hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 14/03/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giấy chứng sinh là gì? Hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng sinh

Giấy tờ tùy thân đóng vai trò quan trọng trong việc xác định danh tính và quyền lợi của mỗi người dân. Trong đó, giấy chứng sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong việc xác định sự tồn tại pháp lý của một cá nhân. 

Mục lục bài viết
  • Giấy chứng sinh là gì? Ai có quyền cấp?
  • Làm giấy chứng sinh cần những gì?
  • Thủ tục làm giấy chứng sinh ở bệnh viện
  • Giải đáp liên quan đến giấy chứng sinh
  • Giấy chứng sinh có thời hạn bao lâu?
Câu hỏi: Chào Luật sư, vợ tôi dự tính tháng sau sẽ sinh con và tôi nghe bảo để làm giấy khai sinh cho bé thì phải có Giấy chứng sinh. Vậy Luật sư cho tôi hỏi giấy chứng sinh là gì? Ai cấp giấy chứng sinh và thực hiện như thế nào? Xin cảm ơn.

Giấy chứng sinh là gì? Ai có quyền cấp?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định thế nào là giấy chứng sinh. Tuy nhiên, có thể hiểu giấy chứng sinh là một trong những tài liệu quan trọng mà mỗi cá nhân được cấp ngay sau khi ra đời.

Giấy chứng sinh là gì?

Giấy chứng sinh là gì?

Giấy chứng sinh có vai trò là căn cứ để xác nhận việc sinh ra của một con người, và cũng được sử dụng để thực hiện các thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh hoặc các thủ tục pháp lý khác liên quan.

Thẩm quyền cấp giấy chứng sinh được quy định tại khoản 1 Điều 16 của Thông tư số 56/2017/TT-BYT. Theo quy định này, các cơ sở khám/chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khám/ chữa bệnh và có phạm vi hoạt động chuyên môn về đỡ đẻ, hoặc được ủy quyền thực hiện dịch vụ đỡ đẻ cũng được ủy quyền cấp giấy chứng sinh.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 2 Thông tư số 17/2012/TT-BYT, cụ thể các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng sinh:

- Bệnh viện đa khoa có khoa sản;

- Bệnh viện chuyên khoa phụ sản;

- Bệnh viện sản - nhi;

- Nhà hộ sinh;

- Trạm y tế cấp xã;

- Các cơ sở/nơi khám/ chữa bệnh hợp pháp được cho phép cung cấp dịch vụ đỡ đẻ.

Làm giấy chứng sinh cần những gì?

Trước khi trẻ sơ sinh về nhà, cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền cấp giấy chứng sinh theo mẫu giấy chứng sinh.

Trường hợp trẻ được sinh ra ngoài cơ sở khám chữa bệnh nhưng được cán bộ y tế hoặc cô đỡ thôn bản đỡ đẻ thì cha/mẹ/người nuôi dưỡng của trẻ phải điền vào Tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 27/2019/TT-BYT và nộp cho Trạm y tế tuyến xã nơi trẻ sinh ra để xin cấp Giấy chứng sinh cho trẻ.

Khi làm giấy chứng sinh, bạn cần chuẩn bị các hồ sơ sau:

- Tờ khai xin cấp giấy chứng sinh

- Giấy tờ tùy thân của bố/mẹ/người thân thích làm giấy chứng sinh

- Bản xác nhận sinh con bằng phương pháp mang thai hộ (trong trường hợp sinh con với kỹ thuật mang thai hộ)

Thủ tục làm giấy chứng sinh ở bệnh viện

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT, khoản 1, khoản 2 Điều 1 Thông tư 34/2015/TT-BYT và khoản 1 Điều 1 Thông tư 27/2019/TT-BYT, thủ tục làm giấy chứng sinh ở bệnh viện được quy định như sau:

Thủ tục làm giấy chứng sinh ở bệnh viện

Thủ tục làm giấy chứng sinh ở bệnh viện

“2. Thủ tục cấp Giấy chứng sinh

a) Trước khi trẻ sơ sinh về nhà, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu Giấy chứng sinh tại Phụ lục 01 hoặc Phụ lục 01A ban hành kèm theo Thông tư này. Cha, mẹ hoặc người thân thích của trẻ có trách nhiệm đọc, kiểm tra lại thông tin trước khi ký. Giấy chứng sinh được làm thành 02 bản có giá trị pháp lý như nhau, 01 bản giao cho bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ để làm thủ tục khai sinh và 01 bản lưu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.”.

Như vậy, việc làm giấy chứng sinh ở bệnh viện sẽ được thực hiện trước thời điểm người mẹ xuất viện và trẻ sơ sinh trở về nhà.

Theo đó, cha/mẹ/người thân thích của trẻ có trách nhiệm đọc, kiểm tra lại thông tin trước khi ký giấy chứng sinh, đồng thời chuẩn bị CCCD/CMND để bệnh viện đối chiếu thông tin nếu cần thiết.

Giấy chứng sinh được tạo thành hai bản có giá trị pháp lý tương đương nhau. Một bản được giao cho bố, mẹ hoặc người thân theo ý muốn của trẻ để thực hiện thủ tục khai sinh, và một bản được lưu trữ tại cơ sở khám chữa bệnh.

Giải đáp liên quan đến giấy chứng sinh

Giấy chứng sinh có thời hạn bao lâu?

Theo Điều 15 của Luật Hộ tịch năm 2014, thời hạn để đăng ký khai sinh được quy định như sau: "Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha/ mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông/ bà/ người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”.

Dựa vào quy định này, có thể hiểu rằng giấy chứng sinh không được quy định hay gắn với một thời hạn cụ thể, mà sẽ có hiệu lực cho đến khi trẻ được cấp giấy khai sinh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh.

Giấy chứng sinh và giấy khai sinh khác nhau như thế nào?

Giấy khai sinh: Theo khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014: Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này.

Như vậy, có thể thấy rằng giấy chứng sinh và giấy khai sinh sẽ có những điểm khác nhau, cụ thể:

- Giấy chứng sinh là do cơ sở khám/chữa bệnh cấp, bao gồm bệnh viện, trạm y tế, nhà hộ sinh, cơ sở được cấp phép hoạt động đỡ đẻ và là cơ sở để đăng ký và làm giấy khai sinh. Giấy khai sinh là do Uỷ ban nhân dân xã nơi cư trú của cha/mẹ của trẻ cấp.

- Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân, làm cơ sở xác định và định danh một cá nhân. Trong khi đó, giấy chứng sinh chỉ ghi nhận thông tin về sự ra đời của một cá nhân và chỉ có giá trị khi đăng ký giấy khai sinh.

Mẫu giấy chứng sinh 2024

Mời bạn đọc cùng theo dõi mẫu giấy chứng sinh mới nhất 2024 tại đây:

Sửa/In biểu mẫu

Cơ sở KB, CB                                           Số: ……………………..

Quyển số : …………….

GIẤY CH Ứ NG SINH

Họ và tên mẹ/Người nuôi dưỡng: ...........................

Năm sinh: .................................................................

Nơi đăng ký thường trú: ............................................

……………………………………………………………

- Mã số BHXH/Thẻ BHYT số .....................................

Giấy CMND/Thẻ căn cước/Hộ chiếu số: ...................

Ngày cấp: ………. / ………. / ………….. Nơi cấp: ........

Dân tộc: ....................................................................

Họ và tên cha: ..........................................................

Đã sinh con vào lúc:...giờ...phút, ngày …. tháng ….. năm ………

Tại:...........................................................................

Số con trong lần sinh này: ......................................

Giới tính của con: …………….. Cân nặng .......

Dự định đặt tên con là: ..........................................

Ghi chú: ..................................................................

…….., ngày... tháng.... năm ……

Cha, mẹ, người nuôi dưỡng
‎ (ký, ghi rõ họ tên)

Người đỡ đẻ
(ký, ghi rõ họ tên)

Người ghi phiếu
(Ký, ghi rõ chức danh

Thủ trưởng cơ sở y tế
(Ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu)

Lưu ý :

- Giấy chứng sinh cấp lần đầu:        Số:           Quyển số:             (nếu cấp lại)

- Tên dự định đặt có thể đ ược thay đổi khi đăng ký khai sinh .

- Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha/mẹ hoặc người nuôi dưỡng phải đi khai sinh cho trẻ

Trên đây là thông tin gửi đến bạn đọc về các nội dung liên quan đến khái niệm giấy chứng sinh là gì, thẩm quyền và thủ tục làm giấy chứng sinh.

Nếu cần giải đáp về các quy định của pháp luật, hãy gọi ngay các chuyên viên pháp lý theo số  1900.6199 để được hỗ trợ

Có thể bạn quan tâm

X