Chắc hẳn chúng ta đã rất quen thuộc với thuật ngữ GDP, tuy nhiên thuật ngữ cũng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực kinh tế là GRDP lại ít được biết đến. Vậy GRDP là gì? Có khác gì so với GDP không?
GRDP là gì? Phân biệt GRDP và GDP
Khái niệm GRDP
GRDP chính là viết tắt của cụm từ “Gross Regional Domestic Product”, dịch ra nghĩa tiếng Việt là tổng sản phẩm trên địa bàn. GRDP là chỉ tiêu thường được sử dụng trong việc đánh giá, so sánh trình độ phát triển kinh tế và mức sống người dân của một vùng hay một tỉnh.
GRDP là tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của một vùng hay một tỉnh trong khoảng thời gian nhất định, là chỉ số biểu thị cho kết quả sản xuất của các đơn vị thường trú tại khu vực hay tỉnh đó.
Khái niệm GRDP
Cách phân biệt GRDP và GDP
Nội dung | GRDP | GDP |
Phạm vi tính toán | Tổng giá trị sản phẩm tính trên phạm vi một vùng hay một tỉnh. | Tổng giá trị sản phẩm tính trên phạm vi lãnh thổ của một quốc gia. |
Tầm quan trọng | Có vai trò quan trọng trong việc đo lường sức mạnh nền kinh tế của một khu vực, đặc biệt là các nơi như thành phố trẻ đang phát triển hay các khu công nghiệp mới. | Chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sức mạnh hay tiềm lực kinh tế của một quốc gia. |
Ý nghĩa của chỉ tiêu GRDP đối với nền kinh tế
GRDP là chỉ tiêu đo lường sức mạnh nền kinh tế của một vùng hay một tỉnh. Vì nếu GRDP tăng trưởng cao, cho thấy vùng hay tỉnh đang trên đà phát triển và có tiềm năng kinh tế lớn. Ngược lại, nếu vùng hoặc tỉnh có GRDP giảm thì dễ dàng nhận thấy khu vực này đang gặp khó khăn về kinh tế.
Là cơ sở để đưa ra các chính sách phát triển kinh tế hay quy hoạch kinh tế. GRDP là chỉ tiêu thể hiện sự đóng góp của các ngành kinh tế khác nhau vào khu vực đó. Do vậy, nhà lãnh đạo có thể giúp xác định điểm mạnh và điểm yếu trong nền kinh tế của vùng. Từ đó nhà lãnh đạo sẽ có những giải pháp để phát huy sức mạnh và khắc phục điểm yếu nhằm giúp kinh tế của vùng hay tỉnh phát triển bền vững.
GRDP còn là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hiệu quả của các chính sách kinh tế sau khi triển khai. Vì nếu GRDP tăng mạnh sau khi thực hiện chính sách kinh tế thì có thể nói chính sách này rất hiệu quả. Còn nếu GRDP giảm mạnh sau khi thực hiện chính sách đó thì dễ dàng nhận ra chính sách này không phù hợp.
Cách tính GRDP thế nào?
GRDP có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế, vậy làm sao để tính GRDP chính xác nhất? Dưới đây là phương pháp tính GRDP chuẩn nhất!
Phương pháp tính GRDP
Căn cứ theo Quyết định 05/2023/QĐ-TTg, GRDP được tính dựa trên phương pháp sản xuất:
Theo giá hiện hành:
GRDP theo giá hiện hành thường dùng để nghiên cứu cơ cấu và mối quan hệ giữa các ngành sản xuất trong nền kinh tế của tỉnh.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành sẽ bằng giá trị tăng thêm của sản phẩm theo giá hiện hành cộng với thuế sản phẩm theo giá hiện hành và trừ đi trợ cấp sản phẩm theo giá hiện hành.
Công thức tính GRDP theo giá hiện hành
Giá trị tăng thêm nghĩa là giá trị mới tạo ra sau một công đoạn sản xuất. Giá trị tăng thêm nói chung sẽ bằng giá trị sản xuất trừ đi chi phí trung gian. Ví dụ, chủ cửa hàng chế biến cá mua cá tươi từ ngư dân hết 100.000 đồng, sau đó người ấy chế biến thành cá khô và bán cho chủ tiệm cơm với giá là 150.000 đồng.
Lúc này, giá trị sản xuất là 150.000 đồng trừ đi chi phí trung gian (tiền mua cá từ ngư dân mất 100.000 đồng), suy ra giá trị tăng thêm của cá khô sẽ là 50.000 đồng. Như vậy, đóng góp của họ vào tổng giá trị tăng thêm sẽ là 50.000 đồng.
Để tính giá trị tăng thêm theo giá hiện hành, ta sẽ lấy giá trị sản xuất theo giá hiện hành trừ đi chi phí trung gian theo giá hiện hành.
Công thức tính giá trị tăng thêm theo giá hiện hành
Theo giá so sánh:
GRDP theo giá so sánh là chỉ tiêu thường dùng để tính tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương và nghiên cứu sự biến động về khối lượng hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh sẽ được tính gián tiếp và có công thức là: tổng giá trị tăng thêm theo giá so sánh cộng với thuế sản phẩm theo giá so sánh trừ đi trợ cấp sản phẩm theo giá so sánh.
Công thức tính GRDP theo giá so sánh
Phương pháp tính tốc độ tăng trưởng GRDP
Tốc độ tăng trưởng GRDP là tỷ lệ tăng hoặc giảm của tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn của kỳ báo cáo này so với kỳ trước đó.
Cách tính tốc độ tăng trưởng GRDP theo quý, 6 tháng, 9 tháng hoặc năm:
Công thức tính tốc độ tăng trưởng GRDP theo quý, 6 tháng, 9 tháng hoặc năm
Trong đó:
GRDPn1: là GRDP theo giá so sánh của quý, 6 tháng, 9 tháng hoặc năm đang báo cáo.
GRDPn0: là GRDP theo giá so sánh của quý, 6 tháng, 9 tháng hoặc năm của kỳ trước đó.
Cách tính tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân theo thời kỳ:
Công thức tính tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân theo thời kỳ
Trong đó:
Gy là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân (từ sau năm gốc đến năm thứ n).
n: là số năm tính từ năm kế năm gốc đến năm báo cáo.
GRDPn: là GRDP theo giá so sánh của năm thứ n.
GRDP0: là GRDP theo giá so sánh của năm gốc.
Kỳ biên soạn và thời gian công bố GRDP của các tỉnh, thành
Căn cứ theo Điều 1, Quyết định 715/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kỳ biên soạn và thời gian công bố GRDP của các tỉnh, thành được quy định như sau:
“(1) Số liệu GRDP ước tính 6 tháng theo ngành kinh tế cấp I công bố và phổ biến vào ngày 30 tháng 5 hàng năm.
(2) Số liệu GRDP sơ bộ 6 tháng và ước tính cả năm theo ngành cấp I công bố và phổ biến vào ngày 30 tháng 11 hàng năm.
(3) Số liệu GRDP sơ bộ cả năm theo ngành cấp I công bố và phổ biến vào 30 tháng 3 năm kế tiếp.
(4) Số liệu GRDP chính thức cả năm theo ngành kinh tế cấp II và thành phần kinh tế (Nhà nước, ngoài Nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) công bố và phổ biến vào ngày 30 tháng 11 năm kế tiếp.
c) Nếu địa phương có nhu cầu số liệu GRDP theo quý, Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm biên soạn theo phương pháp sản xuất, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thẩm định và công bố.”