hieuluat
Chia sẻ email

Giáo viên chủ nhiệm là gì? Quy định về công tác giáo viên chủ nhiệm

Giáo viên chủ nhiệm được biết đến là người có trách nhiệm phụ trách và quản lý mọi lớp học. Vậy giáo viên chủ nhiệm là gì? Quy định về công tác giáo viên chủ nhiệm hiện nay thế nào?

 
Mục lục bài viết
  • Giáo viên chủ nhiệm là gì?
  • Giáo viên chủ nhiệm có phải là chức vụ không?
  • Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm
  • Quy định về công tác giáo viên chủ nhiệm 

Giáo viên chủ nhiệm là gì?

Giáo viên chủ nhiệm là gì?

Giáo viên chủ nhiệm là gì?

Pháp luật hiện hành không đưa ra định nghĩa cụ thể về giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, thông qua các hoạt động thực tiễn, thông qua nhiệm vụ và vai trò của giáo viên chủ nhiệm có thể hiểu giáo viên chủ nhiệm là giáo viên được phân công quản lý, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của một lớp học cụ thể. 

Giáo viên chủ nhiệm không chỉ có trách nhiệm giảng dạy ở lớp học mà còn phải thực hiện các trách nhiệm khác như chăm lo, quan tâm đến cả những hoạt động khác của học sinh ở lớp và là cầu nối giữa học sinh với phụ huynh của lớp.

Bởi lẽ, việc quản lý học sinh trong trường được chia nhỏ theo từng lớp nên cần phải có giáo viên đứng ra chịu trách nhiệm quản lý lớp. 

Từ việc quản lý một lớp học, giáo viên chủ nhiệm có thể nắm bắt rõ những điểm mạnh, điểm yếu của học sinh và có cơ sở để báo cáo với Ban giám hiệu nhà trường và trao đổi với phụ huynh học sinh. 

Từ đó, có thể thấy giáo viên chủ nhiệm góp phần quan trọng trực tiếp trong sự nghiệp giáo dục và phát triển các hoạt động trường lớp khác của học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm có phải là chức vụ không?

Để biết được giáo viên chủ nhiệm có phải là chức vụ hay không thì trước hết phải hiểu được “thế nào là chức vụ?”. 

Có thể hiểu chức vụ là khái niệm thể hiện về địa vị, vị trí cũng như vai trò của một cá nhân cụ thể trong việc lãnh đạo một tổ chức hợp pháp. 

Bên cạnh đó, một chức vụ sẽ được công nhận thông qua quá trình tuyển dụng và phân bổ nhân sự. 

Về bản chất, giáo viên chủ nhiệm là người quản lý và lãnh đạo một tổ chức là lớp học và được công nhận là giáo viên chủ nhiệm thông qua sự phân công của hiệu trưởng. 

Nếu không có sự phân công của nhà trường thì cá nhân giáo viên chỉ đơn thuần được công nhận là giáo viên mà không được công nhận là giáo viên chủ nhiệm. 

Do đó, khi đối chiếu với khái niệm chức vụ nêu trên thì có thể hiểu giáo viên chủ nhiệm cũng là một chức vụ.

Tuy nhiên, vấn đề giáo viên chủ nhiệm là chức danh hay chức vụ đang là một vấn đề tranh cãi trong ngành giáo dục. 

Để làm rõ hơn vấn đề giáo viên chủ nhiệm là chức danh hay chức vụ thì cần phải hiểu thêm “thế nào là chức danh?”. Theo quy định, chức danh gắn liền với vai trò của cá nhân được công nhận bởi xã hội. 

Có thể thấy, giảng dạy và chủ nhiệm lớp là nhiệm vụ chính của giáo viên được Ban giám hiệu nhà trường phân công mà không phải là hình thức kiêm nhiệm chức vụ. 

Xét về mặt thực tế, tại các trường tiểu học thì gần như tất cả các giáo viên đều đảm nhiệm vị trí giáo viên chủ nhiệm lớp. Còn ở các cấp THCS, THPT thì số lượng giáo viên động hơn nên số lượng giáo viên làm công tác chủ nhiệm cũng ít hơn nhưng cũng chiếm phần lớn tỷ lệ giáo viên trong trường. 

Theo hướng phân tích này thì có thể thấy giảng dạy và chủ nhiệm là nhiệm vụ chính của giáo viên nên giáo viên chủ nhiệm là chức danh mà không phải là chức vụ mà giáo viên kiêm nhiệm.

Bài viết phân tích cả hai quan điểm, hai góc nhìn để quý bạn đọc có thể nhìn nhận tổng quan về quan điểm “Giáo viên chủ nhiệm là chức danh hay chức vụ?”. 

Hiện nay, chưa có quan điểm thống nhất về việc “Giáo viên chủ nhiệm là chức danh hay chức vụ?” mà mỗi trường học đang có sự áp dụng khác nhau để làm căn cứ xác định chức năng, nhiệm vụ cũng như các chế độ đối với giáo viên kiêm nhiệm. 

Nhưng theo quan điểm của của bài viết thì dù trường học công nhận giáo viên chủ nhiệm là chức danh hay chức vụ thì cũng cần phải có chế độ tương xứng với công việc của người làm công tác chủ nhiệm lớp học.

Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Quy chế được ban hành kèm theo  Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT  thì giáo viên chủ nhiệm cần phải thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:

  • Tìm hiểu và giám sát chặt chẽ học sinh trong lớp về mọi mặt để kịp thời có những biện pháp giáo dục nhằm phát triển, thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi cá nhân học sinh và tập thể lớp chủ nhiệm;

  • Cần phải làm tốt việc phối hợp chặt chẽ với phụ huynh- gia đình học sinh; chủ động phối hợp và làm việc với giáo viên bộ môn; các tổ chức Đoàn- Đội và các tổ chức xã hội khác gắn liền với hoạt động giáo dục và giảng dạy học sinh của lớp chủ nhiệm;

  • Thực hiện công tác đánh giá, xếp loại học sinh cuối học kỳ và cuối năm học. Từ đó, giáo viên chủ nhiệm có căn cứ đề nghị khen thưởng hoặc kỷ luật học sinh; đề nghị với Ban giám hiệu danh sách học sinh được lên lớp, học sinh phải thực hiện kiểm tra lại, học sinh phải rèn luyện hè, học sinh phải ở lại lớp để hoàn thiện học bạ cho học sinh sau mỗi năm học;

  • Thực hiện hoạt động hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục- rèn luyện do Nhà trường tổ chức;

  • Làm báo cáo về tình hình lớp học cho Hiệu trưởng nắm bắt.

Quy định về công tác giáo viên chủ nhiệm 

Công tác giáo viên chủ nhiệm

Công tác giáo viên chủ nhiệm

Giáo viên chủ nhiệm là cầu nối quan trọng giữa học sinh- nhà trường- phụ huynh. Căn cứ vào nhiệm vụ và vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, công tác giáo viên chủ nhiệm lớp thực hiện qua các mặt sau:

  • Giáo viên chủ nhiệm cần nắm bắt được tình hình của lớp chủ nhiệm;

  • Giáo viên chủ nhiệm phải tổ chức cơ cấu lớp học khoa học, phải xây dựng đội ngũ cán bộ lớp uy tín, có năng lực góp phần hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm trong hoạt động quản lý lớp học;

  • Giáo viên chủ nhiệm phải lập kế hoạch chủ nhiệm phù hợp với kế hoạch chung của trường học và phù hợp với tình hình lớp học;

  • Giáo viên chủ nhiệm cần xây dựng tiêu chí thi đua riêng của lớp để tạo ra môi trường học tập tốt, khích lệ học sinh tham gia học tập để thúc đẩy thi đua lớp học;

  • Giáo viên chủ nhiệm phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp với từng học sinh;

  • Giáo viên chủ nhiệm phải trao đổi thường xuyên với giáo viên bộ môn về tình hình học tập của lớp trong tất cả các môn học khác để có đánh giá toàn diện về học sinh…

Ngoài các công tác giáo viên chủ nhiệm nêu trên, giáo viên chủ nhiệm cần tiếp thu và hoàn thiện hơn các công tác khác trong hoạt động chủ nhiệm lớp để phát huy hơn nữa vai trò của mình cũng như thúc đẩy tinh thần thi đua, học tập của lớp học.

Trên đây là một số quy định về công tác giáo viên chủ nhiệm mà chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định trên, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X