hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 09/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giảng viên cơ hữu là gì? Giảng viên thỉnh giảng là gì?

Chúng ta thường nghe nhắc đến giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng nhưng có thể không hiểu rõ giảng viên cơ hữu là gì và giảng viên thỉnh giảng là gì? Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này ở bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Giảng viên cơ hữu là gì? Giảng viên cơ hữu là công chức hay viên chức?
  • Giảng viên thỉnh giảng là gì?
  • Số lượng giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng 
Câu hỏi: Cho tôi hỏi giảng viên cơ hữu là gì? Giảng viên thỉnh giảng là gì? Giảng viên tại trường đại học công lập được xem là công chức hay viên chức?

Giảng viên cơ hữu là gì? Giảng viên cơ hữu là công chức hay viên chức?

Giảng viên cơ hữu của trường đại học công lập là viên chức còn giảng viên cơ hữu của trường đại học tư thục là giảng viên được ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm/không xác định thời hạn, không phải là công chức/viên chức, không ký hợp đồng từ 03 tháng trở lên với người sử dụng lao động khác.

Theo khoản 1 Điều 66 Luật Giáo Dục số 43/2019/QH14 có thể hiểu giảng viên là những nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên.

Theo đó, chức danh của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư và giáo sư. Cụ thể, đối với giảng viên cơ hữu, Khoản 1 Điều 10 Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định như sau:

1. Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học, đạt các tiêu chí sau:

[...]

e) Giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đại học công lập là giảng viên, cán bộ được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do trường đại học trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành.

Đối chiếu với quy định tại khoản 2 Luật Viên chức năm 2010:

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Còn công chức được định nghĩa tại khoản 2 Điều 3 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 là:

Công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng…

Căn cứ vào những quy định trên, có thể thấy, việc xác định giảng viên cơ hữu được chia theo loại hình trường đại học:

- Giảng viên cơ hữu của trường đại học công lập là viên chức được tuyển dụng theo vị trí việc làm, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, thực tế, có trường hợp giảng viên cơ hữu ký hợp đồng lao động với đơn vị sự nghiệp công lập và lúc này giảng viên cơ hữu không phải là viên chức mà là người lao động tại đơn vị sự nghiệp công lập.

- Giảng viên cơ hữu của trường đại học dân lập là giảng viên được ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm/không xác định thời hạn, không là công chức/viên chức nhà nước, không đang làm việc có thời hạn từ 03 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác.

Giảng viên cơ hữu của trường đại học dân lập do trường đại học trả lương, các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động.

Giảng viên cơ hữu là gì? Là viên chức hay công chức?Giảng viên cơ hữu là gì? Là công chức hay viên chức?

Đối với giảng viên cơ hữu của trường đại học tư thục, họ là những người ký hợp đồng lao động với phía nhà trường, vì vậy họ được xem là người lao động và không phải là công chức hay viên chức.

Lúc này, quan hệ lao động giữa giảng viên và nhà trường sẽ là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên sẽ được Bộ luật Lao động quy định.

Như vậy, tùy từng trường hợp, giảng viên cơ hữu có thể là viên chức hoặc người lao động trong quan hệ lao động.

Giảng viên thỉnh giảng là gì?

Giảng viên thỉnh giảng là những nhà giáo đáp ứng tiêu chuẩn của nhà giáo thỉnh giảng được mời đến cơ sở giáo dục để thực hiện hoạt động giảng dạy. Cụ thể, Điều 71 Luật Giáo dục quy định về giảng viên thỉnh giảng như sau:

Điều 71. Thỉnh giảng

1. Thỉnh giảng là việc cơ sở giáo dục mời người đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 của Luật này đến giảng dạy. Người được cơ sở giáo dục mời giảng dạy được gọi là giáo viên thỉnh giảng hoặc giảng viên thỉnh giảng.

2. Giáo viên, giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 69 của Luật này. Giáo viên, giảng viên thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nơi mình công tác.

Giảng viên thỉnh giảng tại trường đại họcGiảng viên thỉnh giảng tại trường đại học

Như vậy, giảng viên thỉnh giảng là những nhà giáo đáp ứng đủ tiêu chuẩn của nhà giáo thỉnh giảng được mời đến cơ sở giáo dục để thực hiện hoạt động giảng dạy. Cụ thể:

  • Có phẩm chất, đạo đức tốt;

  • Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp;

  • Có kỹ năng nâng cao năng lực chuyên môn;

  • Bảo đảm sức khỏe.

Bên cạnh tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 Luật Giáo dục, giảng viên thỉnh giảng còn phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 Quy định ban hành kèm Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT quy định về giảng viên thỉnh giảng. Chẳng hạn:

  • Đối với việc giảng dạy các chuyên đề không có trong chương trình giáo dục giáo dục đại học giảng viên thỉnh giảng phải có học vấn và kinh nghiệm phù hợp.

  • Nhà giáo thỉnh giảng phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

  • Đối với hoạt động xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, giảng viên thỉnh giảng phải đảm một số yêu cầu nhất định theo quy định (có công trình khoa học, có sách chuyên khảo đã được xuất bản,...).

Số lượng giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng 

Số lượng giảng viên cơ hữu và thỉnh giảngSố lượng giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng

Điều 5 Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT) quy định:

  • Đối với giảng viên đào tạo trình độ cao đẳng, đại học:

Tổng số giảng viên quy đổi (không bao gồm ngành Đào tạo giáo viên) theo lĩnh vực đào tạo gồm số giảng viên toàn thời gian (gồm giảng viên cơ hữu và giảng viên ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên) quy đổi và giảng viên thỉnh giảng quy đổi tương ứng của lĩnh vực đào tạo.

Tổng số giảng viên quy đổi theo ngành thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên gồm số giảng viên cơ hữu quy đổi của ngành đào tạo đó (giảng viên thỉnh giảng không được tính).

Số giảng viên thỉnh giảng được tính tối đa bằng 10% tổng số giảng viên toàn thời gian.

Đối với các ngành đặc thù thuộc số giảng viên thỉnh giảng được tính tối đa bằng 40% số giảng viên toàn thời gian.

  • Đối với giảng viên đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ:

Tổng số giảng viên theo ngành đào tạo bao gồm giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng có trình độ, chức danh đáp ứng yêu cầu và phù hợp về chuyên môn đào tạo.

Số lượng giảng viên thỉnh giảng được tính tối đa bằng 10% tổng số giảng viên toàn thời gian.

Đối với ngành đào tạo đặc thù số lượng giảng viên thỉnh giảng được tính tối đa bằng 40% tổng số giảng viên toàn thời gian.

Phần trên đây là nội dung liên quan đến giảng viên cơ hữu là gì và giảng viên thỉnh giảng là gì. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung này vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn và hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X