Tập sự là thời gian bắt buộc đối với giáo viên trúng tuyển và ký hợp đồng viên chức làm việc tại các trường học. Vậy giáo viên tập sự là gì? Mức lương và các chế độ được hưởng của giáo viên tập sự được quy định thế nào?
Giáo viên tập sự là gì?
Giáo viên tập sự là gì?
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về khái niệm “giáo viên tập sự” mà chỉ quy định về thời gian tập sự đối với người trúng tuyển viên chức.
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự với thời gian tương ứng với yêu cầu nghề nghiệp để làm quen với công việc, môi trường làm việc.
Theo đó, có thể hiểu, giáo viên tập sự là người trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn viên chức giáo viên và đang trong thời gian tập sự theo quy định để làm quen với công việc cũng như môi trường làm việc.
Lương giáo viên tập sự hiện nay là bao nhiêu?
Tập sự còn được hiểu là thời gian thử việc đối với công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống Cơ quan Nhà nước.
Vậy trong thời gian tập sự, giáo viên được hưởng mức lương là bao nhiêu? Giáo viên tập sự có được hưởng 100% mức lương theo hệ số như giáo viên đã được biên chế chính thức không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, giáo viên tập sự chỉ được hưởng 85% mức lương bậc 1 của chức danh giáo viên được tuyển dụng.
Đối với giáo viên tập sự đã được công nhận trình độ thạc sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng thì trong thời gian tập sự cũng được hưởng 85% mức lương bậc 2 của chức danh giáo viên được tuyển dụng. Trong trường hợp, giáo viên tập sự đã có bằng tiến sĩ thì trong thời gian tập sự sẽ được hưởng 85% mức lương bậc 3 của chức danh giáo viên được tuyển dụng. Ngoài việc được hưởng lương thì giáo viên tập sự còn được hưởng các khoản phụ cấp khác tương ứng với chức danh nghề nghiệp của mình theo quy định.
Tuy nhiên, trong các trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì trong thời gian tập sự giáo viên sẽ được hưởng 100% mức lương cũng như các khoản phụ cấp tương ứng với chức danh nghề nghiệp. Cụ thể các trường hợp đặc biệt được kể đến bao gồm:
Giáo viên tập sự tại khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn;
Giáo viên tập sự đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, sĩ quan công an…theo lệnh gọi tham gia nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền.
Giáo viên tập sự dạy bao nhiêu tiết trong tuần?
Số giờ dạy trong tuần của giáo viên tập sự
Về bản chất, chế độ tập sự là chế độ giúp cho viên chức giáo viên làm quen với công việc cũng như môi trường làm việc.
Theo đó, pháp luật cũng không yêu cầu giáo viên tập sự phải tham gia giảng dạy đầy đủ số giờ dạy học theo quy định mà cho phép giáo viên tập sự được giảm 2 tiết/ tuần so với định mức giảng dạy của giáo viên trong tuần theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Quy chế được ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT .
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 6 của Quy chế được ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT, nay đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT thì định mức số giờ dạy của giáo viên các cấp trong tuần được quy định như sau:
Giáo viên tiểu học: định mức giờ dạy là 23 tiết/ tuần;
Giáo viên THCS: định mức giờ dạy là 19 tiết/ tuần;
Giáo viên THPT: định mức giờ dạy là 17 tiết/ tuần;
Giáo viên PT nội trú ở cấp THCS: định mức giờ dạy là 17 tiết/ tuần;
Giáo viên PT nội trú ở cấp THPT: định mức giờ dạy là 15 tiết/ tuần;
Giáo viên tiểu học bán trú: định mức giờ dạy là 21 tiết/ tuần;
Giáo viên THCS bán trú: định mức giờ dạy là 17 tiết/ tuần;
Giáo viên giảng dạy lớp dành cho người tàn tật ở cấp tiểu học: định mức giờ dạy là 21 tiết/ tuần;
Giáo viên giảng dạy lớp dành cho người tàn tật ở cấp THCS: định mức giờ dạy là 17 tiết/ tuần.
Từ các quy định trên, số tiết giảng dạy của giáo viên tập sự ở các cấp tương ứng được xác định như sau:
Giáo viên tiểu học: định mức giờ dạy là 21 tiết/ tuần;
Giáo viên THCS: định mức giờ dạy là 17 tiết/ tuần;
Giáo viên THPT: định mức giờ dạy là 15 tiết/ tuần;
Giáo viên PT nội trú ở cấp THCS: định mức giờ dạy là 15 tiết/ tuần;
Giáo viên PT nội trú ở cấp THPT: định mức giờ dạy là 13 tiết/ tuần;
Giáo viên tiểu học bán trú: định mức giờ dạy là 19 tiết/ tuần;
Giáo viên THCS bán trú: định mức giờ dạy là 15 tiết/ tuần;
Giáo viên giảng dạy lớp dành cho người tàn tật ở cấp tiểu học: định mức giờ dạy là 19 tiết/ tuần;
Giáo viên giảng dạy lớp dành cho người tàn tật ở cấp THCS: định mức giờ dạy là 15 tiết/ tuần.
Giải đáp các câu hỏi về chế độ mà giáo viên tập sự được hưởng
Chế độ tập sự của giáo viên là một chế độ bắt buộc đối với giáo viên trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng viên chức và được ký hợp đồng làm việc chính thức với đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, khi bàn về vấn đề này vẫn còn nhiều câu hỏi, thắc mắc được đặt ra. Dưới đây là những giải đáp của chúng tôi về chế độ tập sự của giáo viên:
Giáo viên tập sự có được hưởng phụ cấp ưu đãi không?
Theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì giáo viên tập sự không chỉ được hưởng lương mà còn được hưởng các khoản phụ cấp khác theo quy định dành cho chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, phụ cấp ưu đãi được áp dụng đối với nhà giáo kể cả người đang làm việc trong thời gian thử việc, hợp đồng thuộc biên chế trả lương và đang giảng dạy trực tiếp trong cơ sở giáo dục công lập.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 115/2020/NĐ- CP, Nghị định mới nhất điều chỉnh về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì chỉ có giáo viên tập sự đạt yêu cầu tập sự được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp và được xếp lương tương ứng với chức danh nghề nghiệp viên chức thì mới được hưởng hưởng phụ cấp ưu đãi.
Do đó, giáo viên tập sự sẽ không được hưởng phụ cấp ưu đãi trừ trường hợp đặc biệt được hưởng 100% mức lương và phụ cấp trong thời gian tập sự được quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.
Giáo viên tập sự có được đánh giá viên chức không?
Về bản chất, giáo viên tập sự là người đã trúng tuyển vào kỳ thi tuyển chọn viên chức trong ngành giáo dục.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì giáo viên tập sự không được xem là viên chức, chỉ khi hoàn thành chế độ tập sự, được đánh giá là đạt và được quyết định bổ nhiệm chính thức làm viên chức giáo viên, được xếp lương theo quy định thì mới được xem là viên chức.
Do đó, giáo viên tập sự sẽ không được tham gia vào việc đánh giá viên chức.
Giáo viên tập sự có được hưởng chế độ thai sản không?
Nghỉ chế độ thai sản là quyền lợi của người lao động khi tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do đó, trong thời gian tập sự, giáo viên tập sự có tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định thời gian nghỉ chế độ thai sản không tính vào thời gian tập sự nên có thể hiểu sau khi nghỉ thai sản, giáo viên tập sự có thể tiếp tục giảng dạy để hoàn thành chế độ tập sự của mình.
Như vậy, giáo viên tập sự vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Trên đây là một số quy định về giáo viên tập sự hiện nay mà chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định trên, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.