hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 10/12/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Làm giấy khai sinh cho con cần giấy tờ gì? Làm muộn có bị phạt không?

Trẻ em khi sinh ra có quyền được đăng ký khai sinh và cha, mẹ, người thân thích của trẻ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ theo thời gian quy định. Vậy, trường hợp cha, mẹ làm giấy khai sinh cho con thì thủ tục thực hiện thế nào?

Mục lục bài viết
  • Làm giấy khai sinh cho con cần những giấy tờ gì?
  • Đăng ký khai sinh cho con tại nơi tạm trú được không?
  • Chưa kết hôn, đăng ký khai sinh cho con thế nào?
  • Làm giấy khai sinh cho con muộn có bị phạt không?

Làm giấy khai sinh cho con cần những giấy tờ gì?

Câu hỏi: Tôi muốn đi làm giấy khai sinh cho con tôi vậy xin hỏi tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì? Trường hợp tôi và vợ tôi không thể đi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con thì có thể nhờ ông bà đi đăng ký cho cháu được không? Tôi cảm ơn!

Căn cứ theo khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch 2014:

-  Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con;

- Trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Theo quy định trên thì trong thời hạn 60 ngày bạn hoặc vợ của mình có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho cháu. Trường hợp bố mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông bà có thể đi đăng ký khai sinh cho cháu.

Khi làm thủ tục đăng ký khai sinh, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

Tên giấy tờ

Giấy tờ phải nộp

Giấy tờ phải xuất trình

- Tờ khai đăng ký khai sinh

- Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh.

Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

- Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.

- Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi.

- Văn bản ủy quyền (được chứng thực) trong trường hợp ủy quyền thực hiện đăng ký khai sinh.

- Hộ chiếu/CMND/CCCD hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh.

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh.

- Giấy chứng nhận kết hôn (nếu đã đăng ký kết hôn).

Theo đó, thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh thuộc về UBND cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ (trừ trường hợp có yếu tố nước ngoài thì tiến hành khai sinh ở UBND cấp huyện).

Như vậy, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên và nộp tại UBND cấp xã nơi cư trú để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con.

Làm giấy khai sinh cho con quá hạn có bị phạt không? (Ảnh minh họa)


Đăng ký khai sinh cho con tại nơi tạm trú được không?

Câu hỏi: Vì lý do công việc nên vợ chồng tôi phải chuyển từ Hà Nội vào TP. HCM và đã đăng ký tạm trú tại TP. HCM. Vừa rồi vợ tôi cũng đã sinh con ở trong này, do dịch nên tôi không thể về quê để làm khai sinh cho con. Vậy xin hỏi tôi có thể đăng ký khai sinh cho con ở trong TP. HCM được không? Tôi cảm ơn!

Tại Điều 12 Luật Cư trú 2006, sửa đổi năm 2013 nêu rõ, nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống có thể là nhà ở, phương tiện hoặc địa điểm mà người này được phép sử dụng để cư trú thông qua việc thuê, mượn, ở nhờ…

Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú, trong đó:

- Thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ và đã đăng ký thường trú.

- Tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

Theo quy định này, việc đăng ký khai sinh đều được thực hiện tại nơi cư trú của cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc của trẻ. Do vậy cha, mẹ có thể thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con ở cả nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Chưa kết hôn, đăng ký khai sinh cho con thế nào?

Câu hỏi: Xin chào Hieuluat, năm ngoài em có làm đám cưới nhưng không có giấy đăng ký kết hôn. Em và chồng lại mỗi người một quê. Giờ em chuẩn bị sinh con vậy xin hỏi em muốn đăng ký khai sinh cho con thì có đầy đủ tên cha mẹ được không?

Quyền được khai sinh là một trong những quyền quan trọng được nêu tại Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015, trong vòng 60 ngày kể từ khi sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con mà không cần tới điều kiện đã đăng ký kết hôn hay chưa. Tuy nhiên, trong trường hợp này Nhưng lúc này, các cán bộ hộ tịch sẽ đăng ký khai sinh cho con trong trường hợp trẻ chưa xác định được cha hoặc mẹ.

Đồng thời, tại khoản 2, Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định như sau:

"...2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.".

Như vậy, bạn hoàn toàn có thể đăng ký khai sinh cho con, tuy nhiên nếu muốn giấy khai sinh của con có đầy đủ thông tin về cha, mẹ thì phải làm thủ tục nhận con theo quy định của pháp luật. Khi đó, cán bộ hộ tịch có thể kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh, các thông tin của trẻ như: Họ, quốc tịch, quê quán,… sẽ theo mẹ và để trống phần thông tin của cha.

Làm giấy khai sinh cho con muộn có bị phạt không?

Câu hỏi: Xin hỏi, theo quy định mới nhất đang áp dụng hiện nay thì làm giấy khai sinh quá hạn cho con có bị xử phạt không? Tôi cảm ơn!

Như đã nêu trên, trong thời hạn 60 ngày kể từ khi sinh con, cha, mẹ, ông bà hoặc người thân thích,… có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ.

Trước đây, theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 11/2013/NĐ-CP, sẽ áp dụng hình thức phạt cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định.

Tuy nhiên, Nghị định này đã hết hiệu lực và bị hay thế bởi Nghị định 82/2020/NĐ-CP hiện đang áp dụng. Theo đó, Nghị định 82 không còn quy định về hình thức phạt cảnh cáo với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn mà chỉ xử phạt với các hành vi sau:

- Phạt tiền từ 01 triệu đồng - 03 triệu đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

- Phạt tiền từ 03 triệu đồng - 05 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

+ Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh;

+ Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh;

+ Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

Trên đây là các vấn đề liên quan đến Giấy khai sinh cho con. Nếu còn có thêm vướng mắc, chúng tôi xin được tiếp tục hỗ trợ bạn tại hotline ​ 19006199

>> Mất giấy khai sinh, xin cấp lại thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X