hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 12/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH tối đa bao nhiêu ngày? Xin ở đâu?

Trong thời gian gần đây, Giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) là vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm, nhất là với những người đã và đang nhiễm Covid-19. Vậy, Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH tối đa bao nhiêu ngày? Tới đâu để xin cấp loại giấy tờ này?

Mục lục bài viết
  • Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH tối đa bao nhiêu ngày?
  • Đến đâu để xin cấp Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH? Ai có thẩm quyền ký?
  • Tra cứu cơ sở y tế cấp Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH thế nào?
Câu hỏi: Tôi vừa có thời gian điều trị Covid-19 tại nhà 10 ngày, sắp tới tôi đi làm lại nên muốn tranh thủ làm thủ tục để hưởng BHXH. Vậy xin hỏi tôi muốn xin Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH thì tới đâu để xin? Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH tối đa bao nhiêu ngày?

Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH tối đa bao nhiêu ngày?

Tại Phụ lục 7, Thông tư 56/2017/TT-BYT hướng dẫn cụ thể cách ghi số ngày nghỉ trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH như sau:

Số ngày nghỉ: việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Riêng trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo chương trình chống lao quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

Việc ghi ngày bắt đầu được nghỉ phải trùng với ngày người bệnh đến khám.

Theo quy định trên, có thể thấy, thời hạn của giấy nghỉ ốm hưởng BHXH sẽ được căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng có giới hạn tối đa:

- 180 ngày/lần cấp giấy nghỉ ốm: Người bệnh điều trị bệnh lao theo chương trình chống lao quốc gia.

- 30 ngày/lần cấp giấy nghỉ ốm: Các trường hợp còn lại.

Lưu ý, mỗi lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (theo khoản 2 Điều 20 Thông tư 26/2017).

Thời gian tối đa được nghỉ hưởng chế độ khi ốm đau là bao lâu?

Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định về thời gian người lao động bị ốm đau được nghỉ hưởng chế độ như sau:

- Làm việc trong điều kiện bình thường:

+ Đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm: Tối đa 30 ngày/năm.

+ Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 - dưới 30 năm: Tối đa 40 ngày/năm.

+ Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm: Tối đa 60 ngày/năm.

- Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm:

+ Đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm: Tối đa 40 ngày/năm.

+ Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 - dưới 30 năm: Tối đa 50 ngày/năm.

+ Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm: Tối đa 70 ngày/năm.

- Trường hợp mắc bệnh thuộc danh mục chữa trị dài ngày:

+ Tối đa 180 ngày.

+ Hết 180 ngày vẫn tiếp tục điều trị thì được nghỉ thêm tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

Theo đó, cần căn cứ vào tính chất, đặc thù công việc và thời gian đóng BHXH để xác định thời gian tối đa nghỉ hưởng chế độ khi ốm đau của người lao động.

Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH tối đa bao nhiêu ngày? Xin ở đâu? (Ảnh minh họa)


Đến đâu để xin cấp Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH? Ai có thẩm quyền ký?

Theo khoản 1 Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT, việc cấp Giấy nghỉ ốm phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó;

b) Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c) Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo đó, người lao động muốn nghỉ ốm hưởng BHXH thì phải xin giấy nghỉ ốm tại cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép hoạt động.

Tức, sau khi người lao động tiến hành thăm khám, cơ sở khám, chữa bệnh sẽ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH với thời gian nghỉ phù hợp với tình hình sức khỏe của người đó.

Đồng thời, theo khoản 3 Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT, người được ký giấy nghỉ ốm hưởng BHXH là người hành nghề (y, bác sĩ) làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp phép hoạt động. Trong đó:

- Trường hợp cơ sở y tế đó không phải là pháp nhân thì người hành nghề phải đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan BHXH.

- Trường hợp người khám, chữa bệnh đồng thời là người đứng đầu hoặc người được ủy quyền ký đóng dấu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó thì người này chỉ cần ký và đóng dấu ở phần “Xác nhận của thủ trưởng đơn vị” và không phải ký tên ở Phần y, bác sỹ khám, chữa bệnh nhưng vẫn phải ghi ngày, tháng, năm cấp.

Nếu người ký giấy nghỉ ốm này không đúng thẩm quyền thì giấy tờ đó sẽ bị coi là không hợp lệ, cơ quan BHXH sẽ từ chối giải quyết hưởng chế độ cho người lao động.

Tra cứu cơ sở y tế cấp Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH thế nào?

Để thuận lợi hơn trong việc làm thủ tục xin cấp Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH, người lao động hoàn toàn có thể tra cứu thông tin cơ sở y tế cấp Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH gần mình nhất qua trang web của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Cụ thể:

Bước 01: Bạn truy cập trang web Tra cứu CSKCB cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH.

Bước 02: Bạn hãy điền lần lượt thông tin Tỉnh thành, Quận/ Huyện, Tên cơ sở KCB.

Sau đó tích chọn "Tôi không phải là người máy", Chọn Tra cứu.

Bảng tra cứu sẽ hiện lên cho bạn về mã cơ sở và thông tin cần tìm kiếm.

Trên đây là giải đáp về Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH tối đa bao nhiêu ngày. Nếu còn thắc mắc về trường hợp của mình, bạn vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Đang nghỉ sinh mắc Covid-19 có được hưởng chế độ ốm đau?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X