hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 09/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giấy phép sản xuất rượu thủ công: Điều kiện, hồ sơ và thủ tục

Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất truyền thống và vẫn phổ biến hiện nay. Giấy phép sản xuất rượu thủ công là thủ tục bắt buộc đối với mỗi cơ sở sản xuất rượu. Vậy điều kiện, thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công thế nào?

 
Mục lục bài viết
  • Điều kiện xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công
  • Hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công gồm những gì?
  • Thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công thế nào?
Câu hỏi: Gia đình tôi có truyền thống làm rượu thủ công để buôn bán. Vậy có cần phải xin giấy phép sản xuất rượu thủ công không và thủ tục như thế nào?

Điều kiện xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công

Điều kiện xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ côngĐiều kiện xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công

Để xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công, các cơ sở sản xuất phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Đối với cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh:

  • Là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

  • Cơ sở sản xuất đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hoá theo quy định.

- Đối với cơ sở sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại:

  • Có hợp đồng mua bán rượu thủ công với cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.

  • Nếu không bán rượu cho cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp thì phải làm thủ tục xin cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định.

Hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công gồm những gì?

Căn cứ Điều 20 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bổi khoản 15 Điều 16 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, cá nhân tổ chức muốn xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công cần chuẩn bị thành phần hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm Nghị định số 17/2020/NĐ-CP.

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã (bản sao).

- Bản liệt kê hàng hoá rượu mà tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc dự kiến sản xuất kèm theo bản sao nhãn hàng hoá rượu.

- Bản công bố sản phẩm rượu (bản sao) hoặc Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy (bản sao) hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm (bản sao), trừ trường hợp đối với cơ sở thuộc loại kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ theo quy định về an toàn thực phẩm.

Số lượng hồ sơ nộp: 01 bộ hồ sơ.

Hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công gồm những gì?Hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công gồm những gì?

Để chuẩn bị đầy đủ các thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công, cá cá nhân, tổ chức sản xuất rượu cần phải thực hiện: Đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật; Thực hiện thủ tục đăng ký công bố sản phẩm; Xin cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trường hợp cá nhân sản xuất rượu thủ công với tư cách cá nhân để bán cho cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại thì không cần phải đăng ký kinh doanh.

Thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công thế nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 25 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP và khoản 19 Điều 16 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung điểm c khoản 2 Điều 25 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP), thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Thương nhân sản xuất rượu thủ công chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên và nộp đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công hiện nay là Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện.

Nộp hồ sơ thông qua 02 cách:

- Cách 1: Nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tại bộ phận một cửa của UBND cấp huyện hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện tại địa bàn.

- Cách 2: Nộp trực tuyến qua Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh/thành phố nơi cơ sở sản xuất rượu thủ công đặt trụ sở chính.

Đồng thời, thương nhân phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư số 299/2016/TT-BTC, phí thẩm định để cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công là 1,1 triệu đồng/lần/bộ hồ sơ.

Bước 2: Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện tiếp nhận và thụ lý hồ sơ. 

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép cho cơ sở sản xuất đủ điều kiện.

- Nếu hồ sơ hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công cho thương nhân.

- Nếu hồ sơ không hợp lệ thì trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản yêu cầu cá nhân, tổ chức bổ sung, điều chỉnh hồ sơ hợp lệ.

- Trường hợp từ chối cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do từ chối.

Bước 3: Nhận kết quả giấy phép sản xuất rượu thủ công được cấp.

Trên đây là những thông tin cần biết về giấy phép sản xuất rượu thủ công. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến:  19006199 để được giải đáp.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X