hieuluat
Chia sẻ email

Thời hạn ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền của chủ nhà trong bao lâu?

Được ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền của chủ nhà trong bao lâu? Phải công chứng văn bản ủy quyền không? Có những hình thức ủy quyền nào? Cùng tìm hiểu nhé.

Mục lục bài viết
  • Được ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền của chủ nhà trong bao lâu?
  • Có bắt buộc phải công chứng mọi văn bản ủy quyền không?
  • Các hình thức ủy quyền hiện nay là gì?
  • Người ủy quyền chết thì giấy ủy quyền còn hiệu lực không?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi là chủ sở hữu căn nhà tại địa chỉ thôn X, xã Y, huyện Z, tỉnh R.

Căn nhà và thửa đất đã được cấp sổ hồng mang tên của vợ chồng tôi từ năm 2019.

Nay, chúng tôi di chuyển nơi ở từ Bắc vào Nam cùng các con, cũng chưa xác định chính xác ngày quay lại.

Tôi muốn thực hiện thủ tục ủy quyền cho cháu trai của mình (con của anh trai tôi) được toàn quyền đối với căn nhà và thửa đất mang tên của vợ chồng tôi.

Vậy xin hỏi, thời hạn tối đa được ủy quyền là bao lâu?

Văn bản ủy quyền này có buộc phải công chứng không?

Hay chúng tôi chỉ cần viết tay, ký tên là đã có hiệu lực?

Cảm ơn đã hỗ trợ.

Được ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền của chủ nhà trong bao lâu?

Chào bạn, được ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền của chủ nhà trong bao lâu là câu hỏi được chúng tôi giải đáp như dưới đây.

Căn cứ Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015, thời hạn ủy quyền của bạn và cháu của mình trong việc quản lý, sử dụng, định đoạt nhà ở, quyền sử dụng đất căn cứ vào:

  • Thỏa thuận của các bên;

  • Theo mức độ hoàn thành công việc;

  • Điều khoản về thời hạn ủy quyền trong văn bản ủy quyền;

Nói cách khác, pháp luật không quy định thời hạn ủy quyền tối đa mà các bên được thỏa thuận là bao lâu, mà thời hạn này phụ thuộc vào nhu cầu các bên và quan điểm của bên công chứng, chứng thực văn bản ủy quyền.

Thực tế, có thể phát sinh một số thời hạn ủy quyền như sau:

Một là, theo mức độ hoàn thành công việc

Thời hạn ủy quyền được tính từ thời điểm văn bản ủy quyền được công chứng, chứng thực cho đến khi nhà đất đã được bán/chuyển nhượng/tặng cho hoặc hình thức khác làm thay đổi quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.

Hai là, theo thời hạn được xác định cụ thể

  • Chẳng hạn như 10 năm, 20 năm, 30 năm… kể từ thời điểm ký văn bản công chứng;

  • Thông thường, xác định thời hạn ủy quyền được dựa trên nguyện vọng của các bên và quan điểm thực hiện của công chứng viên/người có thẩm quyền ký chứng thực, mục đích ủy quyền, sự kiện thực tế khách quan ảnh hưởng đến việc thực hiện công việc theo ủy quyền;

Ba là, nếu trong văn bản ủy quyền không xác định kèm với giao dịch dân sự về nhà đất thì thời hạn này là 01 năm

Tức nếu như phạm vi ủy quyền trong văn bản ủy quyền không xác định cụ thể giao dịch dân sự kèm với đối tượng là nhà đất thì thời hạn ủy quyền được pháp luật xác định là 01 năm, kể từ thời điểm văn bản ủy quyền được ký kết, có công chứng/chứng thực.

Lưu ý rằng, trong trường hợp không có phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa bên ủy quyền, bên nhận ủy quyền thì việc ủy quyền vẫn đương nhiên chấm dứt nếu một trong hai bên chết (chi tiết được chúng tôi trình bày ở phần dưới).

Do đó, dù trong văn bản ủy quyền có thời hạn 30 năm, 40 năm… nhưng chỉ cần một trong hai bên chết thì văn bản ủy quyền này đương nhiên hết hiệu lực pháp luật.

Vậy nên, với câu hỏi, được ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền của chủ nhà trong bao lâu, dựa trên quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

  • Pháp luật không quy định thời hạn tối đa, tối thiểu về thời hạn ủy quyền giữa chủ nhà và bên nhận ủy quyền;

  • Khi xác định thời hạn ủy quyền, cần căn cứ vào nhu cầu/sự thỏa thuận của các bên, quy định của pháp luật về việc ủy quyền/chấm dứt ủy quyền;

Năm 2023, được ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền của chủ nhà trong bao lâu?Năm 2023, được ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền của chủ nhà trong bao lâu?

Có bắt buộc phải công chứng mọi văn bản ủy quyền không?

Căn cứ Điều 167 Luật Đất đai, Điều 122 Luật Nhà ở, việc công chứng văn bản ủy quyền (giấy ủy quyền, hợp đồng ủy quyền…) quản lý, sử dụng, định đoạt nhà ở trong trường hợp của bạn là không bắt buộc.

Tuy nhiên, trong phạm vi ủy quyền có điều khoản định đoạt quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, nên có thể được hiểu văn bản ủy quyền này là căn cứ chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở từ bên ủy quyền sang bên nhận ủy quyền nên thực tế, văn bản ủy quyền này phải được công chứng.

Việc công chứng để đảm bảo:

  • Chứng minh sự kiện ủy quyền đã có thật, hợp pháp;

  • Là căn cứ để bên nhận ủy quyền giao dịch/thực hiện các công việc khác với bên thứ 3 mà không cần phải chứng minh sự thật đã có sự kiện ủy quyền diễn ra;

  • Hạn chế các tranh chấp, rủi ro pháp lý có thể phát sinh;

Như vậy, pháp luật không bắt buộc mọi văn bản ủy quyền đều phải công chứng, chứng thực.

Tuy nhiên, trên thực tế, do nhu cầu sử dụng, thực hiện các nội dung ủy quyền cũng như hạn chế rủi ro, tranh chấp có thể phát sinh, văn bản ủy quyền nhà đất, trong đó có điều khoản định đoạt buộc phải công chứng.

Đối với trường hợp, được ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền của chủ nhà trong bao lâu thì còn phụ thuộc vào hình thức ủy quyền lựa chọn, nhu cầu của các bên mà thời hạn ủy quyền có sự phân biệt.

Nói cách khác, pháp luật không quy định về thời hạn tối đa của việc ủy quyền nhà đất.

Các hình thức ủy quyền nhà đấtCác hình thức ủy quyền nhà đất

Các hình thức ủy quyền hiện nay là gì?

Trước hết, đại diện/hoặc ủy quyền là việc nhân danh và vì lợi ích của cá nhân, pháp nhân khác để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự (Điều 134 Bộ luật Dân sự).

Hình thức ủy quyền có thể được phân chia thành nhiều loại khác nhau, phụ thuộc vào căn cứ được sử dụng để phân loại, cụ thể:

Một là, nếu dựa trên căn cứ xác lập quyền đại diện/xác lập việc ủy quyền, nhận ủy quyền

Điều 135 Bộ luật Dân sự quy định, quyền đại diện/nhận ủy quyền được xác lập theo một trong những cách sau đây:

  • Theo sự thỏa thuận giữa bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền;

  • Theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

  • Theo Điều lệ của pháp luật;

  • Theo quy định của pháp luật (tức nhận ủy quyền dưới hình thức là người đại diện theo pháp luật của người ủy quyền);

Hai là, nếu dựa trên hình thức của việc ủy quyền

Căn cứ quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự, ủy quyền, nhận ủy quyền có thể được thực hiện thông qua một trong những hình thức:

  • Bằng lời nói;

  • Hoặc bằng văn bản (lập hợp đồng, giấy ủy quyền,...);

  • Hoặc bằng hành vi cụ thể (có thể là hành vi pháp lý đơn phương …);

Ba là, nếu căn cứ vào phạm vi ủy quyền

Từ Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015, suy ra, nếu dựa trên căn cứ là phạm vi ủy quyền thì việc ủy quyền có thể được phân chia thành:

  • Ủy quyền toàn bộ;

  • Ủy quyền một phần;

Bốn là, nếu căn cứ vào thời hạn ủy quyền (Điều 140 Bộ luật Dân sự)

Bao gồm:

  • Ủy quyền có thời hạn xác định: Là trong văn bản ủy quyền hoặc thỏa thuận ủy quyền có xác định cụ thể thời hạn bắt đầu và kết thúc việc ủy quyền;

  • Ủy quyền không có thời hạn xác định: Là trong văn bản ủy quyền hoặc thỏa thuận ủy quyền không xác định cụ thể thời hạn bắt đầu và chấm dứt việc ủy quyền;

  • Ủy quyền theo vụ việc: Tức từ thời điểm bắt đầu thực hiện công việc đến khi kết thúc công việc ủy quyền hoặc kết thúc một phần/giai đoạn nhất định của công việc;

Năm là, nếu căn cứ vào người được ủy quyền

Từ Điều 136, Điều 137 Bộ luật Dân sự, ủy quyền có thể được chia thành:

  • Nhận ủy quyền theo hình thức là đại diện theo pháp luật của cá nhân;

  • Nhận ủy quyền theo hình thức là đại diện theo pháp luật của pháp nhân;

Tóm gọn lại, ủy quyền có thể được phân chia thành nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào căn cứ được sử dụng/cách thức để phân loại. 

Đối chiếu với trường hợp của bạn, câu hỏi, được ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền của chủ nhà trong bao lâu, áp dụng các hình thức phân loại ủy quyền nêu trên, có thể nhận thấy, thời hạn ủy quyền được xác định:

  • Theo công việc ủy quyền: Khi công việc ủy quyền kết thúc, chẳng hạn như khi đã bán xong nhà…;

  • Khi có một trong những căn cứ chấm dứt thời hạn ủy quyền: Ví dụ một trong hai bên chết, một trong hai bên đơn phương chấm dứt thực hiện ủy quyền…;

  • Theo thời hạn được xác định trong văn bản ủy quyền;

  • Hoặc nếu trong văn bản ủy quyền không quy định thời hạn ủy quyền thì thời hạn này là 01 năm, kể từ ngày việc ủy quyền được xác lập hợp pháp;

Ủy quyền đương nhiên chấm dứt khi một trong hai bên chếtỦy quyền đương nhiên chấm dứt khi một trong hai bên chết

Người ủy quyền chết thì giấy ủy quyền còn hiệu lực không?

Người ủy quyền chết thì giấy ủy quyền đương nhiên hết hiệu lực.

Lý do là, căn cứ khoản 3 Điều 140 Bộ luật Dân sự, ủy quyền chấm dứt khi thuộc một trong số bảy trường hợp được quy định, gồm:

  • Theo thỏa thuận của các bên;

  • Thời hạn ủy quyền thực hiện công việc đã hết;

  • Công việc được ủy quyền đã hoàn thành theo thỏa thuận ghi nhận trong văn bản ủy quyền;

  • Bên ủy quyền hoặc bên nhận ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;

  • Bên ủy quyền, bên nhận ủy quyền là cá nhân chết/hoặc bên ủy quyền, bên nhận ủy quyền là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

  • Bên nhận ủy quyền không còn đủ điều kiện để nhận ủy quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Dân sự;

  • Căn cứ khác làm cho không thể thực hiện được các công việc ủy quyền;

Từ đó suy ra, bên ủy quyền trong văn bản ủy quyền chết thì việc ủy quyền chấm dứt đương nhiên (hay chấm dứt theo pháp luật).

Các công việc ủy quyền, các giao dịch được xác lập sau thời điểm này đều không có giá trị pháp lý.

Như vậy, tùy thuộc nhu cầu, sự thỏa thuận của các bên để xác định được ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền của chủ nhà trong bao lâu.

Nếu trong trường hợp không xác định cụ thể thời hạn mà việc ủy quyền được pháp luật quy định là 01 năm, kể từ ngày phát sinh ủy quyền và một trong những căn cứ bị chấm dứt là khi bên ủy quyền chết.

Trên đây là giải đáp về Được ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền của chủ nhà trong bao lâu? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X