Nhiều trường hợp chỉ dựng nhà tạm, dựng nhà tôn để sử dụng trong thời gian ngắn. Dựng nhà tôn khá phổ biến vì dễ dàng lắp đặt lại tiết kiệm chi phí. Vậy dựng nhà tôn có phải xin giấy phép xây dựng không?
Dựng nhà tôn có phải xin giấy phép xây dựng?
Chào bạn, tôn là loại vật liệu đơn giản, gọn nhẹ thường được sử dụng để làm nhà tạm vì tính tiện lợi, tốn ít chi phí, dễ dàng di chuyển giữa các công trình.
Việc dựng nhà tạm bằng tôn khá phổ biến, do đó nhiều người cũng có chung câu hỏi như bạn: liệu việc dựng nhà tôn có phải xin giấy phép xây dựng hay không? Để giải đáp cho vấn đề này, mời bạn theo dõi nội dung HieuLuat nêu sau đây:
Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật xây dựng 2020 quy định các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng như sau:
Điều 89. Quy định chung về cấp giấy phép xây dựng
2. Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:
…
c) Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật này.
Điều 131 Luật xây dựng sửa đổi 2020, định nghĩa công trình tạm là công trình được xây dựng có thời hạn phục vụ các mục đích:
- Dùng trong thời gian thi công xây dựng công trình chính
- Dùng trong tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian quy định
Đối với công trình sử dụng để tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác phải được Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình tạm.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cùng với nhà thầu xây dựng sẽ tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và thực hiện xây dựng công trình tạm.
Nếu công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, thiết kế xây dựng công trình phải được thẩm tra về điều kiện bảo đảm an toàn và gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương để theo dõi và kiểm tra theo quy định.
Ngoài ra công trình xây dựng tạm phải được phá dỡ khi hết thời gian tồn tại của công trình hoặc công trình chính của dự án đầu tư xây dựng được đưa vào khai thác sử dụng.
Chủ đầu tư được đề nghị UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện chấp thuận việc tiếp tục khai thác sử dụng công trình xây dựng tạm để thi công công trình chính nếu công trình phù hợp với quy hoạch. Và công trình tạm phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn chịu lực, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, dựng nhà tôn sẽ được miễn giấy phép xây dựng nếu nhà tôn đó được xây dựng để thi công xây dựng công trình chính hoặc sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian được UBND cấp tỉnh/huyện phê duyệt.
Cần lưu ý: Nếu nhà tôn sử dụng cho việc tổ chức sự kiện thì phải được UBND hoặc UBND cấp huyện chấp thuận về:
- Địa điểm
- Quy mô xây dựng công trình
- Thời gian tồn tại của công trình tạm.
Như vậy, bạn dựng nhà tôn để thi công công trình chính thì được miễn giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, nếu dựng nhà tôn mà không thuộc các trường hợp nhà tạm được miễn giấy phép xây dựng thì vẫn phải xin giấy phép xây dựng như thông thường, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định.
Mức phạt nếu không xin giấy phép xây dựng
Có thể thấy, nếu thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng thì trước khi khởi công cá nhân, tổ chức phải thực hiện thủ tục xin cấp phép xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục.
Trường hợp không có giấy phép xây dựng khi khởi công xây dựng công trình theo quy định sẽ bị xử phạt theo khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022 của Chính phủ.
Theo đó, mức xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
- Phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ
- Phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
- Phạt tiền từ 120 – 140 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về vấn đề dựng nhà tôn có phải xin giấy phép xây dựng? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Khi nào xây nhà dưới 7 tầng không cần xin phép?