hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 11/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Dùng xe ô tô gia đình chở khách có bị phạt không?

Hiện nay, nhiều gia đình mua ô tô và tận dụng thời gian rảnh để chạy taxi chở khách kiếm thêm thu nhập. Vậy, dùng xe ô tô gia đình chở khách có bị phạt không?

Mục lục bài viết
  • Dùng xe gia đình chở khách có bị phạt không?
  • Xe gia đình chở khách có phải đăng ký kinh doanh vận tải?
  • Kinh doanh vận tải xe ô tô cần đáp ứng điều kiện nào?
Câu hỏi: Tôi có mua một chiếc xe ô tô 7 chỗ để phục vụ cho nhu cầu đi lại trong gia đình và để chạy taxi vào lúc rảnh, các dịp lễ tết có thu phí. Vậy cho tôi hỏi sử dụng xe gia đình chở khách có vi phạm pháp luật và bị xử phạt không?

Dùng xe gia đình chở khách có bị phạt không?

Để biết được hoạt động dùng xe ô tô gia đình chở khách có bị phạt không, trước tiên chúng ta cần hiểu rõ bản chất của việc kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải ô tô khi:

  • Người sở hữu/người sử dụng hợp pháp thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải ô tô như: trực tiếp lái xe ô tô, điều hành hoặc quyết định giá cước vận chuyển;

  • Vận chuyển hành khách hoặc hàng hoá;

  • Nhằm mục đích sinh lợi.

Dùng xe gia đình chở khách có bị phạt không?

Dùng xe gia đình chở khách có bị phạt không?

Theo đó, việc dùng xe ô tô gia đình chở khách cũng được xem là hoạt động kinh doanh vận tải xe ô tô và phải có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định, bất kể hoạt động này có xảy ra thường xuyên hay không.

Việc dùng xe ô tô gia đình chở khách mà không đăng ký kinh doanh vận tải là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt theo quy định tại khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại điểm r khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi này như sau:

  • Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng;

  • Đối với tổ chức: Phạt tiền từ 20 - 24 triệu đồng.

Ngoài ra, để không bị cơ quan chức năng xử phạt, ngoài giấy phép kinh doanh vận tải ô tô, xe được dùng để kinh doanh còn phải được gắn phù hiệu và được dán cố định trên xe theo quy định.

Xe gia đình chở khách có phải đăng ký kinh doanh vận tải?

Xe ô tô khi chở khách nhằm mục đích sinh lợi thì đều được xem là hoạt động kinh doanh vận tải và thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh. 

Do đó, để dùng xe ô tô gia đình chở khách có thu phí thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật. Nếu không thực hiện đăng ký thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo nội dung chúng tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết.

Như vậy, cá nhân khi sử dụng xe của gia đình chở khách thì cần phải xin các loại giấy phép sau:

- Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hợp tác xã.

- Giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Cụ thể, để có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, trước hết cá nhân phải đăng ký kinh doanh theo một trong các hình thức: Doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh. Đối với gia đình thì các bạn có thể đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, người muốn kinh doanh vận tải phải đăng ký xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải ô tô để phù hợp với quy định hiện hành.

Người muốn kinh doanh vận tải ô tô phải nộp hồ sơ đến Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương qua hình thức trực tiếp/online qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đó để xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải.

xe gia đình chở khách có phải đăng ký kinh doanh vận tảiXe ô tô gia đình chở khách có cần phải đăng ký kinh doanh vận tải?

Kinh doanh vận tải xe ô tô cần đáp ứng điều kiện nào?

Kinh doanh vận tải đường bộ là một loại hình kinh doanh có điều kiện, do vậy chủ thể kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định trong lĩnh vực đó.

Để được kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, người thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008 và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 13 Nghị định 10/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP gồm:

  • Thực hiện đăng ký kinh doanh vận tải ô tô;

  • Xe ô tô đảm bảo số lượng, chất lượng, niên hạn sử dụng và phải gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định;

  • Số lượng lái xe và nhân viên phục vụ trên xe đảm bảo phù hợp với phương án kinh doanh và có hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động; đồng thời, nhân viên trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải ô tô, an toàn giao thông; và người lái xe không đang trong khoảng thời gian bị cấm hành nghề;

  • Người trực tiếp điều hành phải có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực vận tải;

  • Đảm bảo có nơi đỗ xe phù hợp, đảm bảo các yêu cầu về vật tư, an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

Như vậy, kinh doanh vận tải ô tô cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên để tránh bị xử phạt.

Trên đây là những thông tin về vấn đề xe gia đình chở khách có bị phạt không, nếu có vướng mắc, hãy liên hệ đến tổng đài:  19006199 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh chóng.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X