hieuluat
Chia sẻ email

Có bắt buộc phải giám định y khoa để lập di chúc không?

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản cho người khác sau khi họ chết. Điều được nhiều người quan tâm là cá nhân có bắt buộc phải thực hiện giám định y khoa trước khi lập di chúc không?

Mục lục bài viết
  • Có phải giám định y khoa khi lập di chúc không?
  • Muốn lập di chúc có phải khám sức khỏe không?
  • Giám định tâm thần để làm di chúc ở đâu?

Có phải giám định y khoa khi lập di chúc không?

Câu hỏi: Xin chào Hiểu luật, tôi có câu hỏi xin được tư vấn như sau: Tôi hiện có một số tài sản, muốn lập di chúc để lại tài sản này cho con. Tuy nhiên, tôi có đọc được một số bài viết trên mạng rằng khi lập di chúc thì tôi phải làm thù tục giám định y khoa. Vậy, tôi muốn biết thông tin như tôi đã đọc có chính xác theo quy định pháp luật hay không? Xin chân thành cảm ơn.
Chào bạn. Chúng tôi đã nhận được câu hỏi của bạn. Dựa trên thông tin bạn cung cấp và căn cứ các quy định của pháp luật, chúng tôi xin được tư vấn cho bạn như sau:

Theo Thông tư 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH, giám định y khoa có thể được hiểu là việc xác định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ.

Còn theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, giám định y khoa là việc khám giám định mức suy giảm khả năng lao động của người lao động để làm căn cứ cho người lao động hưởng các chế độ bệnh nghề nghiệp, chế độ tai nạn lao động, chế độ hưu trí...

Việc giám định y khoa phải được thực hiện tại Hội đồng giám định y khoa cấp có thẩm quyền và phải theo trình tự luật định.

Như vậy, có thể hiểu đơn giản giám định y khoa là việc Hội đồng giám định y khoa thực hiện khám xác định bệnh, tật, dị dạng, dị tật hoặc mức độ suy giảm khả năng lao động.

Hiện nay, pháp luật dân sự không có yêu cầu nào về việc phải giám định y khoa trước khi lập di chúc.

Theo Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc có hiệu lực khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật;

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ: phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực;

- Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực: chỉ được coi là hợp pháp, nếu đáp ứng đủ các điều kiện được quy định về hình thức, nội dung và người lập di chúc minh mẫn, tỉnh táo, sáng suốt, không bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép khi lập di chúc;

- Di chúc miệng được coi là hợp pháp: phải có ít nhất 02 người làm chứng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, di chúc này phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng;

Như vậy, một di chúc hợp pháp không bao gồm việc người lập di chúc phải có kết quả giám định y khoa. Nói cách khác, luật không quy định bạn bắt buộc tiến hành thủ tục giám định y khoa khi lập di chúc. 

Muốn lập di chúc có phải khám sức khỏe không?

Câu hỏi: Tôi đi công chứng di chúc nhưng công chứng viên yêu cầu tôi đi khám sức khỏe và giám định tâm thần. Yêu cầu như vậy có đúng không?
Chào bạn, chúng tôi đã nhận được câu hỏi của bạn. Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Với mong muốn lập di chúc của mình, pháp luật quy định rất nhiều hình thức cho bạn lựa chọn như: bằng văn bản, di chúc miệng, có công chứng/chứng thực... Trong trường hợp bạn muốn di chúc của mình được công chứng thì bạn cần chú ý quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Công chứng 2014:

Điều 56. Công chứng di chúc

...

2. Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.

...

Điều này có nghĩa rằng, khi bạn muốn công chứng di chúc mà công chứng viên nghi ngờ bạn có bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình hoặc có dấu hiệu cho thấy bạn bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì bạn phải chứng minh cho công chứng viên thấy bạn hoàn toàn đủ điều kiện về sức khỏe, tinh thần, không bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép khi lập di chúc.

Công chứng viên có quyền từ chối công chứng di chúc của bạn nếu bạn không thể chứng minh được những nghi ngờ trên. Từ quy định trên, việc công chứng viên yêu cầu bạn khám sức khỏe trước khi lập di chúc là không có căn cứ pháp luật; nhưng công chứng yên có quyền yêu cầu bạn giám định tâm thần khi họ có nghi ngờ bạn bị bệnh tâm thần.

Kết luận: quy định pháp luật hiện hành không yêu cầu bạn phải thực hiện thủ tục khám sức khỏe khi công chứng di chúc trừ trường hợp công chứng viên nghi ngờ bạn mắc bệnh tâm thần... thì có quyền yêu cầu bạn giám định tâm thần.

giam dinh y khoa de lap di chuc

Giám định sức khỏe để lập di chúc có cần thiết không? (Ảnh minh họa)

Giám định tâm thần để làm di chúc ở đâu?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có trường hợp muốn được giải đáp như sau: việc giám định sức khỏe tâm thần trước khi lập di chúc có cần thiết không? và nếu phải làm thì cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện?. Tôi cảm ơn.

Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận yêu cầu tư vấn của bạn. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Giám định tâm thần là một thuật ngữ pháp lý có thể được hiểu theo quy định tại Luật Giám định tư pháp 2012, Thông tư 23/2019/TT-BYT và các văn bản khác có liên quan là  trình tự, thủ tục giám định tâm thần với mục đích nghiên cứu, đánh giá mối liên hệ giữa trạng thái tâm lý và các hành vi dân sự, hình sự mà một người thực hiện. Từ đó, có căn cứ xác định người đó có hay không vi phạm pháp luật dân sự hoặc hình sự.

Khác với giám định tâm thần được thực hiện theo quy định trên, giám định sức khỏe tâm thần trước khi lập di chúc như bạn đề cập, chúng tôi hiểu rằng bạn muốn kiểm tra sức khỏe của mình, xem có hay không mắc các bệnh về tâm thần hay các bệnh lý khác, dẫn đến mất/hạn chế khả năng nhận thức, tự chủ hành vi, không đảm bảo đủ minh mẫn, tỉnh táo, sáng suốt để lập di chúc.

Với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 tại Điều 630 về những điều kiện có hiệu lực của di chúc thì giám định sức khỏe tâm thần không phải là yêu cầu bắt buộc khi bạn lập di chúc.

Trường hợp bạn nghi ngờ về tình trạng sức khỏe của mình thì có thể tự mình yêu cầu giám định, kiểm tra. Hoặc trong trường hợp bạn thấy cần thiết dùng kết quả giám định sức khỏe để chứng minh sự tự chủ về nhận thức, hành vi của mình khi công chứng viên nghi ngờ (theo khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng 2014).

Thông thường, khi bạn có nhu cầu khám sức khỏe tâm thần trước khi lập di chúc bạn có thể thực hiện tại các cơ sở y tế có chức năng, thẩm quyền khám, chữa bệnh tâm thần (ví dụ bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện lão khoa trung uơng...)

Từ các căn cứ trên, pháp luật không yêu cầu bạn phải thực hiện giám định sức khỏe tâm thần trước khi lập di chúc. Nếu bạn thấy mình cần kiểm tra sức khỏe hoặc muốn dùng kết quả để làm rõ mình đủ điều kiện lập di chúc với công chứng viên thì bạn có thể thực hiện khám sức khỏe về tâm thần tại các cơ sở y tế có chức năng, thẩm quyền.

Trên đây là giải đáp giám định y khoa để lập di chúc, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Cha, mẹ có cần các con đồng ý khi lập di chúc không?

>> Di chúc có được đánh máy không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X