Giáo dục thường xuyên được biết đến là một trong những hình thức giáo dục được tổ chức tại Việt Nam. Vậy cụ thể thì giáo dục thường xuyên là gì? Giáo dục thường xuyên khác gì với giáo dục phổ thông?
Giáo dục thường xuyên là gì?
Giáo dục thường xuyên là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Giáo dục năm 2019 thì giáo dục thường xuyên được quy định là một hình thức giáo dục được tổ chức với mục đích thực hiện một chương trình giáo dục nhất định. Giáo dục thường xuyên được tổ chức linh hoạt về hình thức đào tạo, thời gian, phương pháp cũng như địa điểm đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cả đời cho người học.
Giáo dục thường xuyên được tổ chức hoạt động dưới hình thức là Trung tâm Giáo dục thường xuyên tại các địa phương.
Bên cạnh đó, tại Điều 2 Quy chế được ban hành kèm theo Thông tư số 10/2021/TT-BGDĐT cũng nêu rõ Trung tâm Giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo đó, Trung tâm Giáo dục thường xuyên cũng có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản riêng và trực thuộc quản lý trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi có tổ chức hoạt động của trung tâm.
Giáo dục thường xuyên học những môn gì?
Giáo dục thường xuyên học những môn gì?
Theo như khái niệm về “giáo dục thường xuyên” được nêu trên thì giáo dục thường xuyên được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu học suốt đời của người học.
Theo đó, để đáp ứng được nhu cầu trên của người học thì giáo dục thường xuyên sẽ tổ chức một số các chương trình giáo dục, đào tạo khác nhau theo quy định tại Điều 4 Quy chế được ban hành kèm theo Thông tư số 10/2021/TT-BGDĐT.
Theo quy định này thì Trung tâm Giáo dục thường xuyên sẽ tổ chức thực hiện giảng dạy các chương trình đào tạo như:
Xoá mù chữ;
Chương trình giáo dục thường xuyên dành cho cấp THCS, THPT cho những người thuộc nhóm đối tượng được hưởng chính sách xã hội, những đối tượng là người tàn tật, nhóm đối tượng thuộc độ tuổi theo học phổ thông theo kế hoạch của địa phương và nhóm người lao động có nhu cầu học để được công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo quy định.
Do đó, sau khi người học hoàn thành chương trình giáo dục THCS và THPT thì Trung tâm Giáo dục thường xuyên sẽ cấp bằng tốt nghiệp tương ứng theo quy định;
Thực hiện các chương trình giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu học tập, cập nhật thêm kiến thức cũng như các kỹ năng mới cho người học như: giáo dục pháp luật, các chương trình chuyển giao công nghệ trong sản xuất- lao động,...;
Thực hiện các chương trình bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cũng như năng lực nghề nghiệp của người học như: bồi dưỡng về tin học- ngoại ngữ; bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn.
Theo đó, những môn học được giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên sẽ được thực hiện tương ứng và phù hợp với từng chương trình đào tạo nêu trên.
Đối với người học tham gia học tập chương trình đào tạo cấp THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên thì sẽ phải học 03 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn và Lịch sử.
Bên cạnh đó, người học sẽ được học thêm 04 môn tự chọn trong số các môn học về giáo dục kinh tế- pháp luật, địa lý, tin học, sinh học, hoá học và công nghệ.
Ngoài các môn học kể trên thì người học tham gia học tập chương trình đào tạo THPT tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên còn được tham gia các hoạt động như tiếp xúc với nội dung giáo dục của địa phương, được tự chọn học ngoại ngữ, tiếng dân tộc.
Đây là quy định bắt buộc thực hiện kể từ năm học 2022-2023 đối với người học học chương trình lớp 10, từ năm học 2023-2024 đối với người học học chương trình lớp 11 và từ năm học 2023-2025 đối với người học học chương trình lớp 12 theo quy định mới nhất tại Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT.
Giáo dục thường xuyên khác gì với giáo dục phổ thông?
Giáo dục thường xuyên khác gì với giáo dục phổ thông?
Giáo dục thường xuyên và giáo dục phổ thông đều là những cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đều đào tạo chương trình học của cấp THPT và cấp bằng tốt nghiệp chương trình THPT cho người học theo quy định.
Tuy nhiên, giáo dục thường xuyên và giáo dục phổ thông lại là hai chương trình đào tạo có nhiều sự khác biệt. Mặc dù cả hai cơ sở giáo dục đều có thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp theo quy định nhưng trong quá trình đào tạo thì chương trình học lại khác nhau.
Nếu như học sinh tham gia học tập tại các trường THPT công lập sẽ phải học đầy đủ khoảng 12 môn học bắt buộc, trong đó có cả ngoại ngữ thì học sinh tham gia học tập chương trình THPT tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên chỉ phải học 03 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Lịch sử còn các môn học khác sẽ nằm trong danh mục các môn học tự chọn.
Bên cạnh việc các môn học được giảng dạy khác nhau thì thời gian đào tạo tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên cũng được quy định linh hoạt hơn so với thời gian đào tạo tại các trường THPT quốc dân.
Giải đáp liên quan đến giáo dục thường xuyên
Hiện nay, có nhiều người quan tâm về chương trình đào tạo và thẩm quyền cấp phát bằng của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên hơn bao giờ hết. Dưới đây là một số những giải đáp của Hieuluat.vn liên quan đến Giáo dục thường xuyên:
Trung tâm Giáo dục thường xuyên có bằng cấp 3 không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Quy chế được ban hành kèm theo Thông tư số 10/2021/TT-BGDĐT thì Trung tâm Giáo dục thường xuyên được phép tổ chức chương trình giáo dục thường xuyên ở cấp THPT và được cấp bằng tốt nghiệp THPT cho người tham gia học chương trình giáo dục THPT.
Như vậy, giáo dục thường xuyên là một hình thức đào tạo được phép cấp bằng cấp 3 cho người học hoàn thành chương trình THPT.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên là công lập hay dân lập?
Theo quy định tại Điều 2 Quy chế được ban hành kèm theo Thông tư số 10/2021/TT-BGDĐT thì Trung tâm Giáo dục thường xuyên là một trong những cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Do đó, Trung tâm Giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục công lập.