hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 29/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ bằng cách nào?

Giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ thế nào? Chứng minh quyền sử dụng đất khi chưa có sổ đỏ ra sao? Nếu mua bằng giấy tay thì giải quyết tranh chấp thế nào?

Mục lục bài viết
  • Giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ như thế nào?
  • Giải quyết tranh chấp đất đai mua bán bằng giấy viết tay thế nào?
  • Xác định ai có quyền sử dụng đất khi tranh chấp bằng cách nào?
Câu hỏi: Tôi xin gửi lời chào tới Luật sư, tôi có vấn đề liên quan đến đất đai mong được Luật sư tư vấn, giải đáp cụ thể như sau:

Nhà tôi có thửa đất nằm ven đê, có nguồn gốc là đất khai hoang của ông bà tôi từ khoảng năm 1950, đất chưa được cấp sổ đỏ.

Diện tích đất khoảng hơn 900 m2, trong đó có 200m2 là mua lại của nhà ông A hàng xóm, mua bán bằng giấy tay, đã thanh toán đủ tiền mua bán.

Thời gian gần đây, chỗ chúng tôi có dự án mở rộng đường liên huyện, có thông báo về việc thu hồi đất của những hộ gia đình, cá nhân ven đê đang sử dụng.

Theo thông báo, gia đình chúng tôi bị thu hồi hơn 100m2.

Tuy nhiên, ông A hàng xóm nhà tôi lại cho rằng trong 100m2 này có 50m2 là của họ, lý do là họ đo đạc lại diện tích đất thì thấy bị thiếu so với trước đây nên họ cho rằng, phần thiếu là do nhà tôi lấn chiếm và là do trong hợp đồng mua bán chúng tôi đã đo đạc sai diện tích.

Hiện tại, họ yêu cầu gia đình chúng tôi phải trả lại 200m2 đất mua bán trước đây vì lý do tại thời điểm ký chỉ có ông A ký bán đất mà không có chữ ký của vợ ông A.

Họ đề nghị trả lại cho gia đình tôi số tiền đã mua bán trước đây để hai bên chấm dứt hợp đồng, chúng tôi nhận lại tiền, họ nhận lại đất.

Chúng tôi không đồng ý cách xử lý này.

Vì muốn việc đền bù bồi thường được diễn ra nhanh chóng nên chúng tôi đã nhiều lần chủ động thương lượng, hòa giải với nhà ông A nhưng không có kết quả.

Vậy với những thông tin mà tôi đã trình bày, Luật sư có thể giải đáp giúp tôi, gia đình tôi cần phải làm gì để bảo vệ quyền sử dụng thửa đất hơn 900m2 này của mình?

Chào bạn, với thắc mắc liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Trước hết, trong vướng mắc về tranh chấp của gia đình bạn có 2 nội dung:

Nội dung thứ 1: Tranh chấp về ranh giới, mốc giới, diện tích sử dụng và ai là người có quyền đối với diện tích đất chưa có sổ

  • Đây là tranh chấp đất đai theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013;

Nội dung thứ 2: Tranh chấp về hợp đồng mua bán đất giấy tay giữa gia đình ông A với gia đình nhà bạn

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình bạn đối với hơn 900m2 đất đang sử dụng thì cần phải giải quyết triệt để cả 2 tranh chấp nêu trên. 

Chi tiết như chúng tôi nêu dưới đây.

Giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ như thế nào?

Giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ trong trường hợp của bạn là giải quyết tranh chấp về 50m2 đất mà gia đình hàng xóm cho rằng nó thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình bạn.

Hay chính là giải quyết nội dung thứ nhất trong số 2 nội dung tranh chấp của vụ việc gia đình bạn đang vướng mắc như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Theo quy định tại Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai 2013, trình tự giải quyết tranh chấp đất đai được giải quyết như sau:

Bước 1: Hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất

Bước 2: Giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất

Bước 3: Thi hành theo bản án, quyết định đã có hiệu lực

Chi tiết các công việc giải quyết, thực hiện trong từng bước như sau:

Các bước thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ

Chi tiết các công việc thực hiện

Bước 1: Hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất

  • Nếu không thể tự hòa giải, bạn hoặc nhà ông A hoặc cả hai bên có quyền gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

  • Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận đơn và tiến hành hòa giải trong thời gian không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận đơn;

  • Việc hòa giải phải được lập thành biên bản;

  • Thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã là thủ tục bắt buộc;

Bước 2: Giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất

  • Trường hợp không hòa giải được, các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp ở Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân nơi có đất;

  • Trong hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cần phải có các tài liệu, giấy tờ sau:

    • Biên bản hòa giải không thành tại Ủy ban nhân dân cấp xã;

    • Đơn khởi kiện nếu giải quyết tại tòa án hoặc đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nếu giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất;

    • Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sử dụng đất ổn định, hợp pháp đối với hơn 900m2 đất của gia đình bạn (toàn bộ giấy tờ liên quan);

  • Căn cứ yêu cầu giải quyết tranh chấp, tài liệu, giấy tờ chứng minh, Tòa án hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy định;

  • Các bên có quyền kháng cáo/đề nghị kháng nghị hoặc yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất yêu cầu giải quyết nếu bản án sơ thẩm hoặc quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bạn;

Bước 3: Thi hành theo bản án, quyết định đã có hiệu lực

  • Bản án, quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu là căn cứ để các bên buộc phải thi hành;

  • Bên được hưởng quyền lợi từ bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành theo bản án đã có hiệu lực nếu bên có nghĩa vụ không tự thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của họ theo bản án;

Về bản chất, để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn cần phải chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của mình.

Các giấy tờ, tài liệu này có thể là các tài liệu, giấy tờ chứng minh quá trình sử dụng đất trên thực tế hoặc quá trình quản lý, sử dụng đất theo hồ sơ quản lý đất đai tại cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, trình tự giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ gồm các bước như chúng tôi đã nêu ở trên.

Tương ứng với mỗi bước là các công việc mà đương sự cần phải lưu ý thực hiện.

Giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ 2023Giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ 2023

Giải quyết tranh chấp đất đai mua bán bằng giấy viết tay thế nào?

Như chúng tôi đã trình bày, để giải quyết triệt để tranh chấp của gia đình bạn thì ngoài vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ còn là giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán đất.

Cụ thể hơn, giải quyết tranh chấp đất đai là hợp đồng mua bán đất bằng giấy tay được thực hiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán đất được thực hiện theo trình tự như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán đất bằng giấy tay

Hồ sơ gồm:

  • Đơn khởi kiện: Đơn khởi kiện này có thể được sử dụng chung với đơn khởi kiện tranh chấp đất đai ở nội dung thứ nhất (yêu cầu giải quyết chung mà không tách vụ việc);

  • Tòa án nhân dân nơi thụ lý, giải quyết vụ việc cũng là tòa án nhân dân tiếp nhận vụ việc giải quyết tranh chấp đất đai ở trên;

  • Ngoài đơn khởi kiện, bạn cần chuẩn bị hợp đồng mua bán đã lập, văn bản xác nhận đã giao nhận tiền, giấy tờ khác chứng minh quá trình sử dụng, quản lý đất hợp pháp của gia đình bạn;

Lưu ý rằng, 

  • Đối với tranh chấp hợp đồng, pháp luật quy định một trong số các bên hoặc cả hai bên có quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, thời hiệu này là 3 năm;

  • Có nghĩa rằng, nếu quá thời hiệu giải quyết tranh chấp hợp đồng mà có bên yêu cầu áp dụng thời hiệu thì tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án;

  • Ngược lại, nếu quá thời hiệu khởi kiện mà các bên không có yêu cầu áp dụng hoặc chưa hết thời hiệu thì tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục chung;

  • Các bên không buộc phải yêu cầu tòa áp dụng thời hiệu khởi kiện;

Bước 2: Giải quyết tại tòa án nhân dân có thẩm quyền

  • Do việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán đất được thực hiện cùng với giải quyết tranh chấp về việc ai có quyền sử dụng đất, ranh giới đất nên tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất là tòa có thẩm quyền thụ lý;

  • Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán đất bằng giấy tay tại tòa án được thực hiện theo trình tự quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;

  • Các bên có quyền kháng cáo hoặc yêu cầu kháng nghị nếu việc giải quyết của Tòa án không đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bạn;

Tại đây, việc giải quyết tranh chấp sẽ dựa trên chứng cứ, tài liệu của vụ án và quy định của pháp luật về vấn đề:

  • Có phát sinh hợp đồng mua bán đất hay không;

  • Hợp đồng này có giá trị pháp lý hay không: Bên mua, bên bán, nội dung mua bán có hợp pháp không;

  • Quyền sử dụng đất hợp pháp là của ai, ai có quyền chuyển nhượng, chỉ mình ông A ký tên trên hợp đồng mà vợ không ký thì có phù hợp quy định pháp luật không, có đủ điều kiện để công nhận hợp đồng mua bán hay không;

  • Yêu cầu trả lại 200m2 đất của nhà ông A theo yêu cầu khởi kiện có phù hợp không, phù hợp như thế nào, giải quyết ra sao với yêu cầu này (đối chiếu quy định pháp luật và tài liệu chứng cứ vụ việc, yêu cầu khởi kiện để tòa án rút ra kết luận này);

  • Các vấn đề khác theo yêu cầu khởi kiện;

Bước 3: Thi hành án

  • Các bên có nghĩa vụ thi hành theo bản án đã có hiệu lực;

Lưu ý, bởi chúng tôi chưa được tiếp cận hồ sơ thực tế của vụ việc, do vậy, chưa thể có kết luận hoặc giải đáp chi tiết hơn cho bạn.

Như vậy, giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ và giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán đất trong trường hợp của bạn được thực hiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Để đảm bảo được quyền lợi của mình, bạn cần chuẩn bị các loại giấy tờ chứng minh cho quá trình sử dụng đất, quá trình thực hiện mua bán đất là hợp pháp.

Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏHồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ 

Xác định ai có quyền sử dụng đất khi tranh chấp bằng cách nào?

Để xác định ai có quyền sử dụng đất khi giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ trong trường hợp của bạn dựa trên các căn cứ pháp lý và căn cứ thực tế..

Trong đó:

Căn cứ pháp lý có thể được xác nhận là các giấy tờ, tài liệu sau đây:
  • Thông tin thể hiện tại sổ địa chính, sổ mục kê, cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính;

  • Thông tin về việc kê, khai đóng nộp các khoản thuế, phí, lệ phí liên quan đến thửa đất tranh chấp;

  • Thông tin về việc xử lý vi phạm hành chính (nếu có) đối với thửa đất;

  • Các loại giấy tờ khác như văn bản xác nhận đăng ký đất đai, hồ sơ đăng ký đất đai đã được xác nhận…;

Căn cứ thực tế về việc sử dụng đất có thể được xác nhận thông qua các tài liệu, giấy tờ hoặc các sự kiện sau:

  • Thời điểm bắt đầu sử dụng đất và người sử dụng đất thực tế;

  • Nguồn gốc của đất đang tranh chấp;

  • Quá trình sử dụng đất sau khi đã mua bán;

  • Sự tự nguyện và quá trình xác lập hợp đồng mua bán của các bên;

  • Ranh giới, diện tích, mốc giới sử dụng đất trên thực địa như thế nào, xác định ra sao;

  • Các văn bản, tài liệu, giấy tờ, hình ảnh… khác có liên quan đến việc chứng minh quyền sử dụng đất khai hoang, đất đã mua bán;

Như vậy, tài liệu, giấy tờ giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ dùng để chứng minh ai là người có quyền sử dụng đất được xác định dựa trên nguồn gốc đất, thời điểm bắt đầu sử dụng đất, quá trình sử dụng đất.

Các căn cứ pháp lý và căn cứ thực tế là những căn cứ được sử dụng để chứng minh cho vấn đề này, cụ thể như chúng tôi đã nêu trên.

Bởi không có hồ sơ vụ việc cụ thể nên chúng tôi chỉ có thể gửi tới bạn những hướng dẫn sơ bộ, những quy định chung về vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai, tranh chấp hợp đồng mua bán đất.

Bạn đối chiếu với trường hợp của mình để có giải đáp phù hợp.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X