hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 23/02/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giấy mời và giấy triệu tập của công an khác nhau thế nào?

Giấy mời và giấy triệu tập là hai loại giấy tờ được dùng phổ biến trong đời sống. Tuy nhiên hai loại giấy tờ này có những điểm khác nhau mà không phải ai cũng biết được.

Mục lục bài viết
  • Giấy triệu tập là gì?
  • Giấy mời là gì?
  • Giấy mời và giấy triệu tập của công an khác nhau thế nào?
  • Các hình thức gửi giấy triệu tập cho đương sự
Câu hỏi: Tôi thấy hai loại giấy là giấy mời và giấy triệu tập được sử dụng nhiều nhưng không hiểu khác nhau thế nào? Nếu nhận được giấy mời đến làm chứng cho một vụ việc mà tôi không đến thì có bị xử phạt không?

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho HieuLuat. Để rõ hơn về vướng mắc của mình, mời bạn theo dõi những thông tin chúng tôi đưa sau đây:

Giấy triệu tập là gì?

Giấy triệu tập là văn bản được dùng trong thủ tục tố tụng. Khi nhận được giấy triệu tập, người bị triệu tập phải có mặt tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để lấy lời khai, xác minh thêm thông tin liên quan đến vụ việc cụ thể nào đó.

Các cơ quan tố tụng gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án nhân dân.

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các đối tượng theo quy định.

Giấy mời là gì?

Giấy mời là loại giấy được sử dụng trong trường hợp cơ quan điều tra, tòa án… mời người có liên quan hoặc biết về vụ việc, vụ án đến làm việc nhằm thu thập thông tin; làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc, vụ án.

Giấy mời không có giá trị bắt buộc công dân chấp hành, do đó, người có tên trong giấy mời được quyền lựa chọn giữa việc có mặt hay không có mặt theo nội dung, địa điểm ghi trên giấy mời. Vì không có tính chất bắt buộc nên việc không đến làm việc theo giấy mời không được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, nếu có điều kiện và thời gian, người nhận được giấy mời nên đến làm việc với cơ quan đã gửi giấy mời để có thể biết rõ việc mình có liên quan đến vụ việc/vụ án như thế nào.

giấy mời và giấy triệu tập của công an khác nhau thế nào
Giấy mời và giấy triệu tập có những điểm gì khác nhau?

Giấy mời và giấy triệu tập của công an khác nhau thế nào?

Tiêu chí

Giấy triệu tập

Giấy mời

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Chưa có điều luật, văn bản quy định

Thẩm quyền ban hành

Cơ quan tiến hành tố tụng ban hành, gồm:

- Cơ quan điều tra

- Viện kiểm sát

- Tòa án.

Thông thường do các Cơ quan tiến hành tố tụng ban hành.

Trường hợp áp dụng

Chỉ áp dụng khi đã khởi tố vụ án trong quá trình hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tố tụng.

Được sử dụng khi chưa khởi tố vụ án trong các hoạt động không thuộc phạm vi của tố tụng hình sự.

Chủ thể áp dụng

- Các cơ quan có thẩm quyền được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
- Viện kiểm sát
- Tòa án

- Cá nhân, tổ chức

- Cơ quan Nhà nước

Chủ thể bị áp dụng

- Bị can, bị cáo;
-Người bị hại;
-Đương sự;
- Người bào chữa;
- Người làm chứng;
- Người giám định
- Người định giá tài sản;
- Người phiên dịch
- Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
- Người có quyền và nghĩa vụ liên quan;
- Người tố giác, báo tin về tội phạm; người bị tố giác.

Bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào có liên quan hoặc biết về vụ án hoặc vụ việc.

Giai đoạn áp dụng

Giấy triệu tập được sử dụng khi đã có quyết định khởi tố vụ án.

Thường giấy mời được sử dụng trong giai đoạn chưa khởi tố vụ án hình sự.

Tính chất

Mang tính bắt buộc, người có tên trong giấy triệu tập bắt buộc phải có mặt tại cơ quan gửi giấy triệu tập đúng thời gian, địa điểm để làm việc.

Chưa có quy định bắt buộc nên người có tên trong giấy mời có thể có mặt hoặc không có mặt.

Hậu quả thi hành

Nếu không có mặt theo giấy triệu tập có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như áp giải, dẫn giải, thậm chí quyết định truy nã.

Do không có tính chất bắt buộc nên việc không có mặt theo nội dung giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật.

Các hình thức gửi giấy triệu tập cho đương sự

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án nhân dân,..có thể gửi giấy triệu tập bằng những hình thức được quy định tại Điều 173 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Cụ thể, việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện bằng 05 phương thức:

Thứ nhất, cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo.

Thứ hai, cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Thứ ba, niêm yết công khai.

Thứ tư, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Và thứ năm là cấp, tống đạt, thông báo bằng phương thức khác theo quy định.

HieuLuat vừa thông tin về Giấy mời và giấy triệu tập, nếu còn băn khoăn, bạn đọc vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X