏ sử dụng điện thoại có bị phạt không?

Dừng đèn đỏ sử dụng điện thoại có bị phạt không?

Có được nghe điện thoại khi đang lái xe máy không?

Nghe điện thoại khi đang lái xe máy cũng được xem là hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông và bị cấm theo Khoản 3 Điều 30 Luật giao thông đường bộ 2008.

Lưu ý rằng, việc sử dụng tai nghe để nghe điện thoại khi đang lái xe máy cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, Khoản 3 Điều 30 Luật giao thông đường bộ 2008 cấm sử dụng thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) khi đang lái xe máy.

Hành vi sử dụng tai nghe để nghe điện thoại khi điều khiển xe máy sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo điểm h Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm g Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Có được nghe điện thoại khi đang lái xe máy không?

Có được nghe điện thoại khi đang lái xe máy không?

Trường hợp sử dụng điện thoại khi lái xe bị xử lý hình sự

Hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe có thể bị xử lý hình sự về “Tội Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ” nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017:

Trường hợp 1. Bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu:

- Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Trường hợp 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

- Không có giấy phép lái xe theo quy định;

- Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

- Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

- Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

- Làm chết 02 người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Trường hợp 3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

- Làm chết 03 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Trên đây là nội dung tư vấn về dừng đèn đỏ sử dụng điện thoại.

Nếu cần giải đáp về các quy định của pháp luật, hãy gọi ngay các chuyên viên pháp lý theo số  19006192 để được hỗ trợ

Có thể bạn quan tâm

X