hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 04/09/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Điều kiện giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân là gì?

Khi nào Nhà nước giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân? Hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân là bao nhiêu? Cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp là những ai?... Những vấn đề được nhiều người quan tâm xoay quanh việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sẽ được HieuLuat giải đáp trong bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Khi nào Nhà nước giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân?
  • Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là ai?
  • Hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân là bao nhiêu?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi tìm hiểu thì được biết cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp là đối tượng được Nhà nước giao đất nông nghiệp để sản xuất. Nhưng tôi không rõ thế nào là cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp, mong Luật sư giải đáp rõ. Hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân là bao nhiêu, thưa Luật sư?

Chào bạn, liên quan đến việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Khi nào Nhà nước giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân?

Trước hết, việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân khi thuộc trường hợp được quy định tại Điều 52 Luật Đất đai 2013:

Điều 52. Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

=> Theo đó, để được nhận đất nông nghiệp do Nhà nước giao thì người sử dụng đất phải thực hiện:

- Phải có đơn đề nghị/xin được giao đất (mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT);

- Nhu cầu xin giao đất trong đơn phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, nếu nhu cầu sử dụng được thể hiện trong đơn không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt thì cũng không thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất.

Bên cạnh đó, có 2 trường hợp Nhà nước giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân mà không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 54 Luật Đất đai 2013, gồm:

- Nhà nước giao đất trong hạn mức theo quy định cho các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;

- Nhà nước giao đất nông nghiệp là đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho người sử dụng đất;

Như vậy, hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nhu cầu được giao đất nông nghiệp có thể được Nhà nước giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất nếu nhu cầu này phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

giao dat nong nghiep cho ho gia dinh ca nhan

Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là ai?

Căn cứ quy định tại khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai 2013 và khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được khi thỏa mãn các điều kiện sau:

Một là, điều kiện chung

- Được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp;

- Có nguồn thu nhập ổn định từ việc sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp đó;

Hai là, điều kiện cụ thể

Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp

Hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp

- Là cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp bằng một trong những hình thức sau:

+ Được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất;

+ Sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển đổi/chuyển nhượng/thừa kế/tặng cho/nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp;

+ Đang sử dụng đất nông nghiệp nhưng chưa được công nhận quyền sử dụng theo quy định pháp luật;

- Cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp không thuộc một trong những đối tượng sau:

+ Người được hưởng lương thường xuyên;

+ Người đã nghỉ hưu, người nghỉ mất sức lao động, người thôi việc mà được hưởng trợ cấp xã hội;

- Cá nhân này phải có nguồn thu nhập thường xuyên từ việc sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đang sử dụng (bao gồm cả trường hợp không có thu nhập thường xuyên vì lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh);

- Riêng trường hợp cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được giao không thu tiền sử dụng đất/hoặc nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa thì chỉ xét điều kiện cá nhân không thuộc một trong những đối tượng là người được hưởng lương thường xuyên, người đã nghỉ hưu, người nghỉ mất sức lao động, hoặc người thôi việc mà được hưởng trợ cấp xã hội.

- Là hộ gia đình đang sử dụng đất nông nghiệp bằng một trong những hình thức sau:

+ Được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất;

+ Sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển đổi/chuyển nhượng/thừa kế/tặng cho/nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp;

+ Đang sử dụng đất nông nghiệp nhưng chưa được công nhận quyền sử dụng theo quy định pháp luật;

- Trong hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên, hoặc đối tượng đã nghỉ hưu, đối tượng nghỉ mất sức lao động, đối tượng thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội;

- Hộ gia đình phải có nguồn thu nhập thường xuyên từ việc sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đang sử dụng (bao gồm cả trường hợp không có thu nhập thường xuyên vì lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh);

- Riêng trường hợp cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được giao không thu tiền sử dụng đất/hoặc nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa thì chỉ xét điều kiện ít nhất 1 thành viên trong hộ gia đình không thuộc một trong những đối tượng là người được hưởng lương thường xuyên, người đã nghỉ hưu, người nghỉ mất sức lao động, hoặc người thôi việc mà được hưởng trợ cấp xã hội.

Như vậy, về cơ bản, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là những người trực tiếp canh tác, sản xuất nông nghiệp theo hình thức được Nhà nước giao, công nhận, được nhận chuyển nhượng…, có nguồn thu nhập thường xuyên từ việc sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đó và không thuộc một số đối tượng hưởng lương thường xuyên hoặc hưởng trợ cấp xã hội.

Hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân là bao nhiêu?

Hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai 2013 và có sự khác nhau giữa các vùng miền, các loại đất nông nghiệp. Cụ thể như sau:

Một là, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp

Khu vực

Khu vực Đông Nam Bộ

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Các địa phương còn lại

Hạn mức giao đất

≤ 3 ha

≤ 3 ha

≤ 2 ha

Hai là, hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp

Khu vực

Tại các xã, phường, thị trấn ở khu vực đồng bằng

Tại các xã, phường, thị trấn ở khu vực trung du, miền núi

Hạn mức giao đất

≤ 10 ha

≤ 30 ha

Ba là, hạn mức giao đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng cho hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp

Loại đất nông nghiệp

Đất rừng phòng hộ

Đất rừng đặc dụng

Hạn mức giao đất

≤ 30 ha

≤ 30 ha

Bốn là, một số lưu ý về hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp

- Tổng hạn mức giao đất ≤ 5 ha trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

- Nếu hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm được giao là:

+ ≤ 5 ha tại các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng;

+ ≤ 25 ha tại các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi;

- Nếu hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì hạn mức giao đất rừng sản xuất là ≤ 25 ha;

Năm là, hạn mức giao đất thuộc nhóm đất chưa sử dụng (gồm đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước) cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được thực hiện theo hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất trồng cây lâu năm, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;

Sáu là, hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là đất trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối thuộc vùng đệm của rừng đặc dụng được thực hiện theo hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất trồng cây lâu năm, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;

Bảy là, diện tích đất nông nghiệp mà hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng/được cho thuê, cho thuê lại/hoặc nhận thừa kế/hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất/hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ người khác, nhận khoán, được Nhà nước cho thuê đất thì không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp như quy định ở trên;

Như vậy, hạn mức giao đất nông nghiệp tại mỗi khu vực, mỗi loại đất là khác nhau. Tùy thuộc vào từng trường hợp để xác định hạn mức giao đất cụ thể cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Trên đây là giải đáp về Giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân​, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Đất nông nghiệp trồng cây lâu năm là gì?

>> Nên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với giá bao nhiêu?

Có thể bạn quan tâm

X