hieuluat
Chia sẻ email

Giáo viên chủ nhiệm có phải chức danh kiêm nhiệm không?

Hiện nay có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc giáo viên chủ nhiệm có phải là chức danh kiêm nhiệm hay không? Cùng tìm hiểu quy định về chức danh giáo viên chủ nhiệm và các quy định liên quan tại bài viết dưới đây.

 
Mục lục bài viết
  • Giáo viên chủ nhiệm có phải kiêm nhiệm không?
  • Cách tính giờ kiêm nhiệm của giáo viên
  • Giáo viên chủ nhiệm được kiêm nhiệm bao nhiêu chức danh?
Câu hỏi: Hiện tại tôi đang là giáo viên chủ nhiệm tại một trường trung học phổ thông? Cho tôi hỏi chức danh này có phải là một chức danh kiêm nhiệm không? Khi đang là giáo viên chủ nhiệm lớp, tôi có thể kiêm nhiệm thêm vị trí khác tại trường được không?

Giáo viên chủ nhiệm có phải kiêm nhiệm không?

Tại các trường học, giáo viên thực hiện công tác chủ nhiệm lớp học được gọi là giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên không chủ nhiệm lớp được gọi là giáo viên không chủ nhiệm hay giáo viên bộ môn.

Có ý kiến cho rằng giáo viên chủ nhiệm là một chức danh kiêm nhiệm, cũng có ý kiến cho rằng giáo viên chủ nhiệm chỉ là một nhiệm vụ giáo dục của giáo viên, không phải chức vụ kiêm nhiệm. Theo quan điểm của bài viết, giáo viên chủ nhiệm là giáo viên kiêm nhiệm công việc chuyên môn, và giáo viên chủ nhiệm được xem là một chức danh kiêm nhiệm.

Giáo viên chủ nhiệm ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của một giáo viên còn phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

  • Tìm hiểu về học sinh trong lớp để tổ chức giáo dục phù hợp;

  • Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, giáo viên bộ môn, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tiền phong, các đoàn thể khác;

  • Nhận xét, đánh giá xếp loại học sinh cuối kỳ và cuối năm học, hoàn chỉnh việc ghi vào sổ điểm và học bạ học sinh;

  • Tham gia hướng dẫn hoạt giáo dục, các hoạt động tập thể và rèn luyện học sinh do nhà trường tổ chức;

  • Báo cáo thường kỳ hoặc đột xuất về tình hình của lớp với Hiệu trưởng nhà trường.

Theo đó, pháp luật có các quy định liên quan đến chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn tại Điều 8 Chương II Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT (được bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT) như sau:

  • Giáo viên chủ nhiệm tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, giáo viên trung học trung học cơ sở và giáo viên chủ nhiệm trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần;

  • Giáo viên chủ nhiệm trường trung học cơ sở dân tộc nội trú và trường trung học phổ thông dân tộc nội trú được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm trường chuyên, giáo viên chủ nhiệm trường bán trú được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường, lớp dành cho người khuyết tật được giảm 3 tiết/tuần;

  • Giáo viên chủ nhiệm trường dự bị đại học được giảm 3 tiết/tuần;

  • Giáo viên kiêm công việc phụ trách phòng học bộ môn được giảm 3 tiết/môn/tuần;

  • Giáo viên kiêm nhiệm các công tác văn nghệ, thể dục, giáo viên kiêm nhiệm công việc phụ trách vườn trường, xưởng trường, phòng thiết bị và thư viện được giảm từ 2 - 3 tiết/tuần;

  • Tổ trưởng bộ môn được giảm định mức tiết dạy 3 tiết/tuần;

  • Tổ phó chuyên môn được giảm định mức tiết dạy 1 tiết/tuần;

  • Giáo viên kiêm trưởng phòng chức năng tại trường dự bị đại học được giảm định mức tiết dạy 3 tiết/tuần;

  • Giáo viên kiêm phó trưởng phòng chức năng tại trường dự bị đại học được giảm định mức tiết dạy 1 tiết/tuần.

Như vậy, giáo viên chủ nhiệm sẽ được giảm định mức tiết dạy theo quy định.

Giáo viên chủ nhiệm có phải kiêm nhiệm không?Giáo viên chủ nhiệm có phải kiêm nhiệm không?

Cách tính giờ kiêm nhiệm của giáo viên

Điều 9 Chương II Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT (được bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT) quy định về việc quy đổi các hoạt động chuyên môn ra tiết dạy đối với giáo viên như sau:

  • Giáo viên làm cộng tác viên thanh tra, thời gian làm việc quy đổi thành tiết dạy được tính theo Thông tư 31/2014/TT-BGDĐT;

  • Giáo viên tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ: 01 tiết hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn thực tế được tính quy đổi bằng 1,5 tiết định mức;

  • Báo cáo ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh do nhà trường tổ chức: 01 tiết báo cáo thực tế được tính quy đổi bằng 1,5 tiết dạy định mức;

  • Hiệu trưởng căn cứ tình hình thực tế quy định việc quy đổi đối với các công việc chuyên môn khác sau khi có ý kiến đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Cách tính giờ kiêm nhiệm của giáo viênCách tính giờ kiêm nhiệm của giáo viên

Giáo viên chủ nhiệm được kiêm nhiệm bao nhiêu chức danh?

Theo quy định tại Điều 9 Chương II Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT (được bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT), mỗi giáo viên không được kiêm nhiệm quá 02 chức vụ về công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác tại nhà trường.

Đối với những chức vụ, công việc liên quan đến chuyên môn thì không có quy định liên quan đến giới hạn số lượng chức vụ kiêm nhiệm. Vì vậy, ở các công việc chuyên môn thì giáo viên không bị giới hạn số chức vụ kiêm nhiệm.

Tóm lại, giáo viên chủ nhiệm là một chức danh kiêm nhiệm và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy theo quy định pháp luật. Giáo viên chủ nhiệm cũng có thể đồng thời kiêm nhiệm các vị trí chuyên môn khác tại nhà trường không giới hạn về số lượng.

Tuy nhiên, khi kiêm nhiệm các vị trí liên quan đến công tác Đảng, đoàn thể, các tổ chức khác thì giáo viên không được kiêm nhiệm quá 02 chức vụ.

Phần trên đây là nội dung liên quan đến câu hỏi Giáo viên chủ nhiệm có phải chức danh kiêm nhiệm không? Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung bài viết này vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn và hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X