Giá điện cho các hộ kinh doanh sẽ tăng thế nào từ tháng 5/2023 hẳn là băn khoăn của nhiều người hoạt động kinh doanh dịch vụ khi mới đây Bộ Công Thương ban hành bảng giá bản lẻ điện mới.
Giá điện cho các hộ kinh doanh sẽ tăng thế nào từ tháng 5/2023?
Tại Quyết định số 377/QĐ-EVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 4/5/2023 là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương với mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân trước đó.
Ngày 4/5/2023, Bộ Công Thương cũng ban hành Quyết định 1062/QĐ-BCT quy định về giá bán điện. Theo đó bảng giá bán lẻ điện mới dành cho hộ kinh doanh như sau:
Bán lẻ điện cho kinh doanh | Giá bán điện |
Cấp điện áp từ 22 kV trở lên | |
a) Giờ bình thường | 2.516 |
b) Giờ thấp điểm | 1.402 |
c) Giờ cao điểm | 4.378 |
Cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22 kV | |
a) Giờ bình thường | 2.708 |
b) Giờ thấp điểm | 1.594 |
c) Giờ cao điểm | 4.532 |
Cấp điện áp dưới 6 kV | |
a) Giờ bình thường | 2.746 |
b) Giờ thấp điểm | 1.671 |
c) Giờ cao điểm | 4.724 |
Theo thống kê số liệu năm 2022, Tập đoàn điện lực đang bán điện cho 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ. Như vậy, bình quân mỗi tháng, khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng thì sau khi thay đổi giá, trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng.
EVN cũng đang có 1,822 triệu hộ sản xuất. Mỗi hộ này bình quân mỗi tháng trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng sau khi giá điện thay đổi.
Với 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng trả tiền điện 2,01 triệu đồng sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng khi thay đổi giá điện.
Như vậy, có thể thấy không riêng gì giá điện sinh hoạt mà đối với các hộ kinh doanh, sản xuất mức chi trả tiền điện sau khi tăng giá bán lẻ bình quân lên 3% là không đáng kể.
Sau khi điều chỉnh giá điện, các hộ kinh doanh chi trả mức tăng thêm không đáng kể.
Mức tăng giá điện ảnh hưởng tối thiểu đến kinh tế, người dân
Tại buổi trao đổi, làm rõ thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện theo quyết định mới vào chiều 4/5/2023 tại Hà Nội, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết EVN đã có tính toán kỹ lưỡng về mức ảnh hưởng tới từng nhóm hộ dân.
Theo đó, dau khi tăng giá điện từ ngày 4/5/2023, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ.
Đối với các hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh mỗi tháng - nhóm khách hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khách hàng sinh hoạt thì tiền điện tăng thêm hằng tháng chỉ 11.100 đồng/hộ.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tác động của việc tăng giá điện đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như sau:
Nếu giá điện tăng 5% sẽ kéo theo CPI tăng 0,17%. Tuy nhên hiện nay, mức tăng giá điện là 3%, tác động lên CPI sẽ rất nhỏ. Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%; giá thành xi măng tăng khoảng 0,45%; giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.
Từ năm 2019 đến nay, giá điện đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và EVN nỗ lực giữ ổn định mặc dù chi phí sản xuất, thị trường nguyên nhiên liệu cũng như tỷ giá thực tế có nhiều biến động. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã thực hiện 5 đợt hỗ trợ giảm tiền điện trong bối cảnh khó khăn chung. Cụ thể, tổng số tiền hỗ trợ giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 5 đợt là khoảng 15.234 tỷ đồng nhằm giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khó khăn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, giá bán điện bình quân hiện hành giữ nguyên từ năm 2019 cho đến nay trong khi chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng đã làm cho giá không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến khá nhiều khó khăn cho ngành điện. Và việc sản xuất kinh doanh bị lỗ là điều không thể tránh khỏi.
HieuLuat vừa thông tin về vấn đề Giá điện cho các hộ kinh doanh sẽ tăng thế nào; nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.