Giữ Căn cước công dân của người khác có sao không? Trừ các trường hợp pháp luật cho phép thì không phải ai cũng có thể tùy tiện giữ giấy tờ tùy thân của người khác và nếu vi phạm có thể bị xử phạt hành chính.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Vấn đề của bạn HieuLuat xin được thông tin như sau:
Ai được tạm giữ Căn cước công dân của người khác?
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Nghị định 05/1999/NĐ-CP thì thẩm quyền thu hồi, tạm giữ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân như sau:
- Cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân có thẩm quyền thu hồi CMND/CCCD theo quy định
- Những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính có quyền tạm giữ CMND/CCCD với công dân có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật phải bị tạm giữ CMND/CCCD.
- Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi công dân có hộ khẩu thường trú, cơ quan thi hành lệnh tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có thẩm quyền tạm giữ Chứng minh nhân dân của những công dân bị tạm giam, thi hành án phạt tù tại trại giam; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng,cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Nếu nhận thấy có bất cứ vi phạm nào trong việc thu giữ CMND/CCCD, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.
Giữ Căn cước công dân của người khác, phạt thế nào?
Theo quy định trên có thể thấy hành vi giữ CCCD của người khác nếu không thuộc các trường hợp cho phép là trái quy định của pháp luật và có thể bị bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a Khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021 của Chính phủ.
Cụ thể phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng nếu:
a) Chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác;
...
Như vậy, hành vi chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, giữ Căn cước công dân của người khác sẽ có mức phạt là từ 1 – 2 triệu đồng.
Hành vi giữ Căn cước công dân của người khác có thể bị phạt đến 2 triệu đồng.
Thế chấp CCCD bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân như sau:
Phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau:
…
c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
Khoản 5 Điều 10 Nghị định này còn quy định về hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này đó là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Như vậy, người thế chấp CCCD sẽ bị xử phạt từ 4 – 6 triệu đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện đối với hành vi vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính (theo điểm b Khoản 6 Điều 10 Nghị định 144/2021)
Căn cứ các quy định trên, có thể thấy nếu anh họ bạn cầm cố CCCD của bạn sẽ phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng vì hành vi chiếm đoạt, sử dụng thẻ CCCD của người khác. Đồng thời, anh họ bạn còn bị xử phạt thêm từ 4 – 6 triệu đồng với hành vi cầm cố CCCD, bị tịch thu tang vật, phương tiện đối với hành vi vi phạm và buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Trên đây là thông tin về hình thức xử phạt nếu giữ Căn cước công dân của người khác, nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.