Thỉnh giảng là hoạt động thường thấy trong môi trường giáo dục. Vậy khi giáo viên được thỉnh giảng tại một đơn vị khác có được đóng bảo hiểm xã hội không? Cùng nghiên cứu các quy định liên quan để tìm câu trả lời tại bài viết.
Giáo viên thỉnh giảng là gì?
Theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, giáo viên thỉnh giảng là những nhà giáo đáp ứng tiêu chuẩn của nhà giáo thỉnh giảng được mời đến cơ sở giáo dục để thực hiện hoạt động giảng dạy.
Điều 2 Quy định ban hành kèm Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT quy định về hoạt động của giáo viên thỉnh giảng như sau:
Giảng dạy các học phần, môn học được trong chương trình giáo dục;
Giảng dạy theo các chuyên đề;
Hướng dẫn, tham gia chấm bài, hội đồng chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp;
Hướng dẫn, tham gia đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
Hướng dẫn học sinh, sinh viên thí nghiệm, thực hành, thực tập;
Tham gia xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, sách tham khảo, tài liệu giảng dạy.
Giáo viên thỉnh giảng phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 Luật Giáo dục 2019 bao gồm:
Có phẩm chất, đạo đức tốt;
Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp;
Có kỹ năng nâng cao năng lực chuyên môn;
Bảo đảm sức khỏe.
Đồng thời giáo viên thỉnh giảng cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn tại Điều 5 Quy định ban hành kèm Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT quy định về nhà giáo thỉnh giảng.
Giáo viên thỉnh giảng có được đóng BHXH không?
Hiện nay, giáo viên công tác tại các trường công lập và trường tư thục được có chế độ làm việc khác nhau. Vì vậy, việc tham gia bảo hiểm xã hội của giáo viên tại trường công lập và tư thục cũng có sự khác biệt.
Giáo viên thỉnh giảng trường công
Khoản 1 Điều 7 Quy định ban hành kèm Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT quy định về hợp đồng thỉnh giảng đối với nhà giáo thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức như sau: Hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng vụ, việc, không áp dụng hợp đồng lao động đối với hoạt động thỉnh giảng của cán bộ, công chức, viên chức.
Người lao động làm việc theo hợp đồng vụ, việc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Như vậy, giáo viên làm việc tại các trường công khi được thỉnh giảng tại đơn vị khác không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại đơn vị này.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010, hiện nay, giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc tại các trường công lập sẽ là viên chức. Viên chức là một trong những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Giáo viên được thỉnh giảng được đóng bảo hiểm xã hội tại nơi giáo viên đang công tác
Như vậy, giáo viên tại các trường công sẽ tham gia bảo hiểm bắt buộc tại đơn vị mình đang công tác và không phải tham gia bảo hiểm bắt buộc tại đơn vị được thỉnh giảng.
Giáo viên thỉnh giảng trường tư
Tại các trường tư thục, giáo viên thường làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Vì vậy, trong trường hợp này, giáo viên tại các trường tư thục được xác định là người lao động, hợp đồng lao động giữa giáo viên và nhà trường sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật lao động 2019.
Đối với hợp đồng thỉnh giảng của giáo viên tại trường tư thục, Khoản 2 Điều 7 Quy định ban hành kèm Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT quy định hợp đồng thỉnh giảng giáo viên đến để thực hiện hoạt động sau đây là một hợp đồng lao động:
Giảng dạy các học phần, môn học được trong chương trình giáo dục;
Giảng dạy theo các chuyên đề;
Hướng dẫn, tham gia chấm bài, hội đồng chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp;
Hướng dẫn, tham gia đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
Hướng dẫn học sinh, sinh viên thí nghiệm, thực hành, thực tập.
Trường hợp giáo viên được thỉnh giảng để thực hiện hoạt động xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, sách tham khảo, tài liệu giảng dạy thì hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng vụ, việc.
Đối với trường hợp hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng lao động, Khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về phương thức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như sau:
“Điều 85. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
[...]
4. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.”
Đồng thời, Khoản 1 Điều 42 Quy trình ban hành kèm Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định như sau:
“Điều 42. Quản lý đối tượng
1. Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.”
Như vậy, từ những quy định trên có thể thấy giáo viên công tác tại trường tư khi được thỉnh giảng theo hợp đồng lao động tại trường khác sẽ đóng bảo hiểm xã hội theo hợp đồng lao động ký kết đầu tiên.
Trường hợp giáo viên được thỉnh giảng theo hợp đồng vụ, việc thì giáo viên sẽ tham gia bảo hiểm bắt buộc tại đơn vị mình đang công tác và không phải tham gia bảo hiểm bắt buộc tại đơn vị được thỉnh giảng.
Mẫu hợp đồng thỉnh giảng mới nhất
Hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng ghi nhận sự thỏa thuận giữa giáo viên và nhà trường về hoạt động thỉnh giảng của giáo viên.
Mẫu hợp đồng thỉnh giảng
Như đã trình bày ở trên, trường hợp giáo viên thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức thì hợp đồng thỉnh giảng sẽ ở dạng hợp đồng vụ, việc. Nếu giáo viên thỉnh giảng không phải cán bộ, công chức, viên chức thì hợp đồng thỉnh giảng sẽ ở dạng hợp đồng lao động hoặc hợp đồng vụ, việc tùy thuộc vào hoạt động của giáo viên thỉnh giảng tại đơn vị thỉnh giảng.
Có thể tham khảo mẫu hợp đồng thỉnh giảng tại đây: Mẫu hợp đồng thỉnh giảng
Trên đây là nội dung trả lời cho câu hỏi giáo viên thỉnh giảng có được đóng bảo hiểm xã hội không? Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung tại bài viết trên đây vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.