hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 16/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Điều kiện để giành quyền nuôi con khi ly hôn đơn phương như thế nào?

Trong các vụ án ly hôn, ngoài các vấn đề phân chia về tài sản, khoản nợ thì Tòa án còn giải quyết về quyền nuôi con sau khi ly hôn. Việc đánh giá, xem xét, trao quyền nuôi con sau khi ly hôn cho ai được Tòa án thực hiện dựa theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình

Câu hỏi: Chào Luật sư. Tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Vợ chồng tôi kết hôn có 1 bé gái gần 4 tuổi. Qua khoảng thời gian chung sống, tôi phát hiện chồng mình ngoai tình quá nhiều lần. Và vừa rồi là lần thứ 4 tôi phát hiện qua lại với một cô gái.

Tôi đã cảnh cáo chồng cùng cô gái ấy nhiều lần, đồng thời, tôi cũng có đủ tin nhấn, ghi âm hứa không qua lại nữa. Tôi nghĩ rằng mọi chuyện sẽ kết thúc như vậy nhưng không ngờ rằng, tôi lại bắt gặp chồng mình cùng ở nhà trọ cô gái đó giữa đêm.

Hiện tại, tôi không thể nào chấp nhận cuộc sống như vậy. Tôi đã nộp đơn li hôn. Tôi có công việc nên có khả năng về kinh tế nhưng không có nhà, còn nhà cha mẹ đẻ của tôi thì lại ở xa. Như vậy, tôi có giành quyền nuôi con được không, thưa Luật sư? Xin cảm ơn.

Chào bạn, trước hết, chúng tôi rất chia sẻ với câu chuyện và những gì bạn đang trải qua. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi xin được giải đáp các vấn đề bạn còn vướng mắc như sau:

Phải đảm bảo những điều kiện gì để được quyền nuôi con khi ly hôn đơn phương?

Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP, quyền nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện như sau:

Một là, vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con; về quyền, nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn với con. Tòa án công nhận sự thỏa thuận này của các bên và các bên phải có nghĩa vụ thực hiện theo đúng thỏa thuận đã được công nhận;

Hai là, trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định người trực tiếp nuôi con dựa trên quyền lợi trực tiếp của con (quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần)

Một số nguyên tắc được Tòa án nhân dân dùng làm căn cứ để xác định việc trao quyền nuôi dưỡng con cho ai gồm:

+ Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Tuy nhiên, người mẹ không được nuôi con dưới 36 tháng tuổi nếu không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con;

+ Con từ 07 tuổi trở lên, thì trước khi quyết định, Toà án phải hỏi ý kiến của người con đó về nguyện vọng được sống trực tiếp với ai;

+ Về điều kiện kinh tế của hai vợ chồng: Thường tòa sẽ xem xét đến khả năng kinh tế của các bên như về nguồn thu nhập, công việc chủ yếu để đảm bảo con có được môi trường phát triển thuận lợi, nơi ở của các bên (nhà ở, nhà thuê, nhà mượn..),…

+ Về điều kiện tinh thần: Như thời gian chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ con của các bên…phẩm chất đạo đức của vợ chồng, lối sống/nhân cách của vợ chồng, thời gian chung sống với con từ trước tới nay của hai vợ chồng, con ở với ai thì có điều kiện phát triển thuận lợi hơn…

Sau khi xem xét, cân nhắc, đối chiếu toàn bộ các điều kiện như đã nêu trên, Tòa sẽ quyết định người được quyền nuôi dưỡng con.

Trong trường hợp của bạn, theo thông tin bạn cung cấp, chồng bạn có hành vi không chung thủy nên về lối sống, hành vi, nhân cách, phẩm chất đạo đức của chồng bạn không có lợi cho sự hình thành nhân cách, hành vi ứng xử của con. Và đây là một trong những căn cứ để bạn có thể yêu cầu Tòa không trao quyền nuôi con cho chồng bạn.

Con của bạn trên 36 tháng tuổi nên bạn không được quyền ưu tiên nuôi dưỡng, Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể của các bên để quyết định quyền nuôi dưỡng con thuộc về cha hay mẹ của đứa bé. Việc bạn chưa có nơi ở rõ ràng, cụ thể cũng là một điểm bất lợi trong quá trình giải quyết ly hôn, yêu cầu được nuôi dưỡng con. Nếu được, chúng tôi kiến nghị bạn hãy chuẩn bị cho mình nơi ở rõ ràng cụ thể như đi thuê, đi mượn, đi ở nhờ… để có được căn cứ có lợi khi giành quyền nuôi con.

Bên cạnh đó, trong quá trình giành quyền nuôi con, bạn cũng cần thực hiện yêu cầu chồng của bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Tiền cấp dưỡng nuôi con gồm những chi phí tối thiểu cho việc học hành, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con hàng ngày. Bạn có thể yêu cầu chồng bạn cấp dưỡng theo hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm hoặc cấp dưỡng một lần.

Lưu ý: Việc giải quyết ly hôn phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục luật định.

Xem thêm: Thủ tục ly hôn đơn phương hiện nay thế nào?

Kết luận: Nếu bạn và chồng thỏa thuận được quyền nuôi con khi ly hôn thì Tòa án sẽ công nhận thỏa thuận đó, các bên sẽ thực hiện theo thỏa thuận. Nếu các bên không thể thỏa thuận được việc nuôi dưỡng con khi ly hôn thì Tòa án sẽ xem xét các điều kiện như chúng tôi đã trình bày ở trên để quyết định.

Chúng tôi chưa thể khẳng định việc bạn có giành được quyền nuôi dưỡng con của mình khi ly hôn hay không bởi vì ngoài điều kiện về kinh tế, nhân cách, phầm chất đạo đức của các bên thì Tòa án còn xem xét rất nhiều vấn đề khác trước khi có quyết định cuối cùng trao quyền nuôi con cho ai. Do chưa được tiếp cận vụ việc của bạn một cách toàn diện nên dựa trên những giải đáp trên đây của chúng tôi, bạn xem xét và lựa chọn cách xử lý thích hợp để đạt được quyền lợi hợp pháp cho mình.

gianh quyen nuoi con khi ly hon


Có được yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn không?

Trong trường hợp xấu nhất, bạn không thể giành được quyền nuôi con khi ly hôn thì vẫn có thể được quyền yêu ầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền (Tòa án nơi con của bạn cư trú sau khi vợ chồng bạn ly hôn) giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Lúc này, căn cứ để Tòa án xem xét, giải quyết quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con được quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau:

- Do cha mẹ của trẻ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thỏa thuận này phải đảm bảo vì lợi ích của con;

- Do người trực tiếp nuôi dưỡng con không còn đủ điều kiện về kinh tế, tinh thần, các điều khác để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho con. Một số ví dụ bạn có thể xem xét dùng làm căn cứ để yêu cầu thay đổi trực tiếp người nuôi con như sau:

+ Người trực tiếp nuôi dưỡng không có thu nhập hoặc không có công việc để tạo ra nguồn thu nhập, không đảm bảo kinh tế cho con, trong khi người còn lại có thể đáp ứng điều kiện này;

+ Người trực tiếp nuôi dưỡng không có nơi cư trú hoặc nơi cư trú không đảm bảo điều kiện phát triển của con, không phù hợp với môi trường học tập, vui chơi của con;

+ Người trực tiếp nuôi dưỡng mắc các bệnh hiểm nghèo, các tệ nạn xã hội hoặc các bệnh làm mất khả năng/hạn chế khả năng về sức khỏe, nhận thức và làm chủ hành vi dẫn đến không còn đủ năng lực chăm sóc cho con;

+ Người trực tiếp nuôi dưỡng không là người trực tiếp nuôi dưỡng con mà lại bỏ đi làm ăn xa, đi nước ngoài làm việc trong thời gian dài…để lại con cho ông bà nội hoặc người khác nuôi dưỡng…

Phải lưu ý rằng: Những ví dụ của chúng tôi nêu trên là các tình huống phát sinh trên thực tế, dẫn đến việc nuôi dưỡng con không đảm bảo được như tại thời điểm Tòa quyết định cho nuôi dưỡng tại thời điểm ly hôn. Quyết định cuối cùng để được thay đổi trực tiếp người nuôi con thuộc về Tòa án.

Và dù có thay đổi trực tiếp người nuôi con thì vẫn phải dựa trên lợi ích chính đáng cho con, không nên vì ham muốn phải được quyền nuôi con mà không đảm bảo các điều kiện về môi trường sống, học tập, phát triển cho con.

Kết luận: Trong trường hợp bạn không thể giành được quyền trực tiếp nuôi con tại thời điểm giải quyết ly hôn thì bạn có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn dựa trên những căn cứ trên.

Trên đây là giải đáp giành quyền nuôi con khi ly hôn, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn thế nào?

>> Ly hôn khi bị mất giấy chứng nhận kết hôn có được không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X