hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 10/01/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giải trình là gì? Giải trình trong xử phạt vi phạm hành chính là gì?

Giải trình là quyền của cá nhân, tổ chức khi bị lập biên bản vi phạm hành chính. Vậy giải trình là gì? Giải trình trong xử lý vi phạm hành chính là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu hoạt động này thông qua bài viết dưới đây

Mục lục bài viết
  • Giải trình là gì?
  • Giải trình trong xử phạt vi phạm hành chính là gì?
  • Hướng dẫn làm giải trình đúng quy định pháp luật
Câu hỏi: Tôi bị xử phạt hành chính 20 triệu đồng về hành vi đánh bắt thủy sản có độc tố tự nhiên gây hại cho sức khỏe con người. Nhưng tôi là người làm thuê, không biết loại thủy sản đó có độc. Tôi được cán bộ thông báo được phép giải trình về hành vi của mình. Tôi muốn hỏi về việc giải trình trong xử lý vi phạm hành chính là như thế nào?

Giải trình là gì?

Giải trình là gì?

Giải trình theo nghĩa Tiếng việt là trình bày để giải thích. Giải trình cũng là cụm từ được sử dụng nhiều trong hoạt động thực thi pháp luật. Giải trình được hiểu là trình bày, giải thích về hành vi của mình hoặc trình bày ý kiến của mình đối với hành vi đó với một cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 

Giải trình xuất hiện trong một số văn bản pháp luật như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng chống tham nhũng.

Trong đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định về quyền được giải trình của cá nhân, tổ chức bị lập biên bản do bị cho rằng có hành vi vi phạm. Hay Luật Phòng chống tham nhũng cũng quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan tổ chức đơn vị có thẩm quyền. 

Giải trình trong xử phạt vi phạm hành chính là gì?

Giải trình trong xử phạt vi phạm hành chính là gì?

Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định về việc giải trình. Trong một số trường hợp, người vi phạm sẽ có quyền được giải trình về hành vi bị cho làm vi phạm của mình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Khoản 1 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 có quy định các trường hợp người vi phạm được quyền giải trình như sau:

- Hành vi vi phạm có quy định hình thức xử phạt là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Hành vi vi phạm có quy định mức phạt từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức. 

Việc giải trình này sẽ giúp tăng cường tính công khai, minh bạch và dân chủ trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo quyền lợi cho tổ chức, cá nhân.

Người có thẩm quyền xử phạt sẽ xem xét nội dung giải trình trước khi ban hành quyết định xử phạt, như vậy việc xử lý vi phạm sẽ hạn chế được các trường hợp xử phạt sai, xử phạt chưa chính xác. 

Theo quy định, việc giải trình sẽ được ghi nhận bằng văn bản và lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm. 

Hướng dẫn làm giải trình đúng quy định pháp luật

Để thực hiện việc giải trình theo đúng quy định của pháp luật thì cần phải lưu ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, các trường hợp được giải trình

Cá nhân, tổ chức vi phạm phải xem mình có thuộc trường hợp được giải trình hay không. Các trường hợp được quyền giải trình đã được quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) bao gồm: 

- Hành vi vi phạm có quy định hình thức xử phạt là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Hành vi vi phạm có quy định mức phạt từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức. 

Thứ hai, hình thức giải trình

Các cá nhân tổ chức có thể thực hiện việc giải trình bằng 2 cách là giải trình trực tiếp hoặc giải trình bằng văn bản.

Thứ ba, thẩm quyền giải quyết 

Người có thẩm xử phạt vi phạm hành chính là người nhận văn bản hoặc trực tiếp nghe giải trình từ cá nhân, tổ chức. 

Theo khoản 4 Điều 17 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, trường hợp chưa xác định được người có thẩm quyền xử phạt thì tổ chức, cá nhân bị lập biên bản sẽ gửi văn bản giải trình đến người đã lập biên bản. Sau khi xác định được người có thẩm quyền xử phạt thì người có quyền lập biên bản sẽ chuyển văn bản giải tình đến cho người đó. 

Thứ tư, thời hạn giải trình

- Nếu giải trình bằng văn bản, thời hạn gửi văn bản đến người có thẩm quyền là 05 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản. Nếu trường hợp phức tạp thì thời hạn giải trình có thể được đề nghị gia hạn nhưng không quá 05 ngày làm việc.

- Nếu giải trình trực tiếp, thời hạn cá nhân, tổ chức đến giải trình trực tiếp là 02 ngày làm việc kể từ ngày bị lập biên bản. 

Trong 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu giải trình, thì người có thẩm quyền sẽ tổ chức phiên giải trình trực tiếp. 

Thứ năm, nội dung giải trình

Cá nhân, tổ chức bị lập biên bản xử phạt sẽ phải nêu ra một số nội dung sau:

- Thông tin của cá nhân tổ chức yêu cầu giải trình;

- Thông tin, số biên bản xử phạt;

- Nội dung giải trình về vấn đề gì, các tài liệu, chứng cứ chứng minh phục vụ việc giải trình

Bài viết trên đây đã giải đáp cho các bạn về vấn đề Giải trình là gì? Giải trình trong xử phạt vi phạm hành chính là gì? Nếu còn vấn đề nào chưa rõ, cần được tư vấn thêm các bạn vui lòng liên hệ tổng đài:  19006192 .
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X