Giấy phép lao động có thời hạn nhất định và có thể gia hạn để tiếp tục sử dụng. Dưới đây là chi tiết thủ tục gia hạn giấy phép lao động, hãy cùng tham khảo.
Giấy phép lao động có thời hạn bao lâu?
Theo Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2019, thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm, trường hợp gia hạn giấy phép lao động thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm.
Như vậy, giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được cấp với thời hạn tối đa là 02 năm. Trong trường hợp cần gia hạn, chỉ được phép gia hạn một lần duy nhất và thời hạn gia hạn cũng không vượt quá 02 năm.
Ngoài ra, theo Điều 16 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, để gia hạn giấy phép lao động, người lao động nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện dưới đây:
- Giấy phép lao động đã được cấp phải còn hiệu lực trong khoảng thời gian ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày trước khi hồ sơ gia hạn giấy phép lao động được nộp.
- Đã có sự chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền về nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.
- Người lao động nước ngoài phải cung cấp các giấy tờ chứng minh xác nhận về việc tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động, đồng thời phải tuân thủ đúng theo nội dung đã được quy định trong giấy phép lao động đã được cấp.
Hồ sơ gia hạn giấy phép lao động
Hồ sơ gia hạn giấy phép lao động
Theo Điều 17 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động gồm có những tài liệu sau:
- Văn bản đề nghị gia hạn giấy phép lao động của người sử dụng lao động nơi người lao động nước ngoài công tác.
- 02 ảnh thẻ kích thước 4x6 chụp không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu trần, không đeo kính màu.
- Giấy phép lao động còn thời hạn đã được cấp.
- Văn bản chấp thuận về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, trừ các trường hợp không phải xác định nhu cầu.
- Bản sao y công chứng hộ chiếu của người nước ngoài còn hiệu lực.
- Giấy chứng nhận/giấy khám sức khỏe của người lao động nước ngoài.
- Giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài tiếp tục làm việc theo nội dung giấy phép lao động đã được cấp.
Lưu ý: Hồ sơ phải là bản gốc/bản sao y công chứng, nếu là văn bản nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt.
Trình tự, thủ tục gia hạn giấy phép lao động
Trình tự, thủ tục gia hạn giấy phép lao động
Theo Điều 18 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, việc gia hạn giấy phép lao động thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ về việc gia hạn giấy phép lao động đến Sở lao động.
Để thực hiện quy trình gia hạn giấy phép lao động, người sử dụng lao động cần nộp hồ sơ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đính kèm với các văn bản chứng minh từ cơ quan có thẩm quyền như đã liệt kê ở mục trên.
Thời hạn nộp hồ sơ: hồ sơ phải được nộp trước ít nhất 05 ngày trước ngày hết hạn của giấy phép, nhưng không quá 45 ngày trước thời điểm hết hạn của giấy phép lao động.
Bước 2: Xử lý, tiếp nhận hồ sơ gia hạn giấy phép lao động
Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ từ người sử dụng lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc gia hạn giấy phép lao động cho người lao động. Trường hợp không đồng ý gia hạn giấy phép lao động thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.
Bước 3: Ký kết hợp đồng lao động mới với người lao động đã được gia hạn giấy phép lao động.
Sau khi được gia hạn giấy phép lao động, cả người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động. Hợp đồng lao động phải tuân thủ đầy đủ các quy định và điều khoản của pháp luật lao động và không được vi phạm nội dung đã ghi trong giấy phép lao động đã được gia hạn.
Điều này đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch trong quan hệ lao động giữa hai bên và đồng thời tạo ra một môi trường làm việc ổn định và công bằng cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Sử dụng giấy phép lao động hết hạn có bị phạt không?
Theo điểm b Khoản 3 và Khoản 5 Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng giấy phép lao động hết hạn sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Đồng thời, người lao động sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam với hành vi vi phạm này.
Ngoài ra, theo Khoản 4 Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động hết hạn thì cũng bị phạt tiền như sau:
- Phạt từ 30 triệu đồng đến 45 triệu đồng đối với phạm vi vi phạm từ 01 - 10 người;
- Phạt từ 45 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 - 20 người;
- Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với vi phạm từ 21 người trở lên.
Trên đây là các thông tin gửi đến bạn đọc về hồ sơ, trình tự, thủ tục gia hạn giấy phép lao động. Nếu cần giải đáp các vấn đề liên quan, vui long liên hệ hotline 19006192để được hỗ trợ.