hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 09/07/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Em trai có được thừa kế di sản của anh ruột không?

Nhiều người hiện nay có chung vấn đề thắc mắc là em trai có được thừa kế di sản của anh ruột không khi gia đình phân chia di sản. Đồng thời, con của anh trai đòi lại di sản của bố do chú đang quản lý thì có căn cứ pháp luật không? Có đòi được không?

 

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi liên quan đến tài sản thừa kế từ ba mẹ mà bị chú ruột chiếm dụng như sau: Năm tôi 13 tuổi thì ba tôi mất (hiện nay tôi đã ngoài 30 tuổi), tôi còn một anh trai hơn tôi 3 tuổi. Ba mẹ tôi ly hôn khi tôi còn nhỏ (tầm khoảng 4, 5 tuổi). Theo bản án ly hôn, đất đai là tài sản chung của ba mẹ tôi đã thực hiện phân chia. Ba tôi mất sau khi ly hôn mẹ tôi được gần 10 năm và không có di chúc, di sản ông để lại cho anh em tôi là thửa đất chung với mẹ tôi mà đã được phân chia, cấp sổ hồng mang tên riêng của ông.

Ba tôi mất khi tôi chưa đủ 18 tuổi, do vậy, giấy tờ về đất đai của ba tôi do chú ruột của tôi (em trai liền kề với bố tôi) cầm giữ hộ cho anh em tôi. Bố tôi là con cả trong gia đình có 5 anh chị em. Việc chú tôi giữ giấy tờ nhà đất của bố tôi được các cô và chú trong nhà biết rõ và cùng thống nhất để cho người chú này của tôi tạm thời quản lý thửa đất của ba tôi, đợi khi nào chúng tôi đủ tuổi nhận lại thì sẽ trả lại.

Hiện nay, anh em tôi muốn lấy lại tài sản mà ba tôi để lại để có nơi thờ cúng chung cũng là muốn giữ lại thửa đất này cho con cháu của chúng tôi. Luật sư cho tôi hỏi, tôi phải làm gì để thực hiện việc nhận tài sản thừa kế này hợp pháp? Gia đình bên nội tôi tuy rằng trước mặt đối xử tốt với anh em tôi nhưng thực chất lại không muốn anh em tôi được nhận lại tài sản của ba tôi, đã nhiều lần có ý muốn đuổi anh em tôi đi khỏi thửa đất đó.

Chú tôi còn nói rằng, chú tôi cũng là người thừa kế của ba tôi, là người quản lý di sản do ba tôi để lại nên cũng được quyền hưởng chế độ tài sản do ba tôi để lại. Tôi muốn hỏi, nếu chú tôi nhất định không hợp tác, đưa giấy tờ đất đai để anh em tôi sang tên đất đai thì chúng tôi phải xử lý như thế nào?

Chào bạn, liên quan đến vướng mắc em trai có được thừa kế di sản của anh ruột không và xử lý trường hợp chú ruột giữ giấy tờ nhà đất của ba không trả mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp như sau:

Em trai có được thừa kế di sản của anh ruột không?

- Trước hết, do ba bạn mất không để lại di chúc nên theo tài sản mà ba bạn để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Chia theo pháp luật tức là chia theo hàng thừa kế, người ở hàng thừa kế sau chỉ được chia thừa kế nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn ai hoặc những người thừa kế ở hàng thừa kế trước từ chối nhận thừa kế hoặc thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản theo quy định Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Cụ thể những người thừa kế thuộc từng hàng thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

- Theo thông tin bạn cung cấp, căn cứ pháp luật nêu trên, anh em bạn có quyền nhận tài sản thừa kế từ ba của mình. Chúng tôi cũng giả sử rằng, hàng thừa kế thứ nhất của ba bạn chỉ có hai anh em bạn và cả hai cùng không từ chối nhận thừa kế, không thuộc trường hợp không được hưởng thừa kế theo quy định pháp luật.

Vì hàng thừa kế thứ nhất của ba bạn nhận tài sản thừa kế nên chú ruột của bạn thuộc hàng thừa kế thứ hai không được quyền nhận tài sản thừa kế từ ba bạn. Việc chú bảo quản, giữ gìn sổ hồng và quản lý đất đai là vì hai anh em bạn còn nhỏ, chưa thể thực hiện được và thỏa thuận của gia đình.

- Quyền được yêu cầu phân chia di sản thừa kế là đất đai của anh em bạn là 30 năm kể từ thời điểm ba bạn mất (Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015). Hiện nay, anh em bạn vẫn còn thời hiệu để yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật. Vậy nên, anh em bạn có quyền yêu cầu chú của mình bàn giao giấy tờ, nhà đất đang quản lý để anh em bạn thực hiện nhận tài sản thừa kế theo quy định pháp luật.

Kết luận: Khi anh em bạn không từ chối nhận di sản thừa kế từ ba mình, không thuộc trường hợp không có quyền hưởng tài sản thừa kế thì có quyền hưởng thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất là di sản do bố bạn để lại. Chú ruột của bạn không có quyền hưởng thừa kế trong trường hợp này.

em trai co duoc thua ka di san cua anh ruot khong


Chia thừa kế khi chú ruột đang giữ giấy tờ nhà đất thế nào?

Việc quản lý, cầm giữ sổ hồng của chú bạn xuất phát từ nguyên nhân anh em bạn còn nhỏ, chưa đủ năng lực và hiểu biết để tự mình quản lý, cất giữ giấy tờ chứng minh tài sản của mình. Nay, anh em bạn đã đủ năng lực hành vi dân sự và còn trong thời hiệu chia di sản thừa kế thì có quyền yêu cầu chú của mình bàn giao sổ hồng, tài sản để thực hiện khai nhận, sang tên quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở theo quy định pháp luật.

Trường hợp chú của bạn không đồng ý, không tự nguyện bàn giao giấy tờ, tài sản cho anh em bạn thì bạn có thể tham khảo cách thức xử lý sau đây:

Cách 1: Họp mặt gia đình để yêu cầu chú của bạn bàn giao sổ hồng, đất đai đang quản lý, sử dụng

Anh em bạn có thể mời những người thân còn lại trong gia đình nội của mình, các cô, các chú để có buổi họp mặt gia đình. Nội dung của buổi họp mặt là cùng nhắc lại sự thỏa thuận trước đây của gia đình về việc chú của bạn giúp anh em bạn bảo quản, giữ gìn sổ hồng của bố bạn và tạm thời quản lý, sử dụng thửa đất là di sản bố bạn để lại cho tới khi anh em bạn thành niên.

Đồng thời, anh em bạn cũng thông qua những ý kiến của các cô, các chú khác của mình để yêu cầu người chú này giao trả sổ hồng, đất đai cho anh em bạn quản lý, giữ gìn.

Đây là cách xử lý không gây mâu thuẫn gia đình mà anh em vẫn có thể lấy lại được sổ hồng để thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của bố bạn để lại.

Để đảm bảo chắc chắn, tránh những tranh chấp không đáng có sau này thì khi họp mặt gia đình, bạn cũng có thể lập biên bản về nội dung cuộc họp, cuối biên bản là ý kiến của từng người về những vấn đề đã thảo luận và chữ ký của họ.

Cách 2: Nhờ sự can thiệp, hòa giải của những người thân có tiếng nói trong dòng họ hoặc các tổ chức đại diện chính quyền tại địa phương

Đây cũng là cách mà bạn có thể cân nhắc, lựa chọn thực hiện. Thông qua sự hòa giải, phân tích của những người có tiếng nói, có trọng lượng tại địa phương để anh em bạn có thể không cần phải khởi kiện, tranh giành dẫn đến mất hòa khí gia đình.

Tương tự như cách 1, bạn cũng có thể lập biên bản ghi nhận nội dung của buổi làm việc, ý kiến của các bên cùng chữ ký của từng người có mặt tại buổi làm việc này. Lúc này, có thể phát sinh hai trường hợp sau:

  • Nếu chú bạn đồng ý trả sổ hồng, bàn giao thửa đất trên thực tế thì anh em bạn khai nhận di sản/thỏa thuận phân chia di sản theo quy định.

  • Nếu chú bạn không đồng ý trả sổ hồng, bàn giao thửa đất trên thực tế thì bạn có thể đề nghị chính tổ chức đại diện chính quyền địa phương (tổ dân phố/xóm, xã/phường/thị trấn) hỗ trợ giải quyết cho bạn hoặc khởi kiện theo nội dung hướng dẫn tại cách 3 dưới đây.

Cách 3: Khởi kiện tại Tòa án nhân dân

Ngoài cách 1 và cách 2 để tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức xử lý cũng như không gây mâu thuẫn gia đình thì bạn có thể lựa chọn khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết.

Một số lưu ý khi khởi kiện:

  • Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khởi kiện gồm: Giấy chứng tử của bố bạn, giấy tờ chứng minh ông bà nội của bạn mất trước bố bạn, giấy khai sinh của hai anh em bạn, trích lục bản đồ địa chính đối với thửa đất mà bố bạn để lại (bạn liên hệ với địa chính cấp xã để đề nghị được cung cấp tài liệu này). Bạn cũng có thể đề nghị Tòa án nơi tiếp nhận hồ sơ của bạn giúp bạn lấy lại sổ hồng từ chú của mình (căn cứ quy định tại Điều 97, Điều 106 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

  • Sau khi đã chuẩn bị hồ sơ, bạn nộp cho Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để được tiếp nhận, thụ lý, giải quyết.

  • Bản án của Tòa án là căn cứ để anh em bạn thực hiện đăng ký biến động đất đai tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

  • Khi bạn đã thực hiện khởi kiện, đề nghị Tòa án nhân dân phân chia di sản thừa kế do ba mình để lại thì bạn cũng nên thực hiện đồng thời việc yêu cầu chú của mình phải chấm dứt hành vi canh tác, quản lý thửa đất mà ba bạn để lại (tự yêu cầu hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ, giải quyết yêu cầu này).

Kết luận: Anh em bạn có quyền yêu cầu chú của mình bàn giao sổ hồng, đất đai trên thực địa để thực hiện khai nhận/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do ba mình để lại. Nếu chú bạn không đồng ý bàn giao thì bạn có thể tham khảo thực hiện một trong những cách mà chúng tôi đã hướng dẫn ở trên.

Trên đây là giải đáp về em trai có được thừa kế di sản của anh ruột không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Lấy lại tài sản thừa kế đã bị bán bằng cách nào?

>> Thủ tục khởi kiện chia di sản thừa kế là đất đai đã được cấp sổ hồng thế nào?

Có thể bạn quan tâm

X