hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 25/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giá đền bù đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi là bao nhiêu?

Theo quy định pháp luật hiện hành, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ được nhận đền bù, bồi thường (có thể là đền bù bồi thường về đất, đền bù chi phí đầu tư vào đất…) và các khoản hỗ trợ. Vậy, cách tính giá đất đền bù bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân hiện nay được quy định ra sao? Tại thành phố Hồ Chí Minh thì mức giá này là bao nhiêu?

Câu hỏi: Chào HieuLuat, tôi đang sinh sống, học tập và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian gần đây, gia đình tôi nhận được thông báo về việc thu hồi thửa đất nông nghiệp trồng cây hàng năm từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án an ninh, quốc phòng. Tôi có một vài thắc mắc mong được Luật sư giải đáp như sau:

1. Cách tính giá đền bù đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất được quy định ở đâu? Cụ thể tính như thế nào?

2. Tại thành phố Hồ Chí Minh thì mức giá đền bù bồi thường đất nông nghiệp là đất trồng cây hàng năm là bao nhiêu?

Chào bạn, căn cứ quy định pháp luật đất đai hiện hành, chúng tôi giải đáp vướng mắc về giá đền bù đất nông nghiệp của bạn như sau:

Cách tính giá đền bù đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thế nào?

Để được đền bù, bồi thường về đất thì người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân phải đảm bảo các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai 2013. Các điều kiện này bao gồm:

- Thửa đất mà bạn bị thu hồi đã được cấp Giấy chứng nhận/sổ đỏ hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận mà chưa được cấp;

- Đang sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất thuê trả tiền thuê hàng năm của Nhà nước;

- Nhà nước đền bù bồi thường bằng tiền tính theo giá đất cụ thể của loại đất bị thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất quyết định nếu không còn quỹ đất để đền bù, bồi thường;

Theo đó, giá đất cụ thể của đất nông nghiệp được tính theo quy định tại khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai 2013, Mục 3 Chương 2 Nghị định 44/2014/NĐ-CP. Cụ thể, cơ quan chuyên môn tiến hành xác định giá đất cụ thể để đền bù bồi thường theo quy định sau:

- Thực hiện điều tra, phân tích, thu thập thông tin thửa đất bị thu hồi, giá đất thị trường tại nơi có thửa đất bị thu hồi, áp dụng phương pháp tính giá đất cụ thể phù hợp (phương pháp xác định giá đất cụ thể có thể là phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, phương pháp chiết trừ, thu thập, so sánh trực tiếp, thặng dư);

- Tổng hợp kết quả điều tra, phân tích, thu thập thông tin thửa đất bị thu hồi;

- Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định giá đất cụ thể;

- Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể.

=> Pháp luật đất đai hiện nay không quy định công thức chung để tính giá đất cụ thể khi Nhà nước thu hồi đất mà quy định về cách thức, phương pháp, trình tự để xác định giá đất cụ thể khi bồi thường. Tùy thuộc từng khu vực thu hồi, từng loại đất, tại từng thời điểm,...mà giá đất đền bù, bồi thường có sự khác biệt.

Do chúng tôi chưa được tiếp cận rõ ràng với trường hợp Nhà nước thu hồi đất của bạn nên chưa có căn cứ để xác định chính xác giá đền bù bồi thường đối với đất nông nghiệp hàng năm của bạn là bao nhiêu tiền. Dựa trên các thông tin mà chúng tôi cung cấp và đề nghị ban bồi thường, giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư trả lời rõ giá đất đền bù tại khu vực của bạn là bao nhiêu, tính theo căn cứ nào.

Như vậy, giá đất nông nghiệp để tính đền bù bồi thường là giá đất cụ thể được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định tại thời điểm thu hồi đất dựa trên quy định pháp luật hiện hành về cách xác định giá đất cụ thể trong trường hợp đền bù, bồi thường.

gia den bu dat nong nghiep


Giá đền bù đất nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu?

Việc thực hiện đền bù bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2013, Quyết định 28/2018/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các văn bản khác có liên quan.

Theo đó, khi tiến hành thu hồi đất nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể được bồi thường hoặc hỗ trợ theo hai trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Đủ điều kiện để được bồi thường về đất nhưng không còn quỹ đất để đền bù, bồi thường

Khi đủ điều kiện đền bù bồi thường về đất nhưng không còn quỹ đất để bồi thường mà phải bồi thường bằng tiền thì giá tiền tính đền bù, bồi thường được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định 28/2018/QĐ-UBND như sau:

2. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.

=> Giá đất đền bù bồi thường là giá đất nông nghiệp là đất trồng cây hàng năm do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định tại thời điểm thu hồi đất.

Trường hợp 2: Không đủ điều kiện để được bồi thường về đất

Đây là trường hợp bạn không đủ điều kiện để được đền bù bồi thường về đất theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai 2013. Lúc này, bạn được nhận khoản hỗ trợ, khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định tại Điều 11 Quyết định 28/2018/QĐ-UBND:

Điều 11. Hỗ trợ đối với trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất

Đối với những trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 13 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP thì căn cứ vào nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, lý do không đủ điều kiện, thời điểm đất đó được đưa vào sử dụng để xem xét hỗ trợ theo quy định sau:

c) Đối với đất sử dụng ổn định thuộc nhóm đất nông nghiệp từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004:

- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Điểm a, b Khoản 5 Điều 20 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì được hỗ trợ về đất bằng 100% giá đất nông nghiệp để tính bồi thường theo chính sách được phê duyệt đối với phần diện tích đất đang sử dụng nhưng không vượt quá 30.000m2/hộ. Đối với phần diện tích vượt hạn mức chỉ được tính hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất còn lại được xác định theo như quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP , Điều 3 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT và Điều 7 Quy định này.

- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì cũng được giải quyết hỗ trợ về đất nông nghiệp (loại đất nông nghiệp trước khi chuyển đổi mục đích sử dụng) với mức bằng 100% giá đất nông nghiệp để tính bồi thường theo chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án nhưng không vượt quá 30.000m2/hộ. Đối với phần diện tích vượt hạn mức chỉ được tính hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất còn lại được xác định theo như quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP , Điều 3 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT và Điều 7 Quy định này.

- Nếu đất nông nghiệp bạn đang sử dụng là đất lấn, chiếm hoặc tự khai hoang thì khoản hỗ trợ mà bạn nhận được là:

c) Đối với đất nông nghiệp:

- Nếu sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993: Hỗ trợ bằng 100% giá đất do Ủy ban nhân dân thành phố quy định; diện tích đất để tính hỗ trợ là diện tích đang sử dụng thực tế nhưng không vượt quá 30.000m2/hộ; phần diện tích đất còn lại (nếu có) không tính hỗ trợ.

- Nếu sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004: Hỗ trợ bằng 80% giá đất do Ủy ban nhân dân thành phố quy định: diện tích đất để tính hỗ trợ là diện tích đang sử dụng thực tế nhưng không quá 30.000m2/hộ; phần diện tích đất còn lại (nếu có) không tính hỗ trợ.

d) Các trường hợp lấn, chiếm đất từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 trở về sau: Không, tính bồi thường, hỗ trợ về đất.

3. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì được hỗ trợ về đất bằng 100% giá đất nông nghiệp để tính bồi thường theo chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt của dự án; diện tích đất để tính hỗ trợ là diện tích đang sử dụng thực tế nhưng không vượt quá 30.000m2/hộ. Đối với phần diện tích vượt hạn mức chi được tính hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định tại Điều 76 Luật Đất đai năm 2013, Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP , Điều 3 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT và Điều 7 Quy định này.

- Các khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại mà có giấy tờ, tài liệu chứng minh thì được đền bù, bồi thường theo giấy tờ, tài liệu xác định chi phí đầu tư đó. Trong trường hợp không có giấy tờ về việc đầu tư vào đất thì mức bồi thường về chi phí đầu tư vào đất còn lại được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Quyết định 28/2018/QĐ-UBND với mức bồi thường, hỗ trợ là 40.000 đồng/1 m2.

Trường hợp tài liệu, hồ sơ, chứng từ chứng minh chi phí đầu tư vào đất còn lại sau khi đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định mà thấp hơn 40.000 đồng/1 m2 thì việc đền bù, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại của người sử dụng đất được tính theo khoản 2 Điều 7 Quyết định 28/2018/QĐ-UBND như sau:

1. Trường hợp chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh (nêu tại Điểm a Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP) thì được bồi thường, hỗ trợ như sau:

a) Đối với đất nông nghiệp:

- Đất nông nghiệp trồng cây lâu năm: 50.000 đồng/m2.

- Đất nông nghiệp trồng cây hàng năm: 40.000 đồng/m2.

2. Chi phí đầu tư vào đất còn lại của trường hợp có hồ sơ, chứng từ chứng minh sau khi đã xác định mà thấp hơn mức bồi thường theo Khoản 1 trên thì Ủy ban nhân dân quận - huyện xem xét hỗ trợ thêm cho bằng mức bồi thường, hỗ trợ theo Khoản 1 Điều này.

Như vậy, giá đất nông nghiệp cụ thể mà bạn được nhận nếu đủ điều kiện được đền bù, bồi thường về đất là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định tại thời điểm thu hồi đất theo từng dự án, vị trí, phương pháp xác định giá đất cụ thể…theo quy định pháp luật.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về ​giá đền bù đất nông nghiệp, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X