hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 24/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giá đền bù đất ở khi hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi để làm đường là bao nhiêu?

Thu hồi đất để làm đường là một trong những trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai 2013. Vậy, mức giá đền bù đất ở khi Nhà nước thu hồi đất để làm đường được tính như thế nào? Quy trình thu hồi đất để làm đường được thực hiện ra sao?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có vấn đề liên quan đến đất đai mong được giải đáp như sau: Gần đây, tôi có nhận được thông báo từ chính quyền địa phương về việc một phần diện tích đất này của gia đình tôi bị Nhà nước thu hồi để làm đường liên tỉnh.

Tôi muốn biết, quy định về mức giá đền bù khi Nhà nước thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân dể làm đường được quy định ở đâu? Cụ thể là bao nhiêu? Quy trình thu hồi đất để làm đường được thực hiện như thế nào?

Chào bạn, liên quan đến việc thu hồi đất để làm đường mà bạn đang vướng mắc, chúng tôi giải đáp như sau:

Mức giá đền bù khi Nhà nước thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân để làm đường là bao nhiêu?

Trước hết, theo thông tin mà bạn cung cấp và điểm b khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai 2013, chúng tôi tạm nhận định rằng, việc thu hồi đất để làm đường trong trường hợp của bạn thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo đó, nguyên tắc đền bù bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân để làm đường được thực hiện theo Điều 74 Luật Đất đai 2013 như sau:

- Nếu đủ điều kiện được đền bù, bồi thường về đất thì người sử dụng đất được Nhà nước đền bù, bồi thường về đất;

- Nhà nước thực hiện đền bù, bồi thường về đất cho người sử dụng đất bằng hình thức giao đất cùng mục đích sử dụng với đất bị thu hồi. Nếu không còn quỹ đất để bồi thường thì Nhà nước đền bù, bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất bị thu hồi theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Việc bồi thường phải được thực hiện khách quan, công bằng, kịp thời, công khai, đúng quy định pháp luật.

Do bạn chưa nói rõ, đất ở bị thu hồi của bạn là ở tỉnh, thành phố nào nên chúng tôi sẽ giải đáp chung cho bạn về giá đất ở đền bù bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để làm đường như sau:

Trường hợp 1: Bạn không đủ điều kiện để được nhận đền bù bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất

Tức bạn không thuộc trường hợp được nhận đền bù bồi thường là đất ở được Nhà nước giao theo quy định tại Điều 74, Điều 75, Điều 79 Luật Đất đai 2013 (ví dụ như không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hoặc đang sử dụng đất thuê của Nhà nước…)

Lúc này, do bạn không được nhận tiền đền bù, bồi thường về đất nên được nhận các khoản bồi thường và hỗ trợ khác: Ví dụ như bồi thường tài sản gắn liền với đất, cây trồng/vật nuôi trên đất, hỗ trợ khác tùy theo tình hình thực tế tại địa phương…

Trường hợp 2: Bạn đủ điều kiện được nhận đền bù bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất

Tại đây, bạn có thể được nhận đền bù bồi thường là đất ở được Nhà nước giao không thông qua đấu giá. Nếu trong trường hợp không còn quỹ đất để đền bù bồi thường thì bạn được đền bù bằng tiền tính theo giá đất cụ thể của loại đất bị thu hồi theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại thời điểm thu hồi đất.

Giá đất cụ thể được tính toán theo các căn cứ được quy định tại khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai 2013, Nghị định 44/2014/NĐ-CP như sau:

- Căn cứ trên kết quả điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai đối với thửa đất bị thu hồi;

- Căn cứ phương pháp xác định giá đất cụ thể được quy định tại Điều 3 Nghị định 44/2014/NĐ-CP: Các phương pháp này bao gồm hệ số điều chỉnh, thu thập, thặng dư, so sánh trực tiếp, chiết trừ;

- Căn cứ kết quả tư vấn của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất cụ thể (Sở Tài nguyên và Môi trường dựa trên nhu cầu định giá đất tại địa phương để lập kế hoạch định giá đất cụ thể trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, đồng thời, tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt. Việc lựa chọn tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất cụ thể thực hiện thông qua đấu thầu theo quy định của pháp luật).

=> Do giá đất thị trường tại từng khu vực là khác nhau, đồng thời thửa đất thu hồi tại mỗi nơi cũng có sự khác biệt, vì vậy, không có giá cụ thể được áp dụng chung trong cả nước mà tùy từng trường hợp thu hồi cụ thể mà giá đất này được định giá theo quy định pháp luật.

Như vậy, mức giá đền bù bồi thường khi thu hồi đất để làm đường là giá đất cụ thể được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất bị thu hồi quyết định thông qua trình tự, thủ tục xác định giá cụ thể tại Luật Đất đai 2013 và các văn bản có liên quan. Mức giá này là khác nhau cho từng địa phương, từng dự án thu hồi đất và từng trường hợp cụ thể, do đó, không có mức giá chung được áp dụng trong cả nước. Vì vậy, bạn có thể liên hệ với ban bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã/huyện để có thêm các thông tin cụ thể về mức giá này cho trường hợp của mình.

gia den bu dat lam duong


Quy trình thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân để làm đường thế nào?

Trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích an ninh- quốc phòng hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì trình tự, thủ tục thu hồi đất được tiến hành theo Điều 69 Luật Đất đai 2013.

Có thể phân chia thành các bước như sau:

Bước 1: Ủy ban nhân dân cấp huyện lập, thực hiện kế hoạch thu hồi đất

Các công việc cụ thể trong bước này bao gồm:

- Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền gửi thông báo thu hồi đất đến người sử dụng đất:

+ Thông báo phải được gửi đến người sử dụng đất trước ít nhất là 180 ngày đối với việc thu hồi đất phi nông nghiệp và trước ít nhất 90 ngày trong trường hợp thu hồi đất nông nghiệp;

+ Niêm yết thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi;

+ Thông báo qua các phương tiện thông tin đại chúng (loa, báo, đài phát thanh…);

Lưu ý: Thẩm quyền thu hồi đất của Ủy ban nhân dân các cấp được quy định tại Điều 66 Luật Đất đai 2013 như sau:

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; hoặc đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn; thu hồi đất của tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (trừ trường hợp thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam);

+ Nếu việc thu hồi đất có đối tượng thuộc thẩm quyền của cả Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thực hiện thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.

- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất ban hành quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc trong trường hợp người sử dụng đất không tự nguyện phối hợp;

Bước 2: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất

- Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng (gồm có tổ chức dịch vụ công về đất đai, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Hình thức lấy ý kiến: trực tiếp với người sử dụng đất tại nơi bị thu hồi (việc lấy ý kiến phải được lập thành văn bản và phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi);

- Tiến hành niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;

- Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản và hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trình Ủy ban nhân dân có thẩm quyền quyết định;

- Trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định thì phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thẩm định bởi cơ quan có thẩm quyền (Sở Tài nguyên và Môi trường/Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất bị thu hồi);

Bước 3: Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất; Thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

- Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày;

- Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi. Đồng thời, gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi;

- Thực hiện thu hồi, đền bù, bồi thường theo phương án đã được phê duyệt. Trong trường hợp người sử dụng đất không đồng ý với quyết định thu hồi, phương án đền bù, bồi thường thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện thuyết phục, vận động để người sử dụng đất tự nguyện thực hiện.

Trường hợp người sử dụng đất không bàn giao đất sau khi đã được thuyết phục, vận động thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất theo quy định hiện hành.

Bước 4: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng quản lý đất sau thu hồi (đất đã giải phóng mặt bằng) trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện giao/cho thuê theo quy định pháp luật để thực hiện dự án làm đường.

Như vậy, trình tự, thủ tục thu hồi đất để làm đường được thực hiện theo các bước mà chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về ​giá đền bù đất làm đường, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X