Khái niệm “xe ưu tiên” có thể quen thuộc với nhiều người, nhưng quy định về đường ưu tiên không phải ai cũng hiểu rõ. Cùng tìm hiểu về đường ưu tiên là gì, các nhận biết đường ưu tiên trong bài viết dưới đây.
Câu hỏi: Tôi điều khiển xe gắn máy từ đường nhánh ra đường chính và bị cảnh sát giao thông thổi còi phạt lỗi vi phạm đường ưu tiên.
Cho tôi hỏi pháp luật có quy định gì về đường ưu tiên không?
Và mức phạt 400.000 đồng mà cảnh sát giao thông phạt tôi có hợp lý không?
1. Đường ưu tiên là gì? Ý nghĩa của đường ưu tiên?
Theo quy định tại Khoản 15 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, đường ưu tiên được định nghĩa là đoạn đường có cắm biển báo hiệu đường ưu tiên, trên đoạn đường đó người tham gia giao thông đường bộ được những người tham gia giao thông điều khiển các loại phương tiện giao thông đến từ hướng khác nhường đường tại nơi đường giao nhau.
Đường ưu tiên giúp cho người điều khiển phương tiện giao thông có thể xử lý nhanh chóng, chính xác hướng đi, nhất là trên những đoạn giao nhau của đường có thứ tự ưu tiên như nhau.
Ngoài ra, việc hiểu biết quy định về đường ưu tiên và các biển báo giúp người tham gia giao thông tránh bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trên đường ưu tiên, các phương tiện phải nhường đường cho người đi bộ
2. Cách nhận biết đường ưu tiên qua biển báo
Đường ưu tiên phải được cắm biển báo đúng quy chuẩn theo quy định của QCVN 41/2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT, bao gồm các biển báo sau:
2.1 Biển báo W.207 và W.208
Đối với loại biển báo W.207: bao gồm W.207 (a, b, c, d, e, f, g, h, i, k, l)
Biển báo W.207 (a, b, c, d, e, f, g, h, i, k, l) được đặt trên trục đường ưu tiên, để báo trước tín hiệu sắp tới nơi giao nhau với đường không ưu tiên.
Khi đó, các phương tiện đang lưu thông trên đoạn đường được đặt biển này sẽ được quyền ưu tiên tại nơi giao nhau.
Tuy nhiên, xe phải nhường đường cho các loại xe được quyền ưu tiên theo quy định của pháp luật.
Biển báo đường ưu tiên
Đối với loại biển báo W.208:
Biển báo W.208 được đặt trên trục đường không ưu tiên, để báo trước tín hiệu sắp tới nơi giao nhau với đường ưu tiên.
2.2 Biển báo I.401 và I.402
Đối với loại biển báo I.401:
Biển báo I.401 được đặt trên đoạn đường để báo trước tín hiệu sắp bắt đầu đoạn đường ưu tiên. Khi đó, các phương tiện đang lưu thông trên đoạn đường được đặt biển này sẽ được phép ưu tiên đi trước.
Đồng thời, phương tiện đang lưu thông trên đoạn đường này được ưu tiên đi qua tại nơi giao nhau không có tín hiệu điều khiển giao thông.
Đối với loại biển báo I.402:
Biển báo I.402 được đặt trên đoạn đường để báo trước tín hiệu sắp kết thúc đoạn đường ưu tiên.
Không đặt loại biển báo I.401 và I.402 trên đường cao tốc.
2.3 Biển báo S.506a và S.506b
Đối với loại biển báo S.506a:
Biển báo S.506a thường được đặt bên dưới biển báo R.401 có tác dụng chỉ dẫn hướng đường ưu tiên ở ngã tư.
Đối với loại biển báo S.506b:
Biển báo này có thể được đặt bên dưới biển báo W.208 và biển báo R.122 trên đường không ưu tiên để thể hiện “Hướng đường ưu tiên” nếu tại nơi giao nhau, hướng rẽ của đường ưu tiên thay đổi.
3. Xác định thứ tự các đường ưu tiên như thế nào?
Theo quy định tại Điều 5 QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT, thứ tự đường ưu tiên được quy định như sau:
- Đường cao tốc;
- Đường quốc lộ;
- Đường đô thị;
- Đường tỉnh;
- Đường huyện;
- Đường xã;
- Đường chuyên dùng.
Trong trường hợp hai đường có thứ tự ưu tiên cùng cấp (tức cùng thứ tự, giao nhau cùng mức), việc xem xét để xác định đường nào là đường ưu tiên được thực hiện lần lượt theo quy định sau:
- Đường được quy định là đường ưu tiên bởi các cấp có thẩm quyền;
- Đường nào có cấp kỹ thuật cao hơn là đường ưu tiên;
- Trường hợp đường có lưu lượng xe khác nhau, đường nào có lưu lượng xe trung bình ngày đêm lớn hơn là đường ưu tiên;
- Trường hợp đường có lưu lượng xe trung bình ngày đêm như nhau, đường nào có nhiều xe ô tô vận tải công cộng lớn hơn là đường ưu tiên;
- Đường nào có mặt đường cấp cao hơn là đường ưu tiên.
Cách xác định thứ tự ưu tiên
4. Không nhường đường cho phương tiện trên đường ưu tiên bị phạt thế nào?
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
Điểm n Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
Đối với người điều khiển xe mô tô và các loại xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô:
Điểm e Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Điểm k Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng;
Đối với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng:
Điểm đ Khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng;
Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện:
Điểm n Khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến đường ưu tiên và cách nhận biết chi tiết theo QCVN 41:2019/BGTVT Trong trường hợp còn vướng mắc, vui lòng liên hệ qua tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.